Chồng trẻ con ưa dỗi
Chị Bích ở Cầu Diễn lấy chồng bằng tuổi. Vợ chồng chị chẳng được “nằm duỗi mà ăn”. Ngược lại, họ luôn bị xích mích do tính tình trẻ con của chồng.
Mỗi lúc chị gọi chồng “anh ơi”, chồng chị đều không trả lời bởi đang say sưa xem phim hoạt hình. Chị Bích bực quá gọi to tên chồng. Anh ta lăn ra giận dỗi và quyết ngủ khác phòng để chứng minh “bản lĩnh đàn ông”.
Tệ hơn, chị Bích mà lỡ nói câu gì chạm vào “độ nhạy cảm” của chồng là anh thụp người lại khóc rưng rức. Mỗi tháng chị chẳng buồn đếm xem chồng đã bỏ cơm mấy lần vì “vợ bắt nạt chồng” nữa.
Chị Bích buồn rầu nói: “Hồi yêu nhau đã biết ổng có tính con nít. Cứ tưởng lúc có con rồi chồng sẽ người lớn hơn. Ai dè, giờ mình đang phải quay cuồng chăm hai đứa trẻ: Con gái một tuổi thường quấy khóc và ông chồng to xác ưa giận dỗi.”
Sẽ bất công bằng nếu quy kết vợ chồng bằng tuổi thì chồng “dính” tính trẻ con. Có nhiều anh chồng nhiều hơn hẳn tuổi vợ song vẫn có suy nghĩ con nít.
Thời buổi kinh tế khó khăn, nhưng chồng chị Thụy ở Long Biên vẫn giữ nếp sống từ nhỏ. Anh đã thích thứ gì là nằng nặc đòi vợ mua cho bằng được. Tủ quần áo của nhà chị đủ bộ sưu tập đồ của chồng.
Mặc dù, lương chồng chị Thụy chỉ đủ nuôi thân. Còn con cái phó mặc vợ nuôi. Điều đáng ngạc nhiên, tết năm tới, chồng chị đã bước vào ngưỡng cửa tuổi tứ tuần.
Chị Thụy phải rêu rao với hàng xóm lương chồng “cao vút” để biện minh cho những khoản chi tiêu không hợp lý của anh. Nói vậy chứ thực tình chị cũng “khổ tận cam lai” lắm. Bởi người kiếm ra của ăn của để trong gia đình là chị chứ không phải ông chồng.
Nếu vợ không đáp ứng nhu cầu tiêu pha của chồng thì anh sẽ bỏ đi chơi với bạn bè chẳng thiết về nhà. Bạn bè của chồng chị vốn ưa la cà quán xá, hết cà phê lại bia bọt mà.
Muốn kiếm hố để chui
Vì tính nết “không lớn nổi” của chồng mà bao phen các chị em phải tím mặt với người xung quanh. Chị Liên ở Quốc Oai kể: Chị vẫn dạy con làm việc gì cũng phải xin phép bố mẹ. Chồng chị Liên lại thường lấy tiền của vợ cho bạn mượn mà chẳng báo tiếng nào. Có lúc chị đau đầu vì chồng lấy mất khoản tiền đong gạo.
Đứa con 5 tuổi của chị Liên nói: “Bố lớn rồi mà giống hệt đám bạn con. Mẹ phải phạt bố úp mặt vào tường.” Chị không biết giải thích với con thế nào về gương xấu của bố.
Chị Liên đóng cửa phòng nói điều thiệt hơn với chồng. Anh nằm vật ra giường khóc lóc trách vợ “sư tử”. May trong phòng có tivi, chị Liên bật to loa để tránh cho con trai nghe được tiếng khóc “vạ oan” của bố.
Đối phó ông chồng là “trẻ con lớn xác”, chị Hòa ở Ninh Hiệp đã thi hành chính sách rắn. Chị đã viết đơn ly hôn vì chán cảnh chồng bỏ mặc chị trông con, chỉ thích bù khú với đám bạn.
Mặt chồng chị Hòa “cắt không còn giọt máu” trước tờ đơn ly hôn. Anh chẳng nói chẳng rằng buồn rầu khôn tả. Chị Hòa thở dài ngao ngán “bỏ thì thương, vương thì tội, âu là duyên số vậy”.
Chồng chị tu tỉnh được ít ngày. Anh nấu cơm cùng vợ và chơi đùa với con như ông bố yêu trẻ nhất mực. Sau đó, anh lại “ngựa quen đường cũ”.
Dạo này chị Hòa thường la cà trên mạng tâm sự các chị em cùng cảnh ngộ. Chị nói: “Phải tìm ra phương cách gì chứ sống mãi cùng chồng con nít thế này nhọc đầu quá”.
Dẫu trong cuộc sống “mỗi người mỗi tính”. Nhưng những bà vợ lấy phải chồng có tính trẻ con lại có nỗi âu lo riêng. Đến bao giờ, họ mới được thôi làm bờ vai để lau vạt nước mắt dỗi hờn của chồng?
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. Hãy để Ngoisao.vn đồng hành và giúp bạn! Vui lòng gửi tới email:tamsu@ngoisao.vn. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật và đăng tải những điều mà bạn muốn chia sẻ! |