Đàn ông tài giỏi là phải khiến vợ sợ mình?
Trong dịp họp lớp đại học nhân dịp 10 năm ra trường tại resort ven biển, vào buổi chiều, khi một nhóm đang ngồi uống bia bên bàn, anh chàng tên Long quay sang hỏi vợ: "Em cũng uống chút bia đi". Cô vợ bảo: "Không, lát em còn tắm biển, uống bia sợ say. Em uống nước lọc thôi". Long bèn đứng dậy, đến chỗ thùng nước suối trên cái bàn cách đó một quãng, lấy một chai, đem về bàn bóc ra rót vào cốc, cho thêm vài cục đá rồi đưa vợ: "Em uống đi".
Vài cô vợ khác trong bàn chớp chớp mắt ghen tị. Nhưng hai ông anh già nhất thì cau mày, lắc lắc đầu. Lát sau khi các phu nhân đã dắt nhau ra ngắm biển, một ông bảo: "Hỏng. Chú lấy vợ bao nhiêu lâu rồi mà còn để cho nó cưỡi lên đầu lên cổ thế hả?". Anh kia phụ họa: "Chú hiền quá như thế không được đâu. Thích nước lọc thì tự đi lấy mà uống, chồng đang uống bia với bạn bè mà bắt hầu nước hầu nôi là sao?".
Long ú ớ: "Có bắt đâu? Em tự đi lấy mà". Mấy ông anh ngao ngán giơ tay lên đầu, bảo tao chịu mày rồi, đàn ông đàn ang bị vợ dắt mũi, sai vặt mà cứ nhơn nhơn không thấy ngượng thì lạ thật.
"Mày nhìn bọn anh đi, từ trưa đến giờ hết nhậu rồi hát rồi lại uống bia, mụ vợ anh một mình cho hai thằng nhóc kia ăn rồi lại quản chúng nó hết chơi lại ngủ, có dám phiền đến anh một câu nào không? Vợ nhà khác làm chút việc nhà, chăm con được một tí đã tị với chồng, đã đòi chồng phải giúp việc nọ việc kia. Vợ nhà này á, quán triệt ngay từ đầu, con cái nhà cửa là việc của đàn bà, làm được hết thì làm, không thì giải tán. Mình dứt khoát thế, không vợ nào dám ho he cả", một ông anh nói.
Ông anh kia tiếp lời: "Làm thằng đàn ông, không biết tề gia thì làm sao trị quốc, bình thiên hạ hả chú? Anh biết chú nghĩ là lấy cốc nước cũng chẳng vất vả gì thì lấy cho nó cũng không sao. Nhưng như vậy rất nguy hiểm, cái giống đàn bà mà yêu nó quá là nó nhờn, nó cưỡi lên cổ mình ngay. Như vợ anh, anh cũng yêu nó, nhưng anh rèn nó sợ anh một phép, chồng bảo phải nghe. Chồng đi nhậu với bạn thì khôn hồn đừng gọi điện giục về, chồng về là tốt rồi, muộn cũng cấm nhăn nhó. Vớ vẩn anh đi luôn cho mấy bữa là khiếp".
Thấy nói mãi mà thằng em chả thủng, hai ông anh lộ rõ vẻ chán nản, ném cho Long cái nhìn vừa tội nghiệp vừa xem thường "cái thằng đắp váy lên mặt".
Cũng vì sợ bị thiên hạ cười vào mũi vì không có uy với vợ mà mỗi lần về quê, anh Vịnh, vốn ngày thường rất chiều vợ, lại làm ra vẻ một ông chồng gia trưởng, hách xì dầu. Lần đầu tiên là dịp 4 tháng sau khi cưới, vợ Vịnh đang có bầu, nghén khá nặng. Khi ở thành phố, Vịnh chăm vợ như trứng mỏng, vợ chỉ mỗi việc ra siêu thị gần nhà chọn thực phẩm theo ý thích, rồi về quẳng trong bếp, chồng sẽ xử lý từ khâu nấu nướng theo ý vợ cho đến rửa bát và đổ rác. Xong việc, anh còn nịnh nọt xem vợ thích loại sinh tố gì để anh còn xay.
Vợ anh về quê ăn uống, ngủ nghỉ không quen nên càng mệt hơn, lại vẫn tưởng ông chồng- đang -ở -quê và ông chồng-lâu-nay- ở -thành- phố là một, nên 10 giờ đêm đó, sau khi nôn đến lần thứ ba trong buổi tối, cô thất thểu đi ra nhà ngoài, nơi Vịnh vẫn đang đánh bài với mấy ông anh họ, thều thào bảo: "Anh ơi, vắt giúp em ly nước cam với". Trước ánh mắt sửng sốt của mấy ông anh nhìn vợ mình như nhìn người ngoài hành tinh, Vinh quát: "Tự pha mà uống. Có đâu cái lối sai chồng thế hả?".
Mắt cô vợ rơm rớm nước. Một ông anh "đá đểu" Vịnh: "Kìa thím ấy đang có chửa. Chú không hầu, thím ấy lại giận cho bây giờ". Vịnh càng lớn giọng: "Vớ vẩn. Đàn bà ai chả chửa? Cô xem các chị ở đây ai chả đẻ hai ba đứa con!".
Đêm ấy khi chỉ còn hai vợ chồng trong buồng, Vịnh năn nỉ vợ: "Anh xin lỗi, nhưng em cũng phải nghĩ đến danh dự của anh chứ". Vợ anh không ngủ được vì ý nghĩ: Sao cứ phải quát vợ oang oang trước mặt người khác thì mới có danh dự? Đun cho vợ miếng cháo khi vợ ốm thì có gì mà mất danh dự chứ?
Thế nào mới đáng mặt đàn ông?
"Theo như tôi thấy thì hình như ở Việt Nam mình, các ông chồng quan niệm phải trị được vợ, nói một tiếng vợ vâng lời răm rắp, quát mắng vợ không bị cãi nửa lời... mới là đáng mặt đàn ông. Ồ hóa ra đàn ông đích thực nghĩa là phải biết bắt nạt đàn bà chân yếu tay mềm, phải đàn áp cho 'nó' không ngóc đầu lên được hay sao?", chị Lương, 31 tuổi, nói.
Chị Lương có một ông chồng mà theo chị là rất đàn ông, rất yêu chiều vợ, nhưng theo một số bạn bè của anh thì là "sợ vợ". Hội bạn của anh Bình chồng chị có lệ nhậu luân phiên, mỗi lần một nhà "đăng cai". Những lần nhậu ở nhà mấy anh kia, người nấu nướng, phục vụ bao giờ cũng là vợ, đôi khi có thêm mẹ già hoặc con gái lớn.
Ông chồng ngồi trên nhà, giục món ăn ầm ĩ, rằng có mấy món vớ vẩn mà sao sờ sẫm lâu thế, rồi phân bua với khách rằng đàn bà nhà tôi nó vụng, các cậu thông cảm. Cả buổi nhậu mấy tiếng đồng hồ, ông chồng lúc chê cái này không ngon cái kia còn thiếu, quát vợ thêm cái nọ lấy cái kia tía lia, còn chị vợ sấp ngửa phục vụ chẳng được ngồi ăn cùng.
Nhưng nhậu ở nhà Bình - Lương thì khác. Cả hai cùng lên thực đơn, vợ đi chợ, về cả hai cùng bắt tay chế biến. Chị Lương kể: "Mấy bác kia đến, thấy hai vợ chồng cùng xoắn lên làm thì có vẻ tội nghiệp cho chồng tôi lắm, họ nghĩ anh đã lấy phải vợ lười, vợ đoảng mà chẳng dám dạy, đành phải lăn vào mà làm việc đàn bà. Những lúc không có tôi, họ góp ý, chê bai, giễu cợt chồng tôi ghê lắm, bảo anh làm xấu mặt cánh đàn ông. May mà chồng tôi chỉ cười hề hề chứ không bị tác động gì".
Bảo Thanh, một cô gái 22 tuổi, tâm sự: "Có lần em nghe mấy anh có vợ ở cơ quan em bày cho nhau cách dạy vợ mà thấy hết muốn lấy chồng luôn. Theo như họ nói thì anh nào làm cho vợ sung sướng thì rất... nhục, còn anh nào làm cho vợ sợ thì rất đáng tự hào, vênh vang lắm".
Là một cô gái du học ở Tây từ hồi 16 tuổi, Bảo Thanh thấy lạ: "Ở bên Tây, đàn ông người ta rất tự hào nếu làm cho một người phụ nữ sung sướng, hạnh phúc, việc 'hầu' vợ một chút là đương nhiên vì phụ nữ chân yếu tay mềm. Nhưng ở mình, đàn ông thường tự hào nếu biết chọn hoặc đào tạo người phụ nữ của mình trở thành kẻ ngoan ngoãn, vâng lời, không quan trọng chuyện cô ta có cảm thấy hạnh phúc hay không. Trên thực tế, ở nhiều gia đình, để bảo đảm cho ông chồng có được niềm tự hạo đó, người vợ phải chịu ấm ức, đau khổ và không có được sự chia sẻ".
Theo Bảo Thanh, cô thấy buồn cười vì cái quan niệm phải 'tề gia", tức "cầm cương" được vợ, thì mới "trị quốc, bình thiên hạ" được. "Phần nhiều những ông gia trưởng, bắt nạt vợ kiểu đó mà tôi thấy chẳng có sự nghiệp gì ghê gớm, nói thẳng ra là chẳng mấy thành công trong công việc. Họ chẳng được lãnh đạo ai nên về nô dịch vợ mình cho thỏa mãn cái khát vọng chỉ huy. Còn nhiều người đàn ông thành đạt, lãnh đạo hàng trăm, thậm chí hàng trăm nhân viên thì lại rất tôn trọng vợ, họ chẳng cần phải lên mặt, ra uy với vợ mới chứng tỏ được bản lĩnh của mình, một trong số đó là chú dượng tôi".
Chồng của dì ruột Bảo Thanh là chủ tịch hội đồng quản trị một công ty, còn vợ ông là một giảng viên đại học không chức sắc, một bà vợ mà theo Bảo Thanh là "cứng cổ, lắm lý luận nhưng không làm ra nhiều tiền, đảm đang cũng chỉ ở mức vừa phải thôi". Ấy vậy mà ông không bao giờ cậy mình là trụ cột kinh tế để bắt vợ phải nhẫn nhịn làm một bà nội trợ phục tùng.
"Nhiều khi trước mặt gia đình, nội cũng như ngoại, dượng tôi nghe dì tôi phê bình mà vẫn vui vẻ như không, tôi nhiều lần thấy ông đấm lưng cho vợ, gọt hoa quả cho bà ấy ăn mà chả xấu hổ gì cả", Bảo Thanh nói. "Mà thực ra, chỉ những ông chồng quen thói cậy khỏe bắt nạt vợ, chẳng cho vợ cái cảm giác hạnh phúc, sung sướng thì mới phải xấu hổ chứ nhỉ?".