NỮ GIỚI » Tâm sự

Là gái tỉnh lẻ, tôi quyết chỉ yêu và cưới trai Hà thành

Thứ năm, 31/10/2013 11:32

Thân gái tỉnh lẻ trụ lại Hà Nội rất khó khăn, nói thực tôi cần một chỗ dựa để giúp đỡ mình. Nếu lấy một chàng trai quê, chẳng khác nào “ốc chưa mang nổi mình ốc, lại mang cọc cho rêu”.

Gần đây, tôi đọc được một tâm sự trên mạng của một cô gái thành phố chia sẻ nỗi khổ tận tâm can khi lấy chồng tỉnh lẻ. Đọc những lời trải lòng của cô ấy mà tôi xót xa thay. Sao mà dại dột thế, đúng là “bông hoa nhài cắm bãi phân trâu”. Nói thật, đến tôi - một gái tỉnh lẻ chính hiệu còn chẳng chịu nổi khi phải lấy trai quê.

Lấy trai quê có hai lựa chọn. Một là ở lại Hà Nội cùng nhau lập nghiệp, hai là theo chồng về quê. Về quê thì không đời nào tôi chịu. Cả đời tôi đã phấn đấu, cố gắng hết mình để được “lên phố”. Tôi biết sẽ có nhiều bạn trách tôi mất gốc, nhưng các bạn chưa trải qua cuộc sống buồn chán ở quê, các bạn không hiểu.

Thời tiết, không khí ở quê thoáng mát, thư thái thật. Tuy nhiên, nó chỉ thích hợp cho những chuyến nghỉ mát. Còn ở lâu dài thì đúng là vô cùng khó chịu. 8 giờ tối là bốn bề im ắng, không một tiếng động.

Khi mệt mỏi, stress muốn tìm nơi giải trí cũng chẳng có chỗ chơi, không có rạp chiếu phim, karaoke, cà phê, bar gì hết. Hoặc nếu có thì cũng đều lạc hậu, cũ kỹ, nhàm chán. Đấy là gia đình tôi cũng thuộc dạng có điều kiện, ở thị xã. Chứ còn về đến làng quê thì còn chán hơn nhiều.

Chuyện công việc cũng chẳng thuận lợi. Môi trường làm việc ở quê chậm chạp, cũ kỹ, chẳng được năng động, hiện đại như ở Hà Nội. Đồng nghiệp cũng không giỏi giang, thú vị như ở phố. Nói tóm lại là cuộc sống đều đều, nhàm chán, kém văn minh.

Lấy chồng quê làm khổ 3 thế hệ: bố mẹ mình, mình, con mình.

Ở quê cũng bất tiện nhiều bề trong sinh hoạt. Mỗi khi trong nhà có người đau ốm, lại phải rồng rắn kéo nhau lên các bệnh viện tuyến trên. Rồi sau này con cái cũng không được hưởng nên giáo dục hiện đại, tiên tiến. Khi đi học Đại học, chúng lại phải trải qua cuộc sống vất vả ở những xóm trọ. Chính tôi đã phải thuê nhà suốt những năm sinh viên. Và tôi biết nỗi vất vả, thiếu thốn đủ bề. Nhiều khi tủi thân phát khóc, ghen tỵ khủng khiếp với những đứa bạn nhà Hà Nội có bố mẹ nuông chiều, cuộc sống sung sướng.

Trong thâm tâm tôi luôn nghĩ: Tại sao không cố trụ lại Hà Nội để cha mẹ, con cái có điểm tựa sau này. Về quê làm gì để hại cả 3 thế hệ. Bố mẹ mình khổ, mình khổ, con mình cũng lại phải chịu khổ.

Lấy chồng quê nhưng ở lại Hà Nội thì cũng thật khủng khiếp.

Những trai quê có nhà cửa tại Hà Nội có thể nói chỉ tính trên đầu ngón tay. Khả năng lớn là vợ chồng sẽ phải đi thuê nhà. Nghĩ đến cảnh chui rúc trong căn nhà trọ chật hẹp, bẩn thỉu, không biết đến bao giờ mới mở mày mở mặt được mà tôi thấy chán.

Cảnh “một túp lều tranh hai trái tim vàng”, chỉ cần nghĩ đến tôi đã run sợ. Tình yêu là một thứ rất giá trị, nhưng với điều kiện phải đi kèm với vật chất. Khi phải khổ cực, người ta chẳng còn tâm trí mà yêu. Chỉ còn sự thù hằn, cáu bẳn.

Thử hỏi nếu đến 35, 40 tuổi mà vợ chồng con cái vẫn phải chui rúc trong căn phòng thuê chật chội, thiếu thốn tiện nghi, chỗ nấu cơm, chỗ ngủ là một, mùi mắm muối ám vào quần áo. Lúc đó vợ chồng chỉ có ghét nhau như mẻ, nhìn mặt nhau phát ngán. Đảm bảo lúc đó bạn sẽ thấy mình ngu ngốc khi ngày trẻ đã vì tình yêu mà chạy theo một anh chồng tỉnh lẻ nghèo.

Lấy chồng Hà Nội ít ra còn có sẵn nhà cửa, hai vợ chồng chỉ tập trung lo phấn đấu sự nghiệp. Gì thì gì, cái nhà và sổ hộ khẩu là cực kỳ quan trọng. Các cụ ta chẳng đã dạy: “an cư trước, lạc nghiệp sau”. Lấy chồng quê, tấc đất cắm dùi không có thì lấy gì để mà lạc nghiệp.

Chưa kể, lấy chồng quê rất khổ mỗi khi đến dịp Lễ, Tết. Lấy chồng Hà Nội, ở với bố mẹ chồng cả năm rồi, Tết có về nhà vợ cũng là lẽ đương nhiên, bên nhà chồng cũng dễ dàng thông cảm. Nhưng lấy chồng quê, cả hai vợ chồng đều xa bố mẹ, đương nhiên sẽ phải ưu tiên cho nhà chồng trước. Có khi còn chẳng được về thăm bố mẹ đẻ, phải cun cút về nhà chồng cả Tết.

Đấy là còn chưa nói đến chuyện quà cáp, chăm sóc cho gia đình hai bên. Nhà chồng ở Hà Nội đương nhiên sẽ phải có kinh tế mạnh hơn ở quê, nên chỉ có họ cho mình, biếu mình, hỗ trợ mình về mặt kinh tế. Còn một khi đã lấy chồng quê thì chẳng mơ dành được gì cho bố mẹ đẻ. Tiền trang trải cho gia đình nhỏ của mình đã không đủ, nếu thừa ra cũng phải để biếu nhà chồng, ưu tiên nhà chồng trước, nhà mẹ đẻ sau. Nói chung là thiệt đủ đường.

Thân gái dặm trường trụ lại Hà Nội khó khăn, tôi cần một chỗ dựa để giúp đỡ mình. Nếu lấy một chàng trai quê, chẳng khác nào “ốc chưa mang nổi mình ốc, lại mang cọc cho rêu”.

Cả hai vợ chồng đều không có mối quan hệ tại thành phố, sẽ rất vất vả để lập nghiệp, cũng như lo toan cho cuộc sống sau này. Lấy chồng Hà Nội sẽ có nền tảng vững vàng hơn. Bố mẹ chồng, chồng, anh chị chồng, rồi bạn bè của chồng đều ở Hà Nội. Sau này có việc cần nhờ vả cũng dễ dàng hơn qua những mối quan hệ đó.

Ví dụ như một chuyện nhỏ như con ốm, hay xin học cho con. Không quen biết ai, liệu bạn có thể xin cho con vào được một trường tốt, đưa con đến một vị bác sĩ tốt để khám? Chắc chắn là không. Lấy chồng tỉnh lẻ, bạn sẽ rất mất công để xây dựng các mối quan hệ nhưng người chồng Hà Nội thì đã có sẵn những thứ đó rồi.

Một chàng trai Hà Nội sẽ là bến đỗ an toàn, một điểm dựa vững chắc cho những gái tỉnh lẻ như tôi (Ảnh minh họa)

Tất nhiên, một cô gái tỉnh lẻ muốn lấy được người chồng Hà Nội không phải là điều dễ dàng. Việc có được người yêu Hà Nội không khó, cái khó là lấy được anh ta. Rất nhiều chàng trai Hà Nội bây giờ thích gái quê hơn gái phố bởi gái quê giản dị, chăm chỉ, đảm đang và truyền thống hơn. Gái quê có đủ tiêu chí để trở thành một người vợ, người mẹ tốt. Tuy nhiên, quan niệm “môn đăng hậu đối” vẫn ăn vào tiềm thức của nhiều bậc phụ huynh thành phố. Muốn lấy được chồng Hà Nội, khó khăn nhất là phải trải qua được cửa ải này. Phải cực kỳ vững vàng và quyết tâm để chịu đựng sự dò xét, nghi ngờ từ các cụ. Đừng vì vài lời mỉa mai, sự phản đối ban đầu mà chịu thua.

Nhiều bậc cha mẹ sợ con mình bị gái quê đào mỏ, lợi dụng. Vì vậy, phải khéo léo cho họ thấy mình không có ý nghĩ đó và để họ thấy được điểm mạnh của gái quê: ngoan, khéo, chân chất.

Đặc biệt là phải biết nghe lời. Người thành phố hay tự nhận mình có lối sống thoáng nhưng họ mới là những người khó tính nhất. Điều mà họ thích nhất đó là được tỏ ra ta hơn người, được cao giọng dạy dỗ người khác, nhất là những người ở quê. Chính vì vậy, hãy tỏ ra ngoan ngoãn, phục tùng mẹ chồng tương lai, việc này sẽ giúp nhanh chóng lấy lòng bác ấy và chuyện bước chân vào làm dâu gia đình Hà Nội là không hề khó.

Tôi đã thực hiện như vậy và thuyết phục được mẹ của bạn trai tôi. Bây giờ, bác ấy đã nhận tôi là con dâu tương lai, dự định năm sau sẽ về quê hỏi tôi làm vợ cho con trai.

Chưa lấy chồng Hà Nội, mới chỉ là vợ chưa cưới của một anh chàng Hà Nội mà tôi đã “được” rất nhiều. Việc làm hiện tại của tôi cũng là bố chồng tương lai xin cho. Trước đây, tôi vất vả đi làm tư nhân, nhưng giờ đã xin được một chân trong công ty nhà nước ổn định, nhàn hạ. Bố mẹ chồng lo cho tương lai của hai đứa, muốn tôi sớm ổn định nên đã ra tay giúp đỡ tôi.

Tôi thấy quyết định chỉ yêu và lấy người Hà Nội của mình rất đúng đắn. Hiện giờ tôi đang được nếm vị hạnh phúc. Tôi tin nhờ quyết định này của tôi, cha mẹ tôi, tôi và các con tôi sau này cũng sẽ được ổn định, an nhàn hơn.

Theo Trí Thức Trẻ