Em cũng ít khi viết phản hồi. Nhưng bài này sốc quá, nên mới phải trả lời dài thế này!
Trước hết em giới thiệu một chút, em là nữ 8X. Em rất muốn khi có gia đình sẽ sống cùng cha mẹ chồng, vì để 2 ông bà già rồi thui thủi một mình em cũng không chịu được. Chẳng những vậy em còn muốn đưa cha mẹ ruột về cùng sống, không nhất thiết là chung nhà nhưng ở bên cạnh cũng được để 2 vợ chồng em chăm sóc được cả cha mẹ 2 bên.
Nói vậy để các bạn hiểu em không phải loại người chỉ nghĩ đến sự tự do thoải mái của bản thân mình, mà lại để người khác phải khó chịu. Em không có mục đích khoe khoang gì cả.
Đọc bài anh Nguyễn Chí Học tới đoạn này "Người ta có câu... Còn phụ nữ thì tuy cũng được học nhiều hơn nhưng lối cư xử thì ngày càng tệ".
Thú thực, đọc đoạn này em thấy khá bất ngờ. Cuộc đời anh thế nào mà trong suy nghĩ của anh lại tiêu cực và chủ quan đến như vậy? Xã hội tiến bộ, giàu có hơn đồng nghĩa với việc có một tầng lớp người giỏi giang hơn, chứ có riêng gì đàn ông hay phụ nữ đâu mà lại đổ trút chê bai phụ nữ đến mức như thế?
Hơn nữa lối cư xử tệ thì cũng xảy ra ở một tầng lớp nào đó mà có cả đàn ông và phụ nữ chứ có riêng ai đâu. Nếu như gia đình không hạnh phúc, bất hòa mẹ chồng con dâu xảy ra liên tục thì phải nhìn lại xem tại nguyên nhân gì? Nếu nguyên nhân ở vợ, hoặc ở mẹ, hoặc ở chồng, hoặc cả 3 người thì ai sai người đó sửa, sai ở đâu sửa ở đó.
Nếu chỉ trách cứ một người (vì vai vế người đó nhỏ nhất nhà) và chỉ có một người sửa đổi thì liệu gia đình có hết xáo trộn không? Anh nên hiểu rằng chuyện gia đình anh chỉ là một gia đình, một nhân tố nhỏ trong xã hội. Và bản thân anh cũng chưa hẳn đã đúng, chưa hẳn là không tồi tệ, nên phải biết sửa chữa bản thân rồi mới yêu cầu vợ được.
Đừng chê bai người khác trong khi bản thân mình cũng chả hơn gì. Đừng tự khen đàn ông (hay chính xác hơn là để khen bản thân) một cách vội vàng khi chỉ quan sát và suy đoán bên ngoài như thế. Cũng đừng đổ hoàn toàn tội lỗi cho phụ nữ khi gia đình không êm ấm. Hãy phân tích một chút, công bằng một chút. Lỗi mình mình nhận, thì mình góp ý lỗi người ta người ta mới nghe theo.
Kế tiếp anh lại nói "Chồng nó tức rồi khùng lên bạt tai vợ 1 cái vì tội bất hiếu. Nói chung về vụ này nhỏ em tôi sai, tôi không bênh nổi. Nhà em rể tôi có mỗi thằng con trai là nó, má nó bệnh thì nó phải lo, kêu nó ra ở riêng thì nhỏ em tôi vô lý và láo quá, ăn đòn là đáng lắm".
Đồng ý rằng em anh sai, nhưng "Không có lửa thì làm sao có khói." Bản thân là con ruột của mẹ, chồng của cô em anh có tự động dọn dẹp vệ sinh cho mẹ mình khi vợ bận rộn việc khác hay không, có chủ động lo cho bố mẹ vợ như thế hay không?
Không phải em nói ra ở đây là đòi hỏi anh phải làm, nhưng nếu anh không làm gương, không chia sẻ thì làm sao khuyên bảo được cô ấy? Hay là anh chồng cứ đi làm về, ngồi không chờ vợ hầu hạ và xem xét những việc vợ chưa làm tốt để lôi ra trách cứ? Và vợ làm sai là chồng có quyền đánh?
Nếu có học thì anh cũng hiểu, đánh có giải quyết được vấn đề hay không? Hay lại dẫn đến xô xát lớn hơn, thù hận ghim trong lòng, sẽ trả thù vào một ngày nào đó? Vợ sai thì chồng đánh, như vậy nếu chồng ngoại tình hay nhậu nhẹt say bí tỉ, vợ cũng tát vô mặt chồng nha. Làm sai mà còn chối còn cãi, ăn đòn là đáng lắm mà!!!
Ở đây hay nhất là người chồng giải thích cho vợ hiểu và luôn chủ động chăm sóc bố mẹ vợ để vợ hiểu rằng bố mẹ anh cũng như bố mẹ em, em và anh đều có nghĩa vụ phải chăm sóc. Đó mới là hiếu đạo, mới là đạo con người.
Còn đọc xuống đây "Nhà tôi chỉ như cái nơi cho bả ăn uống ngủ nghỉ, còn sự thực “nhà” của bả là ở bên ngoài. Ngày nào bả cũng phải về bên đó chơi trong khi việc ở bên này thì bỏ bê không làm. Chồng nhắc nhở thì bảo “Sao anh không kêu má anh làm. Hồi trước tui chưa về bả vẫn làm hết đó thôi. Tui đi làm cả ngày mệt muốn chết, má ở nhà cả ngày toàn chơi miết kìa” thì em hiểu anh từ đó đến giờ cũng phó mặc mọi chuyện cho mẹ lo, nên giờ nói vợ không nghe.
Đành rằng cô ấy sai, nhưng anh thì cũng chẳng đúng đâu nhé. Khi xưa mẹ anh làm cho anh vì mẹ anh quá thương, quá nuông chiều con ruột của mình. Còn bây giờ có con dâu, xác định đó chỉ là dâu không là ruột nên sẽ không hy sinh nữa.
Ở đây mẹ anh không sai, nhưng lại không công bằng. Do đó con dâu không tâm phục khẩu phục, cũng không dành trọn tình thương. Tốt nhất là anh sửa đổi trước để bảo ban được vợ, 2 vợ chồng sửa đổi xong thì mẹ anh sẽ có cái nhìn thiện cảm với con dâu hơn. Song song đó vợ anh phải gần gũi mẹ chồng để tạo dựng tình cảm mẹ con, chứ không thể bắt mẹ chồng tự dưng xem mình như con ruột được.
Cái hay ở chỗ người đàn ông trụ cột trong gia đình là anh ta không cần la hét, không cần đánh đập nhưng vợ nể anh, nghe lời anh hiếu thuận với mẹ chồng. Còn mẹ chồng thì vì anh, thấy anh hành động đúng, có tình có lý, bảo ban được vợ, thấy vợ anh biết nghe lời anh biết sửa đổi nên thương con dâu hơn.
Đó mới là người trụ cột của gia đình. Đó mới là người có đủ khả năng đứng ra phân xử hay hòa giải mọi chuyện, mới là người cha đủ năng lực dạy dỗ cho con cái sau này. Chứ không phải cứ đẻ được 1 đứa con là được làm cha. Mà làm cha thì nói con gà thành con vịt thì con anh cũng phải nghe đâu nhé.
"Bọn đàn ông tụi tôi đứng giữa khổ hết biết. Đi làm về mệt, gánh nặng kinh tế đè trên lưng rồi về nhà lại lo hòa giải mẹ và vợ để giữ cho nhà cửa yên ổn". Thế vợ mới phải gọi chồng bằng anh chứ, làm anh khó lắm chứ đâu có đùa.
Nếu một người đàn ông chỉ cần lấy vợ, đi làm, tối thì đi ngủ thì quá dễ so với người vợ lấy chồng, đi làm, về nhà lo cơm nước giặt giũ chăm sóc cha mẹ và chồng, tối thì... rồi mới được ngủ. Sáng lại dậy sớm hơn đàn ông để lo ăn sáng,...
Rồi tới chuyện vì nếp sống nếp sinh hoạt khác nhau và ban đầu còn khoảng cách thì chắc chắn phải có chút xích mích hiểu lầm hay không vừa ý giữa mẹ chồng và con dâu. Mà anh không là người đứng giữa thì ai đây?
Anh yêu người ta, anh cưới người ta về nhà, nhà anh có yêu người ta đâu mà chịu thông cảm. Anh không là cầu nối cho 2 bên thì ai vào đây? Hay là vợ anh cứ nhịn cho xong? Vậy thì chồng có xứng đáng với tiếng "anh" hay không?
Có xứng đáng là trụ cột của gia đình hay không? Xem ra với vai trò này thì làm chồng quá dễ rồi. Dễ như vậy thì đòi làm anh hoạnh họe dạy dỗ người ta cái gì nữa đây? Có làm được như người ta không mà đòi này đòi nọ?
Lại đọc tiếp: "Tôi thấy phụ nữ bây giờ ích kỷ và ghê gớm quá. Càng ngày mấy bả càng xuống cấp về đạo đức, lễ nghĩa. Má tôi vẫn hay thở dài bảo: “Ngày xưa tao đi làm dâu, má chồng nói một là một, hai là hai. Đâu như vợ mày. Tao nói chưa hết câu nó đã bổ vào mặt tao 10 câu rồi”.
Bảo lại vợ thì vợ cãi “Má nói sai tui phải nói lại chớ”. Ừ thì cứ cho là má chồng sai đi chăng nữa, cãi lộn với bề trên, phồng môi trợn má với bề trên thì đúng chắc? Mà thật ra má nói đâu có sai, má dạy cho cách làm mẹ, làm vợ cho đúng nhưng không chịu nghe, không chịu làm theo, chỉ thích khăng khăng theo ý mình.
Thế nào xuống cấp về đạo đức lễ nghĩa? Phải hành động y hệt mẹ chồng thuở đi làm dâu ngày xưa thì là có đạo đức lễ nghĩa hay sao? Thế nào là cách làm mẹ làm vợ cho đúng?
Nếu anh muốn biết ai đúng ai sai, đáng ra anh nên hỏi cặn kẽ, nắm hết tình hình chứ không nghe một phía, để chỉ ra cho vợ biết vợ sai chỗ nào. Nếu quả thực vợ sai, mà anh nói không lại vợ anh, thì có chắc vợ anh sai hay không? Hay là anh nói năng quá tệ, nghe chẳng có hợp lý, thì làm sao dạy dỗ được ai?
Nhìn anh tôi chợt thấy giống hệt ví dụ này: ngày xưa công nhân mù chữ, sếp chỉ cần học hết lớp 12 là đủ để quản lý công nhân, vì nói cái gì công nhân cũng nghe hết, nói sai cũng nghe luôn. Nhưng ngày nay, công nhân cũng học đến lớp 12, mới phát hiện ra sếp mình cũng sai nhiều thứ, mà vì ngày xưa mình dở quá nên không biết đâu là đúng đâu là sai. Sếp nói sao tin vậy, nói bậy cũng tin luôn, chẳng dám nói và chẳng biết nói làm sao. Vậy sếp có còn quản lý được công nhân hay không?
Sếp phải nâng cấp bản thân lên Kỹ sư hay Thạc sỹ gì đó, rồi lúc đó mới quản lý được. Còn không thì, công nhân mà mạnh hơn nó lật đổ sếp. Lúc đó lại xuống làm lính của nó, vậy thôi.
Quay ngược về chuyện của anh, ngày nay phụ nữ cũng được đi học, nên họ không như phụ nữ ngày xưa ai nói gì nghe đó. Mẹ anh là thế hệ trước thì không trách được. Nhưng anh là thế hệ này, anh không đủ bản lĩnh nâng cấp bản thân mà chỉ ngang hàng với kiến thức của vợ, thì không dẫn dắt lèo lái gia đình được là do anh dở chứ không chỉ do vợ của anh đâu.
Đọc tiếp tới đây còn buồn cười dữ luôn: "Ừ thì cứ cho do không chung dòng máu nên xung khắc với nhà chồng....Con là con của cả hai chứ đâu phải của riêng chồng đâu mà suốt ngày lấy cái công sanh con ra để dọa".
Hóa ra anh cũng xem cái chuyện mẹ anh phải hy sinh là chuyện bình thường, là chuyện đương nhiên. Vậy thử hỏi anh có thương mẹ anh hay không? Anh không thương thì cũng là bất hiếu, thì có hay ho gì hơn vợ đâu mà đòi hỏi vợ?
Còn nếu anh nghĩ thương mẹ thể hiện bằng cách "Mẹ luôn đúng", hay đồng tình "Vợ con phải làm tất cả, vì ngày xưa mẹ cũng hy sinh vì cha như thế!" thì rõ ràng anh quá thiên vị cho đàn ông, quá thiên vị cho bản thân, luôn cho mình đặc quyền được sung sướng, vừa muốn bản thân mình và mẹ mình được chăm sóc vừa không muốn cực thân. Điều này là anh cưới vợ để vợ lo.
Anh xem lại anh như vậy tốt đẹp cái gì mà đòi hỏi, mà đòi bảo ban người khác. Với kiến thức này, thái độ sống này, ai phục anh ai nể anh và anh chịu nghe anh đây? Tôi không phải bênh vợ anh, hay bênh phụ nữ, mà tôi chỉ thấy bản thân anh quá dở. Tôi nói cho biết rõ hơn về bản thân anh, vậy thôi!
Phải công nhận, đọc bài của anh tôi mới biết thế nào gọi là "Vừa cướp của vừa la làng": "Nói chung là đàn bà bây giờ nhỏ nhen, chỉ muốn vơ vét mọi thứ về mình, nhà mình chứ cấm có hi sinh, chăm lo gì cho nhà chồng được. Đi học nhiều mà ứng xử thì kém, chỉ giỏi thêm việc lý sự, bắt bẻ nhà chồng, tuyên truyền nói xấu gia đình chồng... khổ bố mẹ mình mà thôi."
Anh đã có những quan điểm, những suy nghĩ chưa đúng, lại quá ít kiến thức và hiểu biết về cuộc sống hôn nhân gia đình. Do đó anh mới có những quan sát, nhận xét và kết luận sai như thế.
Cái sai này của anh có thể làm cho số phận của anh, của vợ con anh đều gặp bất hạnh đấy. Anh hãy nghĩ như thế này: "Con người không ai hoàn thiện, cũng không ai hoàn toàn xấu. Hãy học hỏi điểm tốt của người khác và giúp họ bớt đi điểm xấu. Và đừng quên làm như thế với bản thân mình. Để làm được điều này, anh cần có tấm lòng và kiến thức.
Tấm lòng để vị tha, để đặt bản thân vào vị trí của người khác để hiểu cho cái khó của họ, để chấp nhận khuyết điểm, để cho người ta cơ hội sửa đổi. Kiến thức để biết đâu thực sự là đúng, đâu thực sự là sai, để rút kinh nghiệm cho bản thân mình, giúp cho bản thân mình cũng như gia đình ngày một tốt hơn".
Chúc anh và gia đình sớm hòa thuận, gia đình hạnh phúc!