Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu dường như ai cũng nằm lòng, nhưng đúng là ở trong chăn mới biết chăn có rận. Thảo (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) dù luôn ý tứ, song càng sống cùng, cô mới thấy để chinh phục được mẹ chồng mình là điều không đơn giản. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cô cho rằng để mẹ chồng khinh bỉ mình, lỗi của cô không phải là không có.
Thảo và Tiến yêu nhau thắm thiết suốt thời sinh viên. Tới khi ra trường rồi đi làm, dù anh chị chứng minh tình cảm của mình là sống không thiếu nhau, van xin tha thiết thế nào, bà Tuyết - mẹ Tiến luôn từ chối. Bà cho rằng: Gái quê như Thảo sẽ khiến con trai thành phố của bà không nhờ vả được trò trống gì mà phát triển làm ăn.
Đứng trước sự phản ứng của gia đình anh, cô buồn lắm. Cô đã khóc rất nhiều và chấp nhận buông xuôi với ý nghĩ “có duyên nhưng chẳng có phận”. Trong lúc đó, anh đã nghĩ ra một cách để “song hỉ lâm môn”. Đ là "Chỉ cần 'sự đã rồi' thì mẹ sẽ chẳng có gì để chê trách, cấm đoán chuyện của chúng mình nữa".
Dù sinh ra ở nông thôn nhưng Thảo tự nhủ một điều trước khi lên thành phố học đó là phải biết giữ mình. Trước hoàn cảnh này, dù không muốn nhưng vì yêu anh, tin anh nên cô đã quyết nhắm mắt nghe theo.
Ngoài niềm tin, cô không phải là người không có lý trí. Qua từng ấy năm tháng yêu nhau, cô hiểu Tiến là người đàn ông như thế nào. Anh là người tốt, yêu thương cô và có trách nhiệm. Chính vì điều này, cô quyết định nghe theo cách của anh. Quả nhiên, sau 2 tháng, Thảo có bầu. Anh vui mừng về báo tin vui cho mẹ.
Mẹ anh rất giận nhưng vì anh là người mà bà yêu thương nhất nên bà đành chấp nhận. Đám cưới của anh chị diễn ra rình rang nhưng Thảo biết bà vẫn không ưng mình. Bà chưa từng nở nụ cười nào với con dâu. Cô bước chân vào gia đình nhà anh như thế.
Sự việc trở nên trầm trọng khi đứa con trọng bụng cô không phải là con trai như bà mong đợi mà đó là một cô công chúa. Bà tỏ rõ thái độ thất vọng: “Tưởng cháu trai thì còn đỡ, đằng này…”. Trước mặt anh, mẹ chồng suốt ngày ngon ngọt mời con dâu ăn cái này cái nọ để tẩm bổ, dưỡng sức để sinh công chúa. Nhưng khi chỉ có mình cô đối diện với bà, bà tỏ rõ ý chỉ cô là một đứa con gái quê mùa thủ đoạn, lừa con trai bà, có bầu trước cưới ắt là loại không ra gì. Cô chua xót khi nhiều lần chứng kiến cảnh mẹ chồng vác ghế ra đầu phố buôn chuyện: “Nó ham của nên cho thằng Tiến vào tròng ấy mà”. Trước mặt Thảo, bà luôn miệng nói lẩm bẩm: “Nghi ngờ thật đấy, dòng giống nhà này chuyên sinh trai, sao con thằng Tiến lại là gái được cơ chứ? Liệu có phải là cháu tôi thật không?”. Ngậm đắng nuốt cay mãi không được, cô thủ mách với chồng. Anh phẫn nộ lắm, bảo vợ: “Em nghe có rõ không? Anh ở với mẹ hai mươi mấy năm trời, anh không tin mẹ lại nói điều này? Cháu nào mà chẳng là cháu chứ?”. Thấy cô khóc nhiều quá, anh gọi ngay vào máy của mẹ mình để hỏi. Thảo lạnh toát người khi bà vừa nghe điện thoại của con trai, bà vừa khóc lu loa: “Ối giời ơi, mẹ mà nói thế thì trời tru đất diệt, con biết tính mẹ đấy, mẹ có phải là loại nói ra những câu độc ác như vậy không?”.
Kết thúc cuộc nói chuyện với con trai, bà nhìn Thảo lắc đầu: “Tôi chẳng nói với cô, tôi nói một mình mà cô cũng nghe lỏm à?”. Anh Tiến làm xây dựng, đi công tác quanh năm suốt tháng, cô thì làm việc cho một công ty nước ngoài, công việc rất bận rộn. Chính vì lẽ đó, những rắc rối không đâu vào đâu từ mẹ chồng khiến Thảo càng thêm căng thẳng. Thực ra Thảo cũng thương mẹ chồng nhiều vì chồng bà mất sớm, một mình bà tần tảo nuôi con ăn học đàng hoàng. Bà dành trọn tình yêu của mình cho con. Và cô hiểu, bà không quý mình đơn giản là trong mắt bà, cô như một tên trộm ăn cắp tình cảm gia đình bà, người lẻn vào làm thay đổi cuộc sống gia đình bà. Bà trước cũng làm một chức khá to trong nhà nước. Ai nhìn qua cũng phải công nhận bà trẻ trung, hiểu biết. Tuy đã về hưu nhưng bà dùng Facebook rất "siêu". Đó cũng là cách bà liên lạc với người em của mình bên Mỹ. Từ khi lấy chồng, ban đầu Thảo không biết rằng mẹ chồng cũng là vị khách thường xuyên ghé thăm Facebook của mình. Mãi sau này khi bà hỏi quá nhiều nên Thảo mới đoán ra bà thường vào kiểm tra.
Hễ cô viết gì, để hình gì, trách chồng hay chụp ảnh cùng bạn, về nhà bà sẽ hỏi ngay: “Sao mà suốt ngày sểnh ra con lại chê chồng thế, ngứa mồm à? Chẳng lẽ cô không biết xấu chàng hổ ai?”. “Chụp ảnh với ai đây, có vợ con gì chưa? Cười tươi thế, đàn bà con gái có chồng hết rồi mà chẳng ý tứ gì” - bà chỉ vào tấm ảnh cô chụp cùng mấy người cả nam lẫn nữ - những người đồng nghiệp ở cùng phòng cô. Rồi bà ngang nhiên gọi điện mách chồng Thảo: “Con vào Facebook của nó mà xem, chẳng ra thể thống gì”. Anh hiểu ngay vấn đề, anh trách mẹ cổ hủ thì bà khóc váng nhà, dọa đòi đi ra viện dưỡng lão vì không ai nghe lời, quan tâm. Lời qua tiếng lại, chỉ vì chuyện không đâu mà cả nhà Thảo cứ loạn cào cào. Mệt mỏi, cô đóng luôn Facebook của mình. Thấy vậy, bà càng được thể lu loa với họ hàng làng xóm rằng: “Con dâu có tật giật mình”. Cô thút thít với bà: “Con bụng mang dạ chửa vượt mặt thế này rồi còn tòm tem được với ai được cơ chứ?”. Bà lạnh lùng mỉa mai: “Tôi chịu, con tôi bận thì tôi phải canh chừng cho nó thôi!”.