Con biết, không dễ dàng để mẹ chấp nhận sẻ chia tình cảm của một người đàn ông mẹ hằng yêu thương, chăm sóc bao nhiêu năm nay cùng người phụ nữ khác. Thuyết phục mình với ý nghĩ “Nó yêu vợ hơn mình” là một điều khó khăn với tất cả những người phụ nữ nào ở vào địa vị mẹ chồng như mẹ. Con đã thấy nhiều trường hợp (ngay cả bạn bè con cũng vậy) bị mẹ chồng săm soi, bới móc, ghét bỏ chỉ vì thấy con trai quá yêu vợ. Con không muốn rồi mình cũng lâm vào trường hợp này, mẹ ơi…
Mẹ một mình nuôi chồng con bao năm, ngày trước, tình cảm của anh ấy dành trọn vẹn cho mẹ, mẹ không phải chia sẻ tình yêu của anh ấy cùng ai, không phải nhìn thấy hình ảnh ai yêu thương, chiếm hữu con trai mình. 8/3, 20/10... anh ấy không tặng hoa, tặng quà cho ai khác ngoài mẹ. Anh ấy quấn quýt bên mẹ không rời từ nhỏ đến lớn. Một tay mẹ chăm bẵm từ bữa ăn, giấc ngủ tới việc giặt từng tấm áo chiếc quần. Vậy nên, hẳn mẹ có đôi chút lo lắng khi có người phụ nữ xa lạ, trẻ trung và khéo léo hơn mình lại “nẫng tay trên” mất con trai của mẹ, trở thành một người “không cùng chiến tuyến” với mình?
Làm dâu chưa lâu, con sợ nhất là cảnh về đến nhà lại gặp mẹ "ra lườm vào nguýt" - điều mà trước đây con không hề nghĩ tới. Do lần đầu tiên gặp mẹ, con đã bị thu hút bởi vẻ thân thiện, nhẹ nhàng và đằm thắm của mẹ. Con được biết chồng con là độc đinh, bố mất từ sớm nên mọi việc trong gia đình đều do mình mẹ quyết định. Con vốn mường tượng ra hình ảnh một người phụ nữ sắc sảo, ghê gớm và "lên dây cót tinh thần" sẵn để “đối phó”; song khi gặp mẹ, trò chuyện cùng mẹ, con đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ đó trong đầu mình.
Dần dần, con yêu quý mẹ hơn, thương và cảm phục mẹ về những chuỗi ngày đơn lẻ, lặng lẽ nuôi chồng con khôn lớn. Bước chân về nhà mình, bắt đầu làm quen với cách sinh hoạt, “tề gia” của mẹ, nhiều lúc con thầm cảm ơn trời Phật vì đã đem đến cho mình một gia đình mà nhiều cô dâu mới thầm ao ước, một bà mẹ chồng chỉ có ở trong mơ. Mỗi sáng khi con thức dậy đều đã thấy bữa sáng được mẹ bày sẵn trên bàn. Thoạt tiên con thấy ái ngại về sự trễ muộn của mình, nhưng mẹ chỉ cười nhẹ nhàng. Với mẹ, đây là công việc đã thành thói quen, mẹ muốn con được thoải mái như ở nhà mình và có sức khỏe thật tốt để làm việc, rồi còn sinh cho mẹ những đứa cháu khỏe khoắn, xin xắn nên dần dần con cũng vô tâm đón nhận sự chăm sóc ấy của mẹ.
Mẹ còn hỏi con ở chỗ làm có nấu cơm trưa không, gần cơ quan có cơm văn phòng không, nếu không thì mẹ sẽ chuẩn bị cơm trưa sẵn cho con, chỉ cần mua một chiếc cặp lồng có chức năng hâm nóng, đến trưa, con chỉ cần ấn nút và chờ chừng năm phút là có cơm ngon canh ngọt. Mẹ khiến cho con cảm động rớt nước mắt về sự quan tâm ấy. Khi con khoe với mẹ mình về điều này, mẹ con còn rất ngạc nhiên và sau đó không ngớt lời trách móc con đã khéo lo những chuyện không đâu trước khi đi làm dâu. Bạn bè con không ai tin con có một bà mẹ chồng tốt bụng đến nhường vậy. Ai cũng khen rằng con tốt phúc.
Nếu như mọi chuyện cứ tốt đẹp thế, cứ tuần tự như thế mà diễn ra thì có lẽ con cũng chẳng ngồi viết nên những dòng này. Một tuần trước, con bất ngờ khi thấy mẹ kê một chiếc sô pha nhỏ trên khoảng phòng khách rộng, trước lối vào phòng ngủ của vợ chồng con. Nhà mình ở chung cư, chỉ có hai phòng ngủ dành cho hai mẹ con trước khi con về làm dâu nhà này nên con không xen nhiều vào việc bày trí không gian sống. Buổi tối, thay vì ngồi trên sô pha ở phòng khách để xem ti vi như thường lệ thì mẹ đem báo ra chiếc sô pha mới này, ngồi đọc sách, báo. Con thầm thắc mắc, nhưng không dám hỏi. Hai vợ chồng chỉ nhìn nhau với sự ngạc nhiên đong đầy trong đáy mắt. Mười giờ, mười một giờ, mẹ cũng vẫn ngồi đọc báo. Một ngày, hai ngày... rồi đến ngày thứ ba, con lờ mờ hiểu ra vấn đề. Vợ chồng con vào phòng rồi cũng không dám đóng cửa. Sợ mẹ lại cho rằng bọn con “chưa tối đã lục đục”, làm ảnh hưởng đến phút thư giãn cuối ngày của mẹ. Người ngồi đầu giường, kẻ ngồi đầu ghế, không ai dám thở mạnh vì sợ mỗi hơi thở của mình làm cho “người gác đền” ở bên ngoài thấy khó chịu.
Một tuần nay con mất ngủ. Một tuần nay con băn khoăn suy nghĩ. Mẹ ơi, con biết phải làm gì để mẹ hết ghen tuông bây giờ, hở mẹ?