Nhiều người vẫn nói vui rằng hôn nhân là mồ chôn tình yêu, là nhà tù mà bất cứ cô gái nào cũng muốn bước vào. Nhưng đối với tôi hiện giờ thì hôn nhân thực sự là ràng buộc, là gánh nặng về kinh tế, là địa ngục mà hàng ngày tôi vẫn âm thầm chịu đựng và đối diện, gồng mình để duy trì cái vỏ bọc gọi là hạnh phúc.
Nhìn ngoài thì tôi có một gia đình mà nhiều người ngưỡng mộ, khi hai vợ chồng đều là công chức nhà nước. Cuộc sống không hẳn có thể sống theo mức sống thượng lưu nhưng một mái ấm nhỏ, chồng và con luôn là động lực để tôi phấn đấu.
Chồng tôi, là cấp dưới của tôi ở cơ quan, nhưng không vì thế mà tôi khinh thường anh hay so bì mức thu nhập của hai người. Và tôi luôn muốn anh được giữ vai trò trụ cột khi về nhà. Vì quy luật là muốn giữ được tình yêu nơi chồng thì phải tôn trọng và cư xử như cách mà bạn muốn anh ấy đối với mình.
Mỗi lần về quê, vợ chồng tôi vẫn được anh em khen bởi cách ứng xử gần gũi và cuộc sống hạnh phúc hiện tại. Hạnh phúc giản dị đó khiến tôi hài lòng và tưởng chừng cuộc sống bình yên ấy sẽ không có gì thay đổi được. Nếu như những biến cố không xảy đến thì giờ này tôi đã không phải đau khổ, lúc nào cũng phải gượng cười, che lấp đi nỗi đau bằng khuôn mặt giả tạo.
Nỗi đau này không ai khác là người chồng của tôi mang lại. Khi mà khoản nợ nần không thể trang trải được, chồng tôi thú nhận rằng, vì anh góp vốn đi buôn gỗ bị bắt. Và nợ ngân hàng đã đến hạn nếu không trả nợ lãi và gốc thì sẽ bị ngân hàng thu hồi nhà. Tôi đứng hình trước những lời chồng mình vừa nói, sự bàng hoàng như kéo tôi khỏi một khoảng không gian khác của sự sợ hãi.
Bỏ mặc những lời anh nói, đầu tôi như trống rỗng, như không tin vào tai mình, và dường như có một tia sáng thôi thúc tôi rằng chắc chồng mình chỉ nói đùa. Nhưng rồi, sự thật mãi mãi là sự thật. Nếu mọi người trong cơ quan biết thì cả tôi và anh sẽ mất việc, vậy con tôi ai sẽ nuôi?. Và món nợ kia ai sẽ trả. Nghĩ vậy, sau những giây phút ấy, tôi trấn tĩnh gọi về cho mẹ đẻ kể về những chuyện mình vừa nghe. Vì trong những lúc hoang mang, mẹ luôn là điểm tựa cho tôi, những lúc như thế tôi thấy mình thật nhỏ bé, thật yếu mềm.
Mẹ khuyên tôi bỏ anh, cho anh tự gánh vác những gì mình gây ra vì tự làm tự chịu. Như mất phương hướng, chỉ khi con trai tôi kêu đói, tôi mới bừng tỉnh. Tất cả như một cơn ác mộng xóa hết những hạnh phúc, những hi vọng truớc đây. Tôi còn thương anh, thương con, nếu thực sự phải từ bỏ hai niềm hạnh phúc này có lẽ tôi không sống được.
Không biết vay ai số tiền lớn như vậy, tôi đành về quê vay những người thân và hy vọng mọi người giữ kín. Nhưng số tiền vay được chỉ đủ trả một phần nợ và tiền lãi từ những tháng trước. Cuộc sống hàng ngày trở nên bế tắc, tôi thành ra cáu gắt, đôi khi không kiềm chế được tôi đay nghiến, nhục mạ anh. Không biết anh thế nào mà khi mắng anh tim tôi đau nhói như chính tay mình tự làm tổn thương mình vậy.
Những bi kịch không dừng lại ở đó, khi tôi biết anh lại lao và con đường cũ vì muốn trả món nợ lớn từ phi vụ vừa rồi. Và kết quả là mẹ con tôi phải gánh thêm khoản nợ nữa. Biết chuyện, mẹ tôi càng gay gắt, và bắt tôi nộp đơn ly dị. Cứ mỗi lần về quê, ngay cả khi có mặt anh, mẹ tôi cũng đề cập đến chuyện đó. Biết rằng vì thương con nên mẹ tôi mới phản ứng như vậy nhưng sự việc càng làm tôi thêm khó xử. Tôi như người đứng trước hai dòng nước mà xuôi bên nào cũng là địa ngục, cũng là khó khăn và nước mắt mà không nhìn được ánh sáng của tương lai.
Rồi một buổi chiều, chồng tôi đồng ý cho tôi ra đi vì không muốn làm khổ tôi và con nữa. Nhìn khuôn mặt chồng nức nở như đứa trẻ, tôi yếu lòng. Vì nếu tôi bỏ rơi anh thì sẽ không còn ai bên anh nữa. Tôi ôm chầm lấy anh và bắt anh hứa sẽ không lao vào con đường ấy nữa. Cuộc sống sắp tới sẽ còn khó khăn, cần phải cố gắng, nhưng có thứ tình cảm cao cả ngoài tình yêu mà chỉ khi kết hôn con người ta mới hiểu rõ. Tôi sẽ đặt cuộc đời mình vào canh bạc cuối cùng đó là tin vào anh lần cuối và tin mình có thể vượt qua, để sau này khi nhìn lại không phải hối tiếc về quyết định này.