Đối với rất nhiều phụ nữ, khi lấy chồng xa rồi họ mới thấy được những vất vả riêng mà chỉ có khi ở trong hoàn cảnh này, họ mới thấm thía. Hãy cùng nghe những chia sẻ của các chị em phụ nữ về quyết định lấy chồng vừa xa vừa nghèo.
“Nếu được chọn lại, mình vẫn nguyện lấy người chồng ở xa và nghèo này”
Đây là chia sẻ của chị Thủy, 39 tuổi. Hiện chị đang là kỹ sư hóa thực phẩm (Đà Nẵng).
Sau thời qian quen và yêu nhau, chị đã quyết định lấy anh - một kỹ sư điện tử quê ở Thanh Hóa. Ngay từ khi hai người mới quen nhau ấy, chị đã xác định lấy chồng xa sẽ gặp nhiều khó khăn vất vả. Nhưng chị chấp nhận tất cả bởi anh là người có chí, tài giỏi. Chị tin rằng sau này anh sẽ là người chồng tốt.
“Lúc đầu, bố mẹ mình cũng thấy hơi ngại vì con gái lấy chồng xa sẽ trăm bề vất vả. Bố mẹ sợ sẽ mất con, sợ mọi thứ về sau sẽ không dễ dàng, sợ con sẽ khổ và chịu nhiều thiệt thòi khi chỉ có một thân một mình nơi đất khách. Nhưng tình yêu và tấm lòng của chồng mình khi ấy đã thuyết phục được bố mẹ mình. Vậy là một cưới được mong đợi đã được lên kế hoạch chi tiết” - Chị Thủy kể.
Cưới nhau xong, hai bên gia đình của anh chị đều không có điều kiện, bố mẹ đều về hưu nên vợ chồng chị Thủy cũng xác định sẽ tự lực cánh sinh mà không nhờ bên nào. Vì thế, vợ chồng chị Thủy cứ bảo nhau làm lụng và tích cóp.
“Đến bây giờ, cuộc sống của vợ chồng mình đã tốt lên rất nhiều. Mình cũng được bố mẹ chồng thương yêu nên cũng không thấy tủi thân khi phải sống xa bố mẹ đẻ” - Chị kể.
Nhiều người nghĩ lấy chồng xa, chồng lại nghèo thì sẽ khổ lắm. Nhưng chị Thủy vẫn rất lạc quan khi kết luận: “Thực lòng, nếu có kiếp sau mình cũng vẫn nguyện sẽ làm vợ của chồng mình. Mình nghĩ chỉ cần có tình yêu, vợ chồng đồng lòng thì vấn đề xa hay gần, giàu hay nghèo đều không quan trọng”.
“Lấy chồng xa hay chồng giàu nghèo không quan trọng”
Cũng trong hoàn cảnh lấy chồng xa và vợ chồng chưa có điều kiện nhưng chị Chinh vẫn luôn lạc quan về tương lai.
Là con gái đầu một gia đình ở Bắc Giang, còn anh là con trai trưởng của một gia đình ở Thanh Hóa nên gia đình nào cũng muốn con lấy chồng, lấy vợ gần. Vì thế, tình yêu của anh chị gặp phải sự phản đối từ hai bên gia đình. Thấy nhưng, trải qua 4 năm yêu nhau, anh chị vẫn quyết tâm tiến tới hôn nhân.
“Cưới xong, vợ chồng tôi vẫn phải đi thuê nhà ở và đến bây giờ vẫn thế. Và để bám trụ lại đất thủ đô này, vợ chồng tôi đều phải chăm chỉ làm việc không quản khó khăn. Cũng may, dù cuộc sống hiện tại của vợ chồng vẫn gặp khó khăn, nhưng chồng tôi là người rất lam làm và yêu thương vợ” - Chị nói.
Tuy lấy chồng vừa xa lại vừa nghèo, nhưng chị quan niệm: “Lấy chồng xa hay chồng giàu nghèo không quan trọng. Hãy cứ lạc quan nghĩ rằng, “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, dù có lấy chồng xa và không có điều kiện kinh tế như tôi đi chăng nữa, song vợ chồng vẫn hạnh phúc là được. Còn chuyện kinh tế, tôi tin vợ chồng cứ chăm chỉ làm ăn cộng với thuận vợ thuận chồng thì rồi cũng sẽ có của ăn của để”.
“Xác định lấy chồng xa, người phụ nữ phải xác định chịu rất nhiều thiệt thòi”
Đây là chia sẻ của chị Phương, 32 tuổi. Hiện nay, chị đang là cán bộ văn thư một trường học ở Đắk lắk.
Sau khi học sau và quyết định ở Đắk lắk làm việc, dù bố mẹ chị xác định phải sống xa cô con gái duy nhất nhưng khi chị quyết định yêu và lấy anh vẫn khiến bố mẹ chị lo lắng.
“Họ không an tâm vì muốn mình về gần nhà làm việc. Nhưng khi thấy anh là một chàng trai có trách nhiệm, có chí tiến thủ, yêu mình hết mực nên bố mẹ cũng đồng ý cho cưới sau 3 năm 2 đứa yêu nhau” - Chị giãi bày hoàn cảnh lấy chồng xa của mình.
Chị kể rằng: “Ngày cưới, bố mẹ mình và các anh chị em nhà mình rất buồn vì con gái lấy chồng xa. Vì mỗi lần hai mẹ con có gặp nhau cũng khó, hay kể cả mình có muốn về thăm bố mẹ cũng gặp rất nhiều khó khăn nếu như vợ chồng không có kinh tế”.
Cưới nhau khi cả hai không còn trẻ, gia cảnh hai bên đều không có điều kiện, chẳng thể giúp gì hai vợ chồng chị. Nhưng vợ chồng chị vẫn lạc quan vì đều có học thức và nghề nghiệp đàng hoàng và vẫn vững tin vào hạnh phúc chồng vợ.
Thế nhưng, cuộc sống không ai nói trước được điều gì. Chị đã rất cố gắng làm việc mà dường như may mắn vẫn ở đâu xa lắm. Càng cố gắng, chị lại càng thấy không đủ. Ban ngày chị đi làm ở cơ quan, chồng chị làm công an xã nên đồng lương có hạn. Thời gian còn lại, hai vợ chồng lại chăm sóc vườn cafe.
Khó khăn càng khó khăn thêm khi vợ chồng chị sinh con: “Khi chúng mình sinh con gái đầu lòng, kinh tế gia đình bắt đầu gặp rất nhiều khó khăn. Con gái mình nay đau mai ốm, tiền thuốc thang sữa tã ngốn hết phần lớn thu nhập còm cõi của vợ chồng mình. Nhiều khi mình bi quan mình nghĩ, mình phải vất vả thế nào mới khá lên được đây. Nhưng rồi ông trời không phụ công vợ chồng khi bỏ công sức vào việc chăm vườn cà phê. Mấy năm nay vườn tược được mùa đã hộ trợ cho kinh tế cho vợ chồng mình rất nhiều” - Chị nghẹn ngào kể về những vất vả phải trải qua khi lấy chồng xa.
Giờ, kinh tế gia đình của vợ chồng anh chị không phải lo nữa. Nhưng vì lấy chồng xa nên chị luôn canh cánh nỗi lo về ba mẹ chị ở quê. “Bố mẹ mình ở quê cũng đã già, lại hay ốm đau. Mình phận làm con mà không có điều kiện về chăm sóc. Mình muốn đón bố mẹ vào đây ở với bọn mình nhưng mẹ bảo mẹ già rồi, mẹ thích ở quê hơn. Vì thế, mỗi khi có công việc gì lớn, vợ chồng mới thu xếp về thăm mẹ được”.
Chia sẻ về việc lấy chồng xa, chị Phương thở dài nói: “Xác định lấy chồng xa, người phụ nữ phải xác định chịu rất nhiều thiệt thòi. Nhiều khi thương bố mẹ đến trào nước mắt mà chẳng thể giúp gì cho bố mẹ được. Giờ nếu được chọn lại, có lẽ mình sẽ chọn lấy chồng gần để có thể chăm sóc được cho bố mẹ đẻ khi đã về già”.