Thư mệt mỏi lê bước về nhà. Một ngày làm việc quá sức của cô vì cô phải tăng thêm giờ làm việc. Trở về ngôi nhà trống hoác đồ đạc chẳng có gì giá trị mà Thư thấy ngán ngẩm. Giờ này Dũng chắc vẫn đang ngồi chém gió với mấy người bạn ngoài quán bia. Chẳng cần gọi điện thoại thì Thư cũng biết được Dũng đang đi với ai. Quanh đi quẩn lại chỉ vài người bạn ăn không ngồi rồi như Dũng đi cùng nhau mà thôi.
Từ ngày Dũng thất nghiệp đến giờ mọi gánh nặng tài chính dồn lên vai Thư. Trước đây Dũng đi làm lương cũng chẳng đáng là bao nhưng ít nhất anh còn hỗ trợ cô được ít tiền đóng học cho con, khi công ty Dũng giải thể thì Dũng chẳng có công việc nữa, hơn nữa tính anh lại ì ạch nên cũng chẳng học thêm được bằng cấp gì vì vậy mà muốn xin việc cũng khó.
Mà giá như Dũng chấp nhận được mấy việc với mức lương thấp thì đã đành, đằng này tính anh lại sĩ diện hão, anh quan niệm thà ở nhà đợi việc còn hơn là đi làm mấy việc chân tay. Bạn bè Dũng có người muốn anh đi làm nhưng là công nhân thì Dũng từ chối thẳng thừng, anh không chấp nhận để người khác xin việc hộ mà anh chỉ thích ngồi văn phòng với công việc nhàn hạ điều hòa ngồi mát cả ngày.
Vậy nhưng tính Dũng lại rất sĩ, khi đi chơi với bạn bè bao giờ cũng giành trả tiền, đi cưới hỏi hay thăm nom ai bao giờ anh cũng để phong bì dày chứ không bao giờ thăm nom đại khái qua loa. Dù tiền không có nhưng đi chơi ở đâu bao giờ quần áo cũng phải đắt tiền, điện thoại đổi liên tục toàn những loại nhiều tiền. Mặc dù trong nhà không có tiền nhưng mỗi lần Thư lấy lương là Dũng giữ quá nửa để mang đi ăn chơi mua sắm. Dũng không cờ bạc lô đề gì nhưng tính sĩ của anh khiến Thư chán nản.
Tết sắp đến, Thư muốn bàn bạc với chồng mua đồ về sắm Tết, ai dè anh chở thẳng Thư đến một siêu thị cao cấp và mua về không biết bao nhiêu đồ. Toàn bộ số tiền Thư dành dụm để mừng tuổi và biếu hai bên gia đình cô phải dốc vào để trả tiền mua đồ, mà nhà cô có cao cấp gì cho đành, vậy nhưng cô vừa mới có ý kiến thì Dũng đã lừ mắt cấm Thư không được phản đối.
Thư nhìn đống đồ cao ngất trong nhà mà nước mắt lưng tròng. Mấy ngày nữa chắc các con cô phải nhịn vì chẳng còn đồng nào. Nhưng Dũng thì mặc kệ, giống như gia đình chẳng phải của anh, Tết Thư phải tự lo, không có thì phải vay đâu cho có. Anh vốn tự cao tự đại, không bao giờ vay tiền của ai. Thư còn nhớ mãi lần Thư sắp sinh con, mới tạm ứng được hơn hai chục triệu tiền thai sản định để dành để sinh con, vừa mới mang tiền về khoe với chồng rằng đợt này đi đẻ không lo vay ai nữa, ai dè hôm sau chồng cô mang cho bạn vay luôn 15 triệu và anh ta vay từ đó cho đến giờ không trả.
Nhiều lần Thư đã góp ý với chồng rằng gia đình không có tiền nên phải tiết kiệm, nhưng Dũng bỏ ngoài tai. Thư rất sợ mỗi lần Dũng mua sắm một món đồ gì đó cho gia đình, với người vợ khác phải cảm thấy hạnh phúc nhưng Thư chỉ muốn khóc bởi món đồ đó quá đắt tiền, mà người còng lưng ra trả số tiền đó là Thư chứ không phải ai khác. Có lúc Dũng cao hứng đi mua cho hai đứa con mỗi đứa hai đôi giày hết gần 2 triệu đồng, xong đi qua cửa hàng đồ chơi lại mua cho con chiếc xe hơn triệu bạc. Thư về nhìn đồ của con mà buốt hết ruột gan.
Thư mệt mỏi, cô đã cố gắng tăng ca để có thêm tiền nhưng hình như cô càng có thêm tiền thì Dũng càng ỷ lại vào vợ và không muốn đi làm để Thư phải còng lưng ra lo lắng tất cả mọi việc. Cô cảm thấy bất công khi cô miệt mài với công việc thì Dũng nhởn nhơ ở quán bia. Cô thấy chán nản với ông chồng sĩ diện quá. Chẳng lẽ cô lại nghĩ đến chuyện ly hôn?