Lấy chồng mới được hơn 1 năm và chưa có con cái, nhưng Phương đã thấy ngột ngạt với nhà chồng chỉ biết lúc nào cũng đòi hỏi về kinh tế và nghĩa vụ. Đối với một nàng dâu, nhà chồng Phương lúc nào cũng muốn con dâu phải chu toàn mọi khoản: tiền ăn, tiền ngân hàng, tiền hiếu nghĩa, nào là gọi về thì nên có mặt ngay lập tức… nếu không muốn bị ăn chửi.
Trước đây, cả nhà chồng Phương ở trong một căn hộ tập thể chưa đến 40m2. Vì nhà cả gồm bố mẹ chồng, vợ chồng Phương và đứa em trai chồng ở trong căn nhà nhỏ như vậy nên việc sinh hoạt bất tiện khủng khiếp. Sau khi Phương về làm dâu, bố mẹ chồng Phương vay nợ ngân hàng để mua một cái nhà khác.
“Tiền lãi hàng tháng 13 triệu thì vợ chồng tôi bị bố mẹ chồng giao trả 10 triệu. Còn 3 triệu là lấy từ tiền nhà cho thuê căn hộ tập thể kia đập vào. Nhưng nực cười ở chỗ, mua nhà xong dù nhà 3 tầng hẳn hoi, diện tích đã rộng hơn. Thế nhưng bố mẹ chồng vẫn bảo vợ chồng tôi về nhà ngoại ở. Ông bà không bảo về nhà mới ở cũng như không cho về nhà tập thể cũ ở nữa vì bảo về nhà ngoại ở để tiết kiệm chỗ ở, lấy tiền trả nợ” - Phương cay đắng chia sẻ.
Theo như Phương nói, nhà bố mẹ đẻ Phương diện tích bằng nhà mới nhà Phương nhưng 4 tầng. Thế nhưng nhà Phương cũng có bố mẹ và 3 chị em gái.
“Thấy bố mẹ chồng mua nhà mới mà vẫn không cho con về ở, tôi không hài lòng ra mặt. Tôi bảo với chồng rằng, nhà đẻ cũng chật chội thế, lại đông các em hơn. Thế nên về nhà mới xin bố mẹ 1 phòng. Chồng tôi cũng nói lại với bố mẹ chồng như vậy. Nào ngờ, anh còn bị bố mẹ chồng quát mắng cho 1 trận nên thân. Ông bà bảo rằng, cả nhà chỉ ở 2 tầng, còn tầng 3 cho thuê để có tiền trả lãi ngân hàng. Trong khi, dù khách thuê tầng 3 mỗi tháng được thêm 6 triệu nhưng ông bà vẫn bắt vợ chồng tôi phải trả ngân hàng mỗi tháng 10 triệu. Nào có thấy giảm đi đồng nào” - Phương kêu ca như vạc. Ức chế với chuyện đã đi lấy chồng vẫn bị bố mẹ chồng đuổi khéo về nhà ngoại ở, Phương còn ngán ngẩm với bố mẹ chồng khi không chỉ muốn con dâu đóng góp tiền bạc, mà đòi hỏi phải dồn hết tâm trí vào nhà chồng.
“Ngày nào, công việc bận bịu vậy mà tôi không gọi điện về thăm hỏi qua bố mẹ chồng lấy 1 câu là y như rằng mấy hôm sau về sẽ bị mẹ chồng mắng xối xả. Bà sẽ bảo con không toàn tâm toàn ý với nhà chồng. Rồi nhà chồng nhiều lúc có cái giỗ rối, ông bà gọi về ăn cơm. Nếu chẳng may hôm ấy rơi vào ngày thứ trong tuần vẫn phải đi làm mà không về sớm được, thể nào vợ chồng vác mặt về ăn cũng bị ông bà mắng cho té tát. Họ sẽ bảo rằng, đã chẳng phải làm, đến về ăn cũng phải đợi chờ như đợi thủ tướng… Rồi cứ thế, bố mẹ chồng lại mắng con dâu không biết thu xếp, không hết lòng với nhà chồng như con dâu nhà người”.
Cứ trong cảnh sống như vậy, Phương lúc nào cũng thấy ngột ngạt mỗi khi về nhà chồng hoặc mỗi khi nói chuyện với bố mẹ chồng. Từ đó, Phương đâm ra ghét cay ghét đắng nhà chồng.
“Sao mình ghét bố mẹ chồng đến thế chứ. Đã thế, bố mẹ chồng còn dặn con dâu rằng, đi đâu cũng phải ra rả nói yêu bố mẹ chồng thậm chí hơn bố mẹ đẻ. Rồi lúc nào họ cũng nhắc, con dâu phải thế này thế kia với bố mẹ chồng. Đó là thiên chức, là bổn phận của con dâu” - Phương ức chế kể.
Chính vì không thể chịu được bố mẹ chồng như vậy, chồng lại nhu nhược nên sau 1 năm Phương đã chính thức ly hôn chồng.
Cũng trong hoàn cảnh vừa phải lo kinh tế cho nhà chồng, lo cho những đòi hỏi của bố mẹ chồng mà vẫn bị chửi chẳng ra gì là cô dâu mới tên Bình (Hà Đông, HN).
Về nhà chồng, do làm ở một công ty nước ngoài nên lương tháng của Bình khá ổn. Mỗi tháng, thu nhập của Bình cũng khoảng được 10 triệu. Thế nhưng chưa tháng nào Bình dư dả hoặc có tiền mua sắm cho mình thứ nọ thứ kia.
“Đêm tân hôn, mình bảo chồng mang phong bì của bạn bè mừng ra kiểm để cho xong. Chồng mình sau một hồi xuống nhà tìm nơi để phòng bì đã chạy lên bảo rằng, bố mẹ chồng ngồi đếm hết từ lúc nào. Mình tá hỏa và sốc luôn. Nhưng mấy hôm sau cũng không thấy đưa lại cho con dâu danh sách bạn bè đã mừng cưới hoặc nói số tiền được mừng cưới của mình” - Bình kể.
Ngoài ra, từ ngày về nhà chồng, dâu mới này lúc nào cũng bị nhà chồng “bòn” tiền để mua sắm thứ này thứ nọ: “Vì lương khá nên mình lo kinh tế gia đình nhà chồng là chủ yếu. Từ khi về nhà chồng, bố mẹ chồng lúc thì bảo mua cái ti vi gần 20 triệu, lúc lại bảo mình mua cho ông bà cái tủ lạnh 10 triệu. Rồi khi cái bồn cầu cũ, cũng đến tay mình thay. Thế mà có hôm mình đi vắng, tiền điện nước và internet chưa đóng được. Tối vừa nhò mặt về nhà, mình đã bị bố chồng chửi như tát nước, lời lẽ rất thô thiển”.
Thậm chí có ngày khi Bình vừa mở mắt dậy đi làm, bố mẹ chồng đã gọi con dâu xuống nói chuyện. Rồi ông bà bảo rằng: “Con tính mua cho em nó (em chồng) cái xe ga đi làm cho oách” hoặc “Mẹ mơ ước có cái vòng cẩm thạch từ lâu rồi”; “Mẹ chỉ thích đồ con dâu mẹ mua thôi”…
“Chẳng hiểu sao bố mẹ chồng cứ coi mình là cái cây ATM trong cái nhà này. Nhu cầu thì cứ xoành xoạch, hỏi lương 10 triệu như mình/tháng làm sao đáp ứng đủ. Mình nghe xong mà còn không tin ở tai mình. Sao mình lại rơi vào một nhà mà bố mẹ chồng toàn tham lam đến vậy chứ” - Người phụ nữ này nói.
Ban đầu, Bình còn đáp ứng được những đòi hỏi của nhà chồng. Về sau Bình không còn đáp ứng những nhu cầu vô tận của bố mẹ chồng nữa thì họ quay sang nói Bình chẳng ra gì. Họ bảo Bình ích kỷ với nhà chồng, là đứa con dâu mất dạy, hỗn láo, không quan tâm đến mọi người trong nhà.
“Chẳng thế mà mình càng ghét và căm thù, khinh bỉ nhà chồng mình. Mới đây, vợ chồng mình còn đang đưa nhau ra tòa li dỵ vì mình không thể chịu được những thủ đoạn vòi vĩnh khốn nạn của nhà chồng. Chỉ tiếc là mình và chồng yêu nhau những 6-7 năm, trải qua bao sóng gió trong tình yêu trắc trở. Vậy mà lấy nhau được hơn 2 năm đã phải ly dị. Mình hận đầy tim nhà chồng” - Bình rơm rớm nước mắt nói.