NỮ GIỚI » Tâm sự

Mẹ chồng đoảng, con dâu phải... dạy

Chủ nhật, 02/12/2012 15:32

Bố chồng dặn Vân: 'Con ở nhà dạy mẹ nữ công gia chánh. Đừng để cho mẹ đi chơi nhiều quá'.

Nhắc tới mẹ chồng, người ta thường nghĩ tới hình ảnh một người phụ nữ quyền lực, khó tính, nữ công gia chánh đầy đủ và có phần hoàn hảo, sẽ luôn đòi hỏi con dâu làm mọi việc với sự chu toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng có những bà mẹ chồng lại chẳng biết chút gì về nội trợ, việc nhà để dạy con dâu, mà ngược lại, các nàng dâu bất đắc dĩ phải trở thành người dạy mẹ chồng.

Mẹ chồng đoảng, con dâu có sướng, có khổ bởi chuyện gì cũng có hai mặt của nó. Các nàng dâu không phải chịu sự kìm kẹp từ mẹ chồng thì lại phải lãnh sự khó chịu từ việc bản thân phải dạy mẹ chồng cách quán xuyến gia đình…

Tưởng sướng hóa khổ

Lần đầu về ra mắt gia đình Hùng, Phương đã mừng như bắt được vàng khi bà Hồng, mẹ chồng tương lai của cô, vô cùng thoải mái và xởi lởi, khác hẳn những gì cô mừng tượng về một bà mẹ chồng.

Phương tâm sự: “Từ nhỏ em chẳng phải làm gì, chuyện gì mẹ em cũng tranh làm vì ba mẹ em lấy nhau hơn 10 năm mới sinh được em nên cưng em lắm. Em động vào làm là xót, là thương. Đến khi em có người yêu, mẹ em mới quyết định dạy em nấu ăn vì mẹ em sợ về ra mắt nhà người yêu không biết nấu nướng gì thì ba mẹ chồng tương lai không ưng lại gây khó dễ".

"Ai dè, mẹ chồng tương lai của em thoải mái vô cùng. Ngày ra mắt, em và mẹ em đã vạch sẵn thực đơn trước để đến nhà người yêu, em sẽ xung phong đi chợ rồi trổ tài nấu nướng. Cuối cùng, mẹ chồng em quyết định cả nhà đi ăn tiệm. Thế là bao công lo lắng, chuẩn bị của em thành công cốc”.

Yên tâm về sự thoải mái của mẹ chồng, Phương “vững vàng” bước vào nhà Hùng với danh phận con dâu và hoàn toàn không lo lắng chuyện mẹ chồng, nàng dâu xảy ra như hằng ngày người ta vẫn nói quá nhiều trên báo chí. Bà Hồng đã nghỉ hưu, cả ngày ở nhà chỉ qua lại nói chuyện với hàng xóm rồi đi mua sắm, thời gian có nhiều nhưng bà ít động tay đến việc nhà. Hùng cười nói với vợ rằng, trước giờ, kinh tế trong nhà đều do mẹ anh lo nên chuyện bếp núc do bố anh đảm nhiệm và giờ, Phương về làm dâu nên mọi chuyện đều đổ dồn lên cô.

“Em biết mình là phận làm con nên chuyện nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa, em đều cố gắng hoàn thành tốt. Nhưng lắm khi em nghĩ cũng tủi khi lúc nào tan ca cũng phải vội vội vàng vàng đi chợ rồi về nhà thổi cơm. Mẹ chồng ở nhà cả ngày nhưng nồi cơm cũng không đặt hộ em được. Em rụt rè nhờ mẹ thì bà cười nói nhất trí, việc nhỏ đó cứ để mẹ làm. Hôm sau, mẹ vẫn không nhớ để cắm hộ em nồi cơm” – Phương tâm sự.

Vì mẹ chồng đoảng nên từ khi lấy chồng, Phương bỗng dưng trở nên bận rộn vô cùng. Hằng ngày, cô lo cơm nước rửa bát xong cũng đã gần 9 giờ tối. Rồi Phương lại phải vội vàng dọn dẹp nhà cửa, cho quần áo vào máy giặt rồi đặt giờ giặt xong để con đi phơi. Xong đâu đấy thì cũng đã sang ngày mới, Phương cũng mệt nhoài và chỉ thèm ngủ, không thể tâm sự cùng chồng chuyện gì nữa.

Mẹ chồng không lo việc nhà cửa, nấu nướng đã đành, bà lại còn rất hay bày bừa. “Mẹ chồng em ham học nhưng rất nhanh chán. Có bữa bà học làm bánh, về bày ra bếp, bánh chưa làm xong thì mẹ em chán nên bỏ tất cả lại, rửa tay rồi qua hàng xóm chơi. Em về nhà, thấy bột mỳ, trứng, dầu, bơ…khắp bếp, chỉ biết nén giận mà dọn dẹp nhanh để còn chuẩn bị bữa tối".

Ảnh minh họa

"Rồi mẹ lại chuyển sang học may. Mẹ khăng khăng mua một cái máy may về nhà rồi báo, giấy, vải, phấn vẽ mẹ bày ra khắp phòng khách. Thời gian đó, ngày nào em cũng phải đợi đến khuya, khi mẹ đi ngủ rồi để dọn đống chiến trường cho bà, nhưng ngày hôm sau, khi em đi làm về thì mọi chuyện lại đâu vào đấy” – Phương  than thở.

Đến khi cô có em bé thì mọi chuyện càng tồi tệ hơn. Những tháng đầu nghén, Phương hễ ngửi thấy mùi dầu mỡ là nôn thốc, nôn tháo nên cô không thể nấu ăn. Mẹ chồng hồ hởi: “Con cứ để đó mẹ lo cho. Cứ an tâm dưỡng thai. Cháu mẹ mới là nhất chứ mấy chuyện ăn uống này quan trọng gì”.

Và đúng như lời mẹ đảm bảo, cô không phải động tay động chân nấu nướng nữa mà thay vào đó là bố chồng cô. Bà Hồng lý luận: “Mẹ nấu ăn thì dở vô cùng. Trước giờ đều bố con làm lấy. Thằng Hùng thì đi làm cả ngày, về nhà chẳng nhẽ lại bắt nó nấu tiếp. Thôi cứ để cho bố con nấu. Ông ấy cũng quen với việc này rồi”.

Cô thấy thế ngại lắm vì bố chồng cô hằng ngày còn phải trông cửa hàng tạp hóa ngoài chợ vì ông không yên tâm để cho vợ trông. Bố cô nói: “Mẹ mày đoảng lắm. Trước đi làm chả hiểu thế nào mà lại giàu được chứ bố ngoài xem mẹ mày bán quán một buổi mà quên tính tiền bao nhiêu thứ. Cứ như thế chả mấy chốc đóng quán”.

Nghe vậy, con dâu cũng đành nén sự ngại ngùng của mình xuống để ăn cơm. Chuyện nấu nướng là một phần, việc không muốn mình ngồi không để cho bố chồng làm hết. Mẹ chồng thấy thế cũng không ngăn còn nói thêm: “Đúng đấy con. Cứ chịu khó mà vận động cho nó dễ đẻ. Mày ngồi yên một chỗ sau này sinh con lại khó khăn”.

Đến lúc cô sinh con, tất cả đồ của em bé và chăm sóc hậu sinh sản đều do mẹ Phương lo. Mẹ chồng hằng ngày chỉ đảo qua viện nói dăm ba câu chuyện vui vẻ rồi lại hớn hở đi vì “mẹ có hẹn với mấy bà bạn”. Ra viện, cô xin phép về nhà mẹ đẻ ở để bà ngoại trông cháu cho nhưng mẹ chồng lại nhất định nói con dâu về nhà mình: “Sao lại để cháu bà nội, tội bà ngoại thế? Cứ về nhà với mẹ. Mẹ đảm bảo sẽ chăm con với thằng cu đâu ra đấy. Không việc gì phải lo”.

Rồi bà cứ thế đẩy cô đang bế con lên xe rồi hớn hở vẫy chào thông gia để về nhà. Đã dự đoán trước được mẹ chồng chỉ nói vậy chứ không thực hiện nên Phương nói với chồng tìm một cô giúp việc để giúp Phương trông con và lo chuyện cơm nước, giặt giũ. Bà Hồng tỏ ý không vừa lòng: “Chúng mày chỉ phung phí tiền bạc vào chuyện linh tinh. Có mẹ đây rồi, không phải thuê mướn ai hết”.

Sau đó, bà Hồng cũng trông con cho Phương được 2 hôm. Sau đó, bà đổi ý đinh, đồng ý cho con dâu thuê người giúp việc vì: “Mẹ chịu thôi, cháu nó khóc mẹ không tài nào mà ngủ được”. Phương cười nói: “Kể như mẹ chồng em cũng sướng chị ạ! Vô lo vô nghĩ, cả ngày cứ đi chơi vui vẻ với mấy bà bạn lại hóa hay. Mẹ chồng không giúp em được việc nhà cũng được, còn hơn mấy đứa bạn em có mẹ chồng cái gì cũng biết thành ra khắt khe, khó tính. Sống cùng nhau mà chỉ chực bắt lỗi”.

Khi mẹ chồng cũng muốn làm gái đảm

Cũng dở khóc, dở cười với mẹ chồng như Phương nhưng Vân còn có phần khó xử hơn khi mẹ chồng chỉ hơn cô đúng 5 tuổi. Mẹ chồng Vân tên Hà, là vợ hai của bố chồng cô. “Mới đầu về nhà chồng, phải gọi Hà bằng mẹ, mình thấy ngượng lắm vì mẹ Hà hơn mình ít tuổi quá, hơn nữa trông mẹ trẻ hơn tuổi của mình rất nhiều” – Vân tâm sự.

Cô cũng sợ rằng, bà mẹ chồng trẻ của mình sẽ khó tính và gây khó dễ cho con dâu nhưng may mắn cho cô, Hà là người rất dễ tính, thậm chí có phần tuềnh toàng. Vân nói: “Chồng mình bảo không phải lo gì hết vì mẹ Hà dễ tính lắm”. Anh ấy còn cười và nói nhỏ với mình rằng: “Cứ ở đi rồi biết. Không khéo em mới là mẹ chồng khó tính chứ không phải mẹ Hà đâu”.

Và quả thật, mẹ Hà khiến Vân điên đầu không ít lần. Mẹ Hà mới ngoài 30 tuổi, tính tình thanh niên. Vân về làm dâu bỗng dưng bị bố chồng giao cho nhiệm vụ canh mẹ chồng. Nguyên văn lời bố chồng dặn Vân: “Con ở nhà dạy mẹ nữ công gia chánh. Đừng để cho mẹ đi chơi nhiều quá”.

Trước khi lấy chồng, Vân làm kế toán ở một doanh nghiệp nhỏ. Kết hôn xong, cô nghỉ ở nhà chăm sóc gia đình vì điều kiện nhà chồng cô rất khá giả. Mẹ Hà cũng ở nhà. Bố chồng cô không thích thuê người giúp việc vì ông không thích có người lạ trong nhà mình.

“Mẹ Hà nấu nướng rất tệ. Có những bữa bố chồng đi làm về, thấy bếp vẫn lạnh tanh, gọi điện thì mẹ Hà mới cuống cuồng từ chỗ bạn về. Bù lại sự vụng về thì mẹ rất khéo nói, chỉ cần nịnh vài câu là bố chồng mình lại vui vẻ ngồi đợi mẹ nấu cho bát mỳ rồi lên phòng nghỉ như thể chưa có chuyện gì xảy ra” – Vân cho biết.

Thế nên, theo lời bố chồng, Vân nghiễm nhiên trở thành cô giáo dạy việc nhà cho mẹ Hà. May mắn cho cô là mẹ Hà rất hào hứng trong việc học hành. Ngày nào mẹ Hà cũng theo cô đi chợ, chăm chú ghi những mẹo chọn đồ tươi ngon mà Vân nói rồi ghi chép cả công thức nấu ăn. Thấy thế, cô mừng lắm vì mẹ chăm chỉ và hăng hái như thế, việc dạy nấu ăn của cô sẽ thuận lợi hơn nhiều. Nhưng cái tật ham chơi của mẹ Hà khiến cô không thể kiên nhẫn dạy mẹ được.

“Có lần mình nhờ mẹ ra chợ mua họ vài thứ rau thơm, gia vị. Mẹ đi cả tiếng đồng hồ mà không thấy về. Mình gọi điện thì mẹ lại để điện thoại ở nhà. Sợ có chuyện gì xảy ra, mình vội chạy ra chợ tìm thì thấy mẹ đang ngồi làm móng tay, móng chân. Nhìn thấy mình, mẹ vẫn rối rít gọi mình vào làm cùng mẹ luôn. Mẹ quên luôn chuyện mình đã nhờ” – Vân nhăn nhó.

Cũng có bữa, mẹ Hà đích thân vào bếp, cũng nấu được vài món cơ bản nhưng khu bếp bị mẹ bày bừa kinh khủng. Cô nói: “Sau lần ấy, mình tự nhủ sẽ không cho mẹ động tay vào, vì nấu nướng, mình còn mệt hơn gấp nhiều lần”.

Mẹ Hà cũng không màng đến chuyện nấu nướng nữa, chị chuyển sang nhờ con dâu dạy may vá: “Mẹ sẽ để cho bố phải ngạc nhiên khi mấy cái áo bị bung chỉ của ông ấy đều được mẹ khâu lại cẩn thẩn hết”. Nghĩ chuyện khâu vá đơn giản, cô đồng ý dạy cho mẹ chồng. Chuyện này thì mẹ chồng cô làm khá tốt. Tai họa của cô con dâu này là mẹ chồng nằng nặc đòi học đan.

“Mình ở nhà thật nhưng cũng có nhiều việc để làm. Mẹ Hà thì tính tình rất nóng vội. Mẹ đã thích cái gì thì cương quyết phải được dạy và được làm ngay. Những ngày dạy mẹ học đan mình không dọn được nhà, cơm nước cũng không được chuẩn bị chu đáo. Chồng trách mà mình cũng không biết làm thế nào", cô than thở.

Mới đây, cô bàn bạc với chồng xin cho hai vợ chồng ra ở riêng thì mẹ Hà nằng nặc: “Nhà rộng thế này, ở cả nhà mình cũng chưa hết, làm sao phải ở riêng. Mà nhất là Vân đã dạy mẹ nữ công gia chánh đã xong đâu mà lại dọn đi?”. Bố chồng cô cũng gật gù đồng ý, và thế là chiến dịch biến mẹ chồng thành người phụ nữ đảm đang của Vân vẫn còn phải tiếp tục lâu dài.

Mẹ chồng đồng bóng con dâu thỏa sức chơi

Cũng có bà mẹ chồng ham chơi nhưng Huyền lại có phần sung sướng hơn hai nàng dâu được kể đến ở trên vì bà Nga, mẹ chồng của cô, là một người phụ nữ khá đồng bóng, biết hưởng thụ và không tiếc tiền ăn chơi. Nga kể: “Lần đầu tiên về ra mắt bố mẹ chồng, mẹ chồng mình hỏi có thích đi mua sắm với làm đẹp không? Mình nói có, rồi kể cho mẹ những spa mình hay đến làm đẹp và những địa chỉ mình thường xuyên đến để mua sắm váy, túi xách và giày dép. Mẹ lập tức bỏ ngay bộ mặt lạnh băng và tươi cười nói với chồng mình là mẹ duyệt cô này”.

Kết hôn xong, vợ chồng Huyền ở cùng bố mẹ. Chuyện nấu nướng và lau dọn nhà cửa cũng như giặt giũ quần áo, Huyền không phải động tay vào vì đã có người giúp việc lo. Bà Nga dặn con không được động vào bất cứ việc gì trong nhà vì như thế phí tiền làm đẹp: “Con là con dâu của mẹ nên con phải thật đẹp. Cứ hưởng thụ đi. Không phải làm gì hết”.

Tất nhiên nghe những lời ấy, Huyền mừng không để đâu cho hết. Bạn bè cô cũng phải ghen tị vì làm gì có cô con dâu nào có được bà mẹ chồng dễ tính và ủng hộ cho việc mua sắm, làm đẹp của con dâu như thế. Thế nhưng, khi sự làm đẹp trở nên thái quá thì mọi chuyện lại khác hẳn.

Lấy chồng, cô vẫn đi làm bình thường vì cô muốn mình có chút độc lập về kinh tế chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào chồng. Hơn nữa, cô đã mất 2 năm tu nghiệp ở nước ngoài nên không muốn những gì mình học được lại không dùng để làm gì. Cả tuần đi làm bận rộn và mệt mỏi, chỉ có 2 ngày cuối tuần để ở nhà với chồng và nghỉ ngơi đôi chút thì tuần nào cũng như tuần nào, cô đều bị mẹ chồng kéo đi spa và đi mua sắm.

“Đi spa còn đỡ vì trong lúc đắp mặt nạ hay massage mình còn được ngủ đôi chút, chứ đi mua sắm thì đúng là ác mộng”- cô nói. Bà Nga là người đồng bóng nên thích những gam màu sáng vì thế khi đi mua đồ, rất khó có thể chọn được quần áo phù hợp với sở thích của bà. Mà không chọn được thì bà sẽ bứt rứt không yên.

Đi 2 ngày cuối tuần chưa đủ, thi thoảng bà lại gọi Huyền đi trong giờ làm việc. Vì bà quen cấp trên của cô nên việc xin cho cô nghỉ giữa giờ rất dễ dàng. Bạn bè bảo cô sướng, trước cô thấy mình sướng thật nhưng giờ thì mọi chuyện đã đảo chiều vì cô quá mệt mỏi với việc làm đẹp thái quá của mẹ  chồng.

Nhưng mệt mỏi là chuyện mệt mỏi, còn hễ nghe nhìn thấy mẹ chồng gọi là cô phải sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho một ngày dài theo mẹ chọn quần áo, giày dép và làm đẹp. Cô tự an ủi: “Tính ra em vẫn còn may mắn vì tiền làm đẹp đều là tiền của mẹ cả. Chứ tiền lương hàng tháng của em không đáp ứng nổi nhu cầu không giới hạn của mẹ”.

Mẹ đoảng nhưng vẫn khó tính

Không phải chỉ những bà mẹ chồng biết mọi thứ mới khó tính mà ngay cả những bà mẹ chồng đoảng vị cũng có những người khắt khe và nghiêm khắc với con dâu. Loan cũng khóc dở với mẹ chồng đoảng của mình. Lúc mới yêu nhau, Loan đã nghe Thành, chồng cô bây giờ, cảnh bảo rằng mẹ anh rất khó tính, bố con anh còn khó chiều nên nếu cô thành vợ của anh, nhất định phải hết sức khéo léo.

Khi ấy, nghe những lời nói đó, cô chỉ có chút lo sợ vì cô rất tự tin vào khả năng nấu nướng và thu vén gia đình của mình, bởi cô là con cả, từ nhỏ đã thay mẹ chăm các em và lo việc nhà để bố mẹ cô tập trung lo cho công việc kinh doanh. Nhưng những tự tin đó cũng không giúp ích nhiều cho cô trong công cuộc đối phó với mẹ chồng.

“Nói ra thì bảo kể xấu mẹ chồng nhưng mà mẹ chồng em khó tính vô cùng chị ạ! Những ngày đầu tiên về làm dâu, em toàn nấu những món tủ của mình, ai ăn cũng khen, riêng mẹ em thì nhăn mặt chê. Để lần sau nấu được tốt hơn, em mới bạo miệng hỏi mẹ chưa vừa ý như thế nào để em rút kinh nghiệm. Mẹ em bảo mùi rau kinh giới quá nặng trong khi quả thật, em không hề cho một chút kinh giới nào. Em hỏi lại, bảo chắc là mẹ nhầm vì con không cho kinh giới. Mẹ chồng em ngay lập tức nổi giận, đùng đùng rời khỏi bàn ăn đi thẳng lên phòng".

"Em thì bàng hoàng vô cùng. Bố chồng và chồng em cười, nói không sao rồi giục em ăn. Bố chồng em còn bảo thêm mẹ mày có biết nấu nướng gì đâu mà. Chắc định lấy oai với con dâu nên chê bai thế. Không ngờ chê nhầm. Sau này con khéo léo một chút là được”, cô kể.

Kể từ bữa đó, cô biết mẹ chồng mình không rành nấu nướng nhưng vẫn hay giả bộ không biết để hỏi mẹ xem món này nấu thế nào, món kia nấu ra sao để lấy lòng mẹ. Mẹ chồng cô cũng có vẻ hài lòng, nhiệt tình chỉ bảo con dâu. Mẹ chồng cô yêu cầu ngày nào cũng phải đưa thực đơn cho mẹ xem trước để mẹ xem món nào được, món nào không được.

Mới đầu, cô tưởng mẹ làm thế để đảm bảo các món ăn trong bữa ăn được cân bằng về dinh dưỡng nhưng hóa ra, ẹm chồng cô đòi xem thực đơn trước để bà tìm hiểu cách nấu trên mạng và những gia vị cần có để hễ con dâu hỏi, bà có thể nói vanh vách như thế mình rất am tường về chuyện nấu nướng.

“Mấy lần em có việc, không về sớm cơm nước được nên phải gọi điện nhờ mẹ. Thấy bữa nào mẹ cũng nấu rất tươm tất, em còn tưởng bố chồng và chồng em đã nhầm về khả năng nấu nướng của mẹ. Đến lúc em tìm thấy hóa đơn nhà hàng trong thùng rác thì mới hay mẹ em toàn gọi đồ ăn ngoài hàng rồi về bày biện khéo léo hệt như mẹ tự nấu”, cô cười, kể chuyện.

Nấu nướng là một chuyện, việc lau dọn nhà cửa, cô cũng bị mẹ chồng soi xét kỹ lưỡng. Ngày nào cô dọn xon, mẹ chồng cô cũng đi vòng quanh một lượt, lấy tay di vào từng mặt kính để đảm bảo không còn bụi bám trên đó. Thế nên cô không bao giờ dám làm qua loa mà chuyện gì cô cũng cẩn thận làm.

Nhưng nếu lỡ có làm không vừa ý mẹ chồng, cô chỉ cần nhanh miệng nhận lỗi rồi nóo "mẹ chỉ giúp con với” là ngay lập tức mẹ chồng cô lại vui vẻ dạy con dâu. Loan tâm sự: “Chồng em cứ nói em cố gắng chiều mẹ một thời gian là đâu lại vào đấy. Mẹ chồng em kỳ thực không thạo việc nhà. Trước giờ nhà vẫn có người giúp việc làm hết mọi chuyện. Mẹ em cả ngày chỉ đi chơi hàng xóm rồi đi mua sắm. Có em về làm dâu thì mẹ em cho người giúp việc nghỉ  luôn".

"Mẹ dặn chồng em là không được nói cho em biết chuyện mẹ vụng về không con dâu lại khinh mẹ. Rồi chắc để lấy uy nên mẹ chồng em mới sinh ra khó tính  thế đó chị. Giờ em hiểu tâm lý của mẹ rồi nên mọi chuyện cũng dễ dàng hơn nhiều, em chỉ cần nịnh mẹ mấy câu là mẹ xuôi ngay”.

Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. Hãy để Ngoisao.vn đồng hành và giúp bạn! Vui lòng gửi tới email:tamsu@ngoisao.vn. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật và đăng tải những điều mà bạn muốn chia sẻ!

Đang Yêu