Mặc dù đã về làm dâu một gia đình người Bồ Đào Nha được 3 năm song với người phụ nữ nhỏ nhắn mang tên Trần Thị Hải Yến, khoảng thời gian đó lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười và niềm vui. Còn với bà Marrielle Bouman - người mẹ chồng có cô con dâu gốc Việt này, bà luôn coi Hải Yến giống như con gái mình.
Hãy cùng lắng nghe Trần Thị Hải Yến - một cô dâu Việt và bà Marrielle Bouman - mẹ chồng Tây "bình" về nhau.
Thích mẹ chồng hơn cả... mẹ đẻ!
Hai nền văn hóa khác nhau, Yến gặp khó khăn gì khi phải hòa nhập để trở thành vợ một anh chàng Tây, con dâu mẹ chồng Tây không?
Hải Yến: Mình không thấy có khó khăn gì trong việc làm vợ một anh chàng Tây và làm con dâu mẹ chồng Tây cả. Gia đình chồng mình là người Hà Lan (Bắc Âu) đã chuyển sang sống ở Bồ Đào Nha (Nam Âu) từ 7 - 8 năm nay (nghĩa là bản thân cả gia đình cũng sống trong môi trường nước ngoài). Có lẽ vì thế nên gia đình chồng không đặt nặng vấn đề văn hóa, truyền thống vì họ là những người rất cởi mở.
Đặc biệt, bố mẹ chồng mình đều là nghệ sĩ (bố làm thợ điêu khắc, mẹ làm nghệ sĩ múa ba lê) nên càng có tính cách tự do phóng khoáng hơn. Hiện hai cụ đã về hưu.
Trước khi kết hôn, mối quan tâm rất lớn của các chị em thường là “mẹ chồng tương lai của mình sẽ là người như thế nào”, Hải Yến có vậy không? Hải Yến: Như mọi cô gái có ý định kết hôn khác, tất nhiên là mình cũng khá tò mò về người sẽ trở thành mẹ chồng của mình. Nhưng mình và bà đã quen biết từ hơn một năm trước khi vợ chồng mình quyết định cưới nhau.
Bà là người phụ nữ rất quan tâm và biết lắng nghe con trai mình. Ngoài ra, bà còn là người cởi mở, vui vẻ nên mọi lo lắng ban đầu của mình về mẹ chồng đều tiêu tan hết.
Ngày đầu tiên gặp mẹ chồng, bạn có cảm nhận như thế nào? Hải Yến: Bà là người chu đáo, vui vẻ. Bà có đời sống tâm hồn vô cùng phong phú. Ngoài sở thích chụp ảnh, chăm sóc nhà cửa, chăm hai con chó bự, làm vườn, bà còn luôn trân trọng mọi mối quan hệ. Bà thường xuyên gặp gỡ bạn bè, tổ chức tiệc tùng tại nhà. Ở đâu có bà, ở đó có tiếng cười rộn ràng của mọi người.
Tiệc cưới của vợ chồng mình ở Bồ Đào Nha cũng do hai ông bà (chủ yếu là bà) thiết kế và chuẩn bị từ A đến Z. Chưa hết nhé, mẹ chồng mình còn tự tay thiết kế tỉ mỉ album cưới cho vợ chồng mình đấy.
Lần đầu tiên mình đến thăm nhà anh ở Bồ Đào Nha, ông bà đã gây ấn tượng mạnh với mình bởi sự chu đáo và thẳng thắn. Bữa trưa ngày thứ 2 mình ở nhà anh, bố chồng mình (lúc ấy mới chỉ là bố của bạn trai) hỏi mình một câu rất sốc: "Cháu có nhiều bạn trai không?".Mình đang ăn và suýt sặc. Mình cũng trả lời luôn không cần rào trước đón sau: "Cháu không có thời gian để đùa vui chuyện tình cảm".
Còn mẹ chồng mình (lúc ấy là mẹ của bạn trai) thì hỏi mình sau bữa tối ngày thứ 3 trong khi đang cùng mình rửa chén đĩa: "Cháu có ý định nghiêm túc với Gijs hay chỉ đùa cho vui?". Nghe câu hỏi ấy, mình cũng hỏi lại mẹ anh sau câu hỏi đó rằng: "Con trai cô hình như đã từng có rất nhiều bạn gái?".
Bà nhìn mình và trả lời như thế này: "Đúng vậy, nhưng từng cô một, chứ không phải nhiều cô cùng một lúc". Nghĩ lại, mình thấy họ thật đáng yêu!
Nếu có thể so sánh, bạn nghĩ thế nào về mẹ chồng Việt và mẹ chồng Tây? Hải Yến: Khác nhiều nếu so sánh mẹ chồng mình với mẹ chồng của bạn bè. Vì mẹ chồng coi con dâu như một người phụ nữ đồng đẳng với bà, là người sẽ thay bà chăm sóc con trai và chịu trách nhiệm về con trai mình chứ không phải một kẻ xa lạ ngơ ngác đang cố gắng lẻn vào gia đình của bà.
Thật khó nếu so sánh với… mẹ đẻ mình. Vì mẹ mình không có con trai nên cũng sẽ không có con dâu. Vì thế, mình cũng rất khó để đoán biết bà sẽ đối xử ra sao với con dâu.
Khi bố mẹ chồng mình sang Việt Nam hè năm 2012, hai bên thông gia có gặp gỡ và mẹ chồng mình nói với mẹ mình như sau: "Chúng tôi cũng rất lo sợ vì chưa bao giờ có một đứa con gái, nên không biết cư xử với nó ra sao. Nhưng thật may là chúng tôi hoàn toàn không gặp khó khăn gì với con gái ông bà".
Hỏi nhỏ nhé, là cô dâu Việt làm dâu Tây, có lúc nào Yến nảy sinh mâu thuẫn với mẹ chồng không? Nếu đứng trước sự mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu, bạn sẽ giải quyết như thế nào? Hải Yến: Trên khía cạnh nào đó mình còn thích mẹ chồng hơn mẹ đẻ ấy chứ. Có lẽ vì sống với mẹ chồng chưa nhiều nên mâu thuẫn chưa nảy sinh chăng?
Mỗi năm vợ chồng mình về thăm ông bà ở Bồ Đào Nha khoảng 1 tháng. Lúc nào mẹ chồng cũng dọn phòng tươm tất, nấu cho hai con đủ món ngon để ăn. Cả nhà không chơi ở ngoài vườn thì cũng kéo nhau ra biển tụ tập với bạn bè, rồi ăn trưa, ăn tối với hết nhà nọ đến nhà kia.
Rắc rối lớn nhất của mình đó là có anh chồng thỉnh thoảng khó tính bất ngờ, chứ bố mẹ chồng thì vô cùng tuyệt vời.
Sở thích chung của mẹ chồng - nàng dâu: Nói xấu Gijs
Chào bác Marielle Bouman, bác cảm nhận như thế nào về cô con con dâu người Việt của mình?
Marielle Bouman: Bác thường gọi Hải Yến với cái tên rất đáng yêu là Yenneke. Bác ước mình có nhiều thời gian ở cạnh để gần gũi, hai mẹ con hiểu nhau hơn. Thật lòng bác rất có cảm tình với Yến.
Nhờ có Yến, bác yên tâm hơn, dễ dàng chấp nhận việc Gijs sống xa gia đình. Yến là một cô gái có tính cách mạnh mẽ. Yến xây dựng cuộc sống của mình với sự sáng tạo, nhiệt tình, tích cực. Đó là một điều rất đáng yêu mà bác thấy ở con dâu mình. Đối với bác, Yến như con gái của mình vậy.
Từ khi bác có cô con dâu Việt là Hải Yến, bác thấy gia đình mình có nhiều sự thay đổi không ạ? Marielle Bouman: Yến là một cô gái rất đáng yêu, nhiều khi Yến còn là cầu nối giúp cho con trai bác hiểu bố mẹ mình hơn. Thỉnh thoảng không nói chuyện được với con trai thì bác sẽ nói chuyện với Yến.
Và có khi nào bác “khó chịu” với nàng dâu của mình chưa? Marielle Bouman: Có cô con dâu tuyệt vời như thế, làm sao bác phải khó chịu? Tuy nhiên, những khi thấy Yến chúi đầu bên máy tính làm việc, bác sẽ bảo Yến xuống hầm lấy đồ đi phơi hoặc đưa cái liềm cho Yến cắt cỏ... Tóm lại, bác không muốn con dâu “chết dí” với cái máy tính suốt ngày. Bác thích Yến vận động, đi bộ lòng vòng quanh nhà cũng tốt cho sức khỏe mà.
Thêm vào đó, cứ khi nào thấy mẹ chồng làm gì, con bé cũng hùng hổ vào giúp. Từ ngày có con dâu, chưa bao giờ bác giận con dâu, nếu có chỉ giận con trai thôi.
Nếu hai vợ chồng con trai mình xung đột, bác sẽ làm gì ạ? Marielle Bouman: Bác sẽ mắng con trai một trận, xong xuôi đâu đấy rủ Yến đi ăn kem và cả hai tha hồ… nói xấu Gijs. Đó là một trong những thú vui hay ho của bác và con dâu đấy.
Dù gia đình có tư tưởng thoáng đến đâu thì bà mẹ nào cũng muốn con gái có một đám cưới đầy đủ nghi lễ với nhà trai. Gia đình bạn thì thế nào? Hải Yến: Bố mẹ mình rất thoáng, luôn tôn trọng ý kiến của các con. Hồi cưới bên Bồ Đào Nha, mình cũng chỉ thông báo cho bố mẹ ở nhà biết và mang ảnh về cho ông bà xem.
Ở Việt Nam, bọn mình mới đăng ký kết hôn, chưa tổ chức tiệc cưới, nhưng ông bà cũng không giục giã, để mặc cho các con tự quyết. Quan điểm của ông bà là: miễn là con gái mình được hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống gia đình là vui rồi. Còn lại lễ giáo, thủ tục chỉ là hình thức mà thôi.
Kỷ niệm đặc biệt của bạn với mẹ chồng mình là gì vậy? Hải Yến: Với mẹ, mình có rất nhiều kỷ niệm. Thời gian ở bên Bồ Đào Nha, mình ở bên bà còn nhiều hơn ở bên chồng. Nhớ nhất là lần gần đây hai mẹ con đi bộ từ nhà xuống một thành phố ở cách đấy 7 km là Loule.
Trời nắng chang chang, đi mãi mới tới nơi. Đến trung tâm thành phố bà mua cho mình một cây kem xong rồi hai mẹ con lại dắt díu nhau về. Đường về mới thật là khủng khiếp vì phải leo dốc liên tục.
Thêm vào đó, sau 3 năm làm dâu, giờ mình mới quen với toàn bộ các đồ dùng trong bếp của bà và có thể giúp bà dọn bàn và nấu ăn. Bếp của bà là một pháo đài khiến mình ngạc nhiên. Chúng hoàn toàn bằng Inox với hàng trăm loại dụng cụ (giờ mình vẫn không nắm được hết các công dụng của chúng), sách nấu ăn, bộ sưu tập chén đĩa cốc đủ dùng cho mấy cái nhà hàng.
Một kỷ niệm nữa đó là những lần hai mẹ con hì hục lau cửa sổ nhìn ra bể bơi. Hai mẹ con mướt mát mồ hôi, vừa lau vừa sợ rơi tõm xuống bể (Cười).
Cảm ơn bác Marielle Bouman và Hải Yến vì cuộc trò chuyện rất thú vị này!