NỮ GIỚI » Tâm sự

Mẹ 4 năm rõng rã làm thuê lấy tiền nuôi con trai học đại học để rồi phải sốc nặng ngày con ra trường

Thứ hai, 15/08/2016 11:54

Chị làm đủ mọi nghề từ sáng sớm cho tới 10 giờ đêm, ngày mưa mọi người trong xóm đều ở nhà nghỉ hoặc không có người thuê nhưng chẳng bao giờ người ta thấy chị Lựu ở nhà.

Ngày Phong nhận giấy báo trúng tuyển đại học cũng là ngày chị Lựu bàn với chồng chuyện mình sẽ lên Hà Nội đi làm kiếm tiền nuôi con 4 năm sắp tới. Lúc ấy anh Thành chồng chị hơi lưỡng lự vì chị vốn là trụ cột chính của gia đình, ruộng nương ở nhà nhiều chị đi rồi mình anh làm sao xuể. 2 đứa em Phong lại còn bé, sức anh thì giảm sút nhiều sau cái lần ngã dàn giáo 2 năm trước.

Thế nhưng chị Lựu lại phân tích với chồng: “Trên thành phố kiếm tiền dễ hơn anh ạ mà lại nhiều việc nữa mình làm từ sáng tới tối cũng được. Chứ ở nhà trông vào mấy sào ruộng này không đủ tiền cho con học đâu. Vợ chồng mình nghèo nhưng không thể để con cái thất học được. Anh ở nhà làm được đến đâu thì làm rồi bảo ban 2 đứa học, em lên đó sẽ cố gắng nuôi thằng Phong và làm thêm gửi về cho anh đóng học cho lũ trẻ ở nhà”.

“Em làm thế anh sợ em kiệt sức mất”, anh Thành không muốn vợ phải cực nhọc trong khi anh không giúp được nhiều nhưng chị Lựu cứ động viên chồng: “Anh yên tâm, em biết lượng sức mà. Với lại có 2 mẹ con em cũng bảo ban được con không sợ nó ham chơi la cà mà bỏ bê chuyện học”.

Sáng sáng chị Lựu dậy rất sớm ăn vội bát cơm nguội rồi ra chợ lao động để chờ người thuê. (Ảnh minh họa)

Vậy là cuối cùng chị Lựu dắt con đi nhập trường, hành lý chỉ có đúng 2 cái túi đựng quần áo của hai mẹ con và vài vật dụng cá nhân. Lúc đầu chị Lựu thuê một căn phòng trọ nhỏ trong khi trọ của dân lao động tự do. Căn phòng khá ọp ẹp nhưng quan trọng là giá rẻ. Sáng sáng chị Lựu dậy rất sớm ăn vội bát cơm nguội rồi ra chợ lao động để chờ người thuê. Chị để lại cho con một gói mì tôm, một quả trứng Phong ăn sau rồi đi học.

Tuy là phụ nữ nhưng chị Lựu rất khỏe, dáng lại cao nên ai thuê gì chị đều nhận làm hết. Chị về tới nhà thì đã 9, 10 giờ đêm thấy con trai đợi mẹ về thì sợ con đói không tập trung học được nên chị dặn Phong lần sau cứ ăn cơm trước, mẹ về khi nào mẹ ăn sau.

Một lần Phong nói với mẹ rằng: “Mẹ cho con ra ở với bạn đi, ở đây chật chội lại ầm ĩ vì mấy chú phòng bên cạnh cứ nói chuyện oang oang con không học được. Với lại ở đây con chẳng dám để các bạn đến chơi, nhà trọ mà có ra nhà trọ đâu, mưa dột khắp mọi nơi nắng thì nóng không chịu nổi. Ở đây lại xa trường đi học đạp xe đến mệt chẳng buồn học nữa”.

Chị Lựu đắn đo một hồi rồi quyết định cho con đến ở với 2 người bạn nữa ở gần trường còn chị chuyển sang ở cùng phòng với mấy người khác đi làm cùng cho rẻ. Hôm con chuyển đồ, chị chuyển cùng con nhưng Phong dặn mẹ rằng: “Mẹ có gặp bạn con thì bảo là mẹ lên đây bán quần áo cho họ hàng chứ đừng nói là bốc vác thuê ngoài trợ chời nhá, không bọn bạn nó lại khinh con”. Chị Lựu hơi ngỡ ngàng nhưng cũng đồng ý làm theo con, chị không muốn con mất mặt với bạn bè vì có người mẹ phải làm những công việc lao động thấp hèn như vậy.

Từ ngày ra ở với bạn Phong cũng không quay lại xóm lao động thăm mẹ bao giờ mà cần tiền thì anh hẹn mẹ mang đến cho mình. Mỗi lần mẹ đến Phong luôn nhắc mẹ phải ăn vận bộ đồ tử tế nhất, không được mặc nguyên bộ đồ lao động bẩn thỉu vừa đi làm về để bọn bạn bè lại nhòm ngó chỉ trỏ.

Chị Lựu làm cật lực để vừa có tiền cho con trai học đại học vừa có tiền gửi về đóng học phí cho 2 đứa con ở quê vì chị biết mình chồng chị không gồng gánh nổi. Chị làm đủ mọi nghề, từ nạo vét cống, bốc vác thuê cho tới rửa bát lau dọn từ sáng sớm cho tới 10 giờ đêm. Ngày mưa mọi người trong xóm lao động đều ở nhà nghỉ hoặc không có người thuê nhưng chẳng bao giờ người ta thấy chị Lựu ở nhà.

Chị bảo nghỉ một ngày là các con đói thế nên dù có mưa chị vẫn cố ra ngoài kiếm việc, kể cả đội mưa làm chị vẫn nhận miễn là có người thuê. Cũng nhờ trời, 4 năm ròng rã đi làm chị chỉ ốm duy nhất có 1 trận phải nằm bẹp ở nhà 1 tuần. Chị không dám nói với Phong vì sợ con lo lắng. Phong cũng không đến khu nhà trọ của mẹ nên cũng chẳng biết mẹ ốm. Chỉ tới khi cần tiền nộp học phí Phong mới lấy điện thoại gọi cho mẹ. Lúc đó trong người không đủ, chị Lựu đành mượn tạm của mấy chị em trong phòng mang đến cho con rồi lập tức ra khỏi phòng đi làm ngay để trả nợ.

Có lẽ nghĩ tới các con nên chị không cho phép mình được nghỉ ngơi ngày nào. Thấm thoắt thoi đưa cuối cùng 4 năm cũng dần trôi qua. Người ta thấy mỗi năm 2 mẹ con chị về ăn tết chị lại gầy đi một ít nhưng bù lại luôn nở nụ cười hạnh phúc vì con trai chị luôn đạt thành tích tốt trong học tập. Đợt Phong đi thực tập đã có công ty hứa hẹn sẽ nhận cậu sau khi ra trường, vợ chồng chị Lựu cũng vì thế mà nở mày nở mặt.

Ngày mưa mọi người trong xóm lao động đều ở nhà nghỉ hoặc không có người thuê nhưng chẳng bao giờ người ta thấy chị Lựu ở nhà. (Ảnh minh họa)

Ngày Phong nhận được quyết định đi làm với mức lương gần chục triệu cũng là ngày chị Lựu về quê để chăm lo cho chồng con ở nhà. Phong vừa ra trường đã có công việc tốt, tự lo được cho bản thân và có thể giúp đỡ thêm bố mẹ nuôi em rồi. Thế nhưng từ ngày ra trường đi làm đã gần nửa năm mà vẫn chưa thấy Phong về nhà một lần hay mua cho các em thứ quà cáp gì. Vợ chồng chị Lựu vẫn nghĩ chắc con bận việc, Tết sẽ về luôn.

Giáp Tết chị Lựu đang đi bốc vác thuê cho người ta thì không may trượt chân ngã bị nguyên bao xi măng 50 cân đè lên người phải vào viện. Đứa em thứ 2 lấy điện thoại gọi cho Phong bảo anh về nhà thăm mẹ, đợt đó cũng mới đóng học cho 2 đứa em nên nhà không còn nhiều tiền, nào ngờ Phong trả lời: “Mẹ vào viện mấy hôm là khỏi thôi, mẹ khỏe thế không sao đâu. Anh không về được và cũng không có tiền gửi về đâu, tiền anh còn phải lo nhiều thứ trên này chứ có như ở quê đâu”.

Nghe đứa con gái nói lại mà anh Thành nổi xung muốn lên cho thằng con bất hiếu một trận nhưng chị Lựu ngăn lại. Hai hàng nước mắt chị chảy dài: “Vất vả nuôi con chẳng phải mong tới ngày được con đền đáp lại anh ạ, mình cứ cố gắng hết lòng vì các con thôi, sau này vợ chồng già cạnh nhau là hạnh phúc rồi”. Chị Lựu nằm viện cả tuần vẫn chưa thấy Phong về người làng bắt đầu bàn tán: “Đấy khổ cực nuôi con để nhận lại cái kết thế này đây. Biết thế này thì việc gì phải hi sinh để rồi chết chắc gì cũng nó đã nhòm tới, đúng là loại con bất hiếu mà”.

>> Câu chuyện 'Người mẹ dơ bẩn' chạm đến trái tim của tất cả những ai đang làm mẹ

Theo Motthegioi.vn