Ngày tôi và anh còn yêu nhau, hay đưa tôi về ra mắt, tôi choáng váng vì gia đình anh ở quê đông đến thế. Riêng các bác cô chú dì bên nội bên ngoại nhà anh đã 16 người, chưa kể ông bà các anh chị em nhà anh nữa thì đếm không thể xuể được, còn những người họ hàng khác thì tôi không thể nhớ nổi tên. Có mỗi việc tôi về ra mắt mà họ hàng quanh nhà anh kéo sang chơi đông tới mức phải trải thêm hai cái chiếu dưới đất mới đủ cho mọi người ngồi chơi. Bố anh hãnh diện giới thiệu với tôi rằng gia đình anh thuộc dạng “đông hiếm có mà cũng vui hiếm có” vì thế nên khi vào gia đình anh làm dâu thì tôi chỉ có lợi chứ không có thiệt.
Rồi tôi và anh cũng cưới nhau, đám cưới anh quả thật đông, chỉ riêng họ hàng kéo đến đã đủ chật cả rạp. Mỗi người góp tay vào một tí, bố mẹ anh không phải thuê người ngoài về làm cỗ cưới, chỉ anh em tự giúp nhau. Còn bản thân tôi, lợi đâu như bố anh nói chưa thấy, nhưng ngày đầu tiên cưới về dù mệt rã rời thì mình tôi phải rửa đến 6 mâm bát do anh chị em buổi chiều dỡ rạp ăn xong để lại.
Cưới xong, hai vợ chồng tôi lên thành phố tiếp tục làm việc, anh có tổ chức cho hai vợ chồng tôi đi nghỉ trăng mật 4 ngày ở Đà Nẵng. Vì chăm chỉ làm ăn và chịu khó tích cóp vay mượn nên hai vợ chồng tôi đã mua được căn chung cư 1,5 tỷ ở ngoại thành Hà Nội. Nói chung, với giá tiền như vậy thì đó là căn chung cư trung bình với các loại dịch vụ cũng không được tốt cho lắm. Nhưng với bố mẹ anh và họ hàng ở quê thì coi đó là điều vô cùng hãnh diện. Từ lúc vợ chồng tôi mua được căn nhà mới, mọi người ở quê cứ lấy cớ lên cho biết nhà cửa, thế là lũ lượt kéo lên thăm. Ai ai cũng bảo vợ chồng tôi phải mừng tân gia, thế là mọi người chỉ góp con gà hay yến gạo nhưng hai vợ chồng tôi thì phải phục vụ cơm nước rồi dẫn đi chơi khắp Hà Nội hết chỗ nọ chỗ kia, lúc về lại phải mua quà gửi về thì mới được lòng anh em gia đình anh.
Bây giờ gia đình tôi trở thành trung tâm của nơi trú ngụ mỗi khi ở quê có việc. Bố mẹ anh chỉ đạo, dù cách nào cũng phải chăm sóc phục vụ mọi người cho tử tế. Vậy là từ con cháu thi cử, ở quê có người đau ốm hay có bất cứ việc gì là mọi người sẽ lên nhà chúng tôi. Vợ chồng tôi phải cử người đi đón, còn đông hơn thì phải bắt tắc xi cho mọi người về nhà, rồi cơm nước lúc nào cũng phải đầy mâm hết món nọ món kia. Vợ chồng tôi phải để hẳn một phòng chỉ để phục vụ khách, có hôm khách đông quá chúng tôi phải trải thêm cả chiếu nằm dưới đất để nhường phòng cho mọi người. Mùa đông còn đỡ, mùa hè mọi người đông, điều hòa bật nhiều, có tháng tiền điện nước nhà tôi tăng lên gấp 4 lần khiến tôi rút ví mà xót hết ruột.
Mọi người ở quê lên nhiều lúc rất ồn ào, dép guốc để bừa bãi ngoài hành lang, có lúc vứt cả bã kẹo cao su rồi cười nói ầm ầm khiến các phòng bên cạnh khó chịu. Dù tôi đã tế nhị nhắc nhở nhưng không ai nghe, có hôm tôi nói to thì y như rằng hôm sau bố chồng tôi gọi điện bảo tôi không được hỗn không được làm mất lòng mọi người trong gia đình chồng.
Những phiền toái còn chưa đủ chấm dứt, bố chồng tôi làm trưởng tộc nên mọi đám giỗ đều tổ chức ở nhà tôi dưới quê. Vì thế dù có bận công việc công tác quan trọng đến mấy đi nữa thì những ngày giỗ này vợ chồng tôi đều phải hủy để về. Mà mỗi lần về việc mua đồ quà cáp cho mọi người hết chỗ nọ chỗ kia thường mất cả nửa tháng lương của cả hai vợ chồng. Vậy mà có lúc mọi người còn không hài lòng chê nhiều chê ít.
Mệt mỏi với gia đình chồng thường xuyên quấy nhiễu (ảnh minh họa)
Nhiều lúc tôi mệt mỏi có phàn nàn với chồng tôi thì anh bảo: “Gia đình chồng em chỉ có thế thôi, nếu em thích thì tiếp tục còn không thì thôi, sau này anh còn làm trưởng họ thì em phải cáng đáng nhiều đấy, em cứ xem kỹ đi, mà em cũng ích kỷ vừa thôi, hôm trước em có thái độ làm mấy đứa em nó không vừa lòng đâu, nó mà nói với bố thì em rách việc đấy”.
Tôi phải làm sao? Nhiều lần mệt muốn khóc mà không khóc được. Mọi người thật sự yêu quý hay chỉ biết hành hạ chúng tôi? Từ ngày lấy chồng, tôi cứ bận tối mắt tối mũi chẳng bao giờ có được thời gian để mà đắp cái mặt nạ, không tuần nào nhà tôi không có người lên. Đăng ký tập yoga thì phải hủy mấy lần vì chồng bắt về đi chợ cơm nước phục vụ mọi người. Tiền đã đành, còn thời gian, còn tâm lý nữa. Chẳng lẽ tôi lại ly dị sao?