Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu từ lâu vẫn luôn là chủ đề nóng trong đời sống gia đình. Nếu mọi người thường nghe nhiều đến việc những bà mẹ chồng khó tính hay hà khắc với con dâu thì nay nhiều cô còn dâu cũng ghê gớm không kém thậm chí không ngại đối xử tồi với mẹ chồng.
Hoảng vì con dâu là... “sư tử cái”
Hương và Hoàng lấy nhau được 8 năm và đã có với nhau hai mặt con. Hoàng vừa đẹp trai lại giỏi làm ăn. Hai vợ chồng trẻ mới cưới chưa lâu đã xây được nhà to. Mọi người đều khen Hương tốt số vì chồng tốt tính, giỏi giang, con cái ngoan ngoãn, kinh tế gia đình lại khá giả. Tính Hương ngang ngạnh, đanh đá nhưng Hoàng lại là người hiền lành, nhẫn nhịn nên chuyện gia đình vẫn êm ấm. Tuy nhiên, sóng gió thực sự ập đến trong một lần Hương “hiện nguyên hình sư tử cái”.
Lần ấy, gia đình bên chồng làm giỗ cho bố của Hoàng, mẹ Hoàng bảo con dâu đi rửa mấy mâm bát đĩa. Hương hậm hực vì chỉ có một mình phải làm trong khi mẹ chồng đứng đánh răng. Bực tức trong người, Hương xông vào túm tóc mẹ chồng rồi dúi cổ bà vào bồn rửa mặt. Hoàng nghe thấy tiếng mẹ hét, anh vội vã chạy xuống bếp nhưng Hương vẫn không ngừng ấn đầu bà xuống.
Không tin vào mắt mình, người đàn ông vốn dĩ hiền lành lôi vợ ra và giáng một cú tát vào mặt nhưng Hương tránh được. Đang cơn điên, Hương lao vào cào cấu mặt Hoàng. Sự việc chỉ kết thúc khi bà mẹ chồng gọi họ hàng đến can ngăn.
Sau vụ việc hôm đó, mẹ Hoàng họp gia đình và tuyên bố từ con dâu. Hương không thèm nói một lời xin lỗi với mẹ chồng và gia đình nhà chồng. Còn Hoàng thì quá xấu hổ đến nỗi không dám đi làm. Anh sợ đến công ty sẽ không biết giải thích với đồng nghiệp ra sao vì những vết cào cấu trên mặt mình.
Sau lần ấy, dù nhiều lần Hương tìm cách làm lành với mẹ chồng nhưng không thành. Bà không thể chấp nhận, càng không thể quên khuôn mặt “thú dữ” của đứa con dâu nghịch tử”.
Về phần Hoàng, anh tâm sự, cuộc sống với Hương giờ cũng là địa ngục “đồng sàng dị mộng”, anh chọn cách không ly dị chỉ vì thương hai đứa con thơ.
Là con dâu trưởng của một dòng họ danh giá, nhưng Thanh sướng hơn rất nhiều so với bà mẹ chồng cả đời vất vả, lo lắng cho công việc của dòng họ. Đã quen với việc làm dâu trưởng từ năm mới 13 tuổi, bà Nhung, mẹ chồng Thanh không hề than thở một lời. Tình cảm mẹ chồng con dâu vốn dĩ tốt đẹp trong gia đình gia giáo này. Mẹ chồng lại là người nhẹ nhàng, quen cam chịu nên Thanh cũng thấy không quá khó khăn khi về làm dâu.
Khi Thanh lâm bồn, rồi chăm bẵm con nhỏ, cũng một tay mẹ chồng ngày đêm ẵm bế, đỡ đần. Bà cũng yêu thương con dâu như con đẻ. Nhiều người nhìn vào, không khỏi ghen tị với Thanh, khen cô là người có Phước. Thanh cũng biết vậy, nên cũng tỏ ra quý mến, săn sóc mẹ chồng.
Thế nhưng, chỉ đến khi mẹ chồng Thanh lâm bệnh do bị hoại tử ruột, mọi người mới hiểu thấu tình cảm của Thanh dành cho bà. Mỗi khi gia đình có cỗ bàn, Thanh vẫn về nấu nướng, dọn dẹp nhưng cô nhất định không ăn. Cô thường nói là mệt hoặc mới ăn no ở nhà nên không muốn ăn nhưng thực ra Thanh sợ lây bệnh của mẹ chồng.
Bệnh hoại tử thì sao có thể lây được? Vậy mà Thanh vẫn sợ và chê đồ ăn không được hợp vệ sinh nên cô không dám ăn. Những lúc bà Nhung phải nằm viện, lấy lí do vì bận công việc, Thanh thỉnh thoảng mới đến. Những cuộc đến thăm mẹ chồng của cô rất chóng vánh vì ở viện cũng có nhiều người chăm rồi và vì không khí ở bệnh viện ngột ngạt quá.
Khi bà Nhung được đưa về nhà chăm sóc vì bệnh tình của bà đã vô phương cứu chữa, Thanh vẫn về “chăm mẹ chồng”. Nói là vậy nhưng cô chỉ làm những công việc như cơm nước hoặc chợ búa chứ không dám vào thay đồ và làm vệ sinh cho mẹ chồng. Nằm liệt giường nên mọi hoạt động của bà Nhung phải nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người.
Thỉnh thoảng Thanh cũng vào thăm nhưng rồi lại nhăn mặt và nhanh chóng đi ra vì mùi hôi và sợ mất vệ sinh. Mọi người bất bình trước thái độ của Thanh, bà Nhung đều gạt đi để cho gia đình yên ấm. Chỉ đến lúc trước khi nhắm mắt bà mới thốt ra câu: “Rồi đời nó còn hai đứa con dâu đấy, sau này nó sẽ hiểu”.