Lấy nhầm trẻ con
Long 28 tuổi – Kỹ sư tin học, hơn vợ 2 tuổi nhưng tính rất trẻ con. Là con trai út trong nhà, Long quen được mẹ và các chị chiều chuộng nên hầu như chẳng động tay làm gì. Buổi sáng, Quỳnh dậy đi chợ, dọn dẹp nhà cửa rồi gọi năm lần bảy lượt Long vẫn vặn vẹo trên giường và nhất quyết không dậy. Có hôm, thấy mẹ chồng vào vuốt tóc, xoa lưng, nựng nịu chồng dậy ăn cơm sáng mà Quỳnh thấy bực mình.
Quỳnh có bầu, hớn hở khoe chồng những tưởng Long sẽ vui mừng lắm, ai dè Long nhăn mặt ca thán: “Ôi giời, giờ có đứa gọi mình là bố á, ngại chết”. Và Long vẫn vậy, hầu như chẳng đỡ vợ việc gì. Chỉ cần có bạn gọi đi chơi, đi nhậu là Long lấy xe đi ngay, có khi để mặc vợ nghén, mệt nằm nhà một mình. Vợ nhờ giặt, phơi quần áo thì Long lắc đầu: "Anh không quen làm mấy việc đó đâu. Hay em bảo mẹ giúp". Những ngày sắp sinh, Quỳnh muốn chồng đèo đi làm thì anh bảo: "Thôi, em đi xe ôm, anh trả tiền, chứ em đi làm sớm thế, anh chịu không dậy được đâu". Cô thấy tủi thân vô cùng.
Cả đến khi Quỳnh sinh, Long vẫn không bỏ được cái tính vô tâm thường nhật. Quỳnh sinh khó, bác sĩ bảo phải mổ, đã hẹn là 7h Long có mặt ở bệnh viện, nhưng đã quá giờ vẫn chưa thấy mặt mũi Long đâu. Điện thoại gọi hơn chục cuộc chỉ nghe tiếng nhạc chờ. Mẹ Quỳnh không còn kiên nhẫn nên cằn nhằn: “Chồng như vậy bỏ đi cho khỏe”. Đến khi đứa bé chào đời, mới thấy Long xuất hiện rồi giải thích: “Hôm qua có trận bóng hay quá, anh xem nên ngủ quên mất”.
"Không biết có con rồi anh ấy có khác gì không, chứ cứ thế này thì thà mình không có chồng còn hơn", Quỳnh tâm sự với bạn bè.
Khổ vì chồng vô tâm, trẻ con
Mai Anh và Sơn quen nhau vì có cùng sở thích đọc truyện tranh. Cả 2 hay cùng đến quán truyện gần nhà Mai Anh để đọc truyện. Rồi quen nhau yêu nhau lúc nào không hay. Và rồi lấy nhau.
Giờ đây sau 2 năm kết hôn, Mai Anh đâm ra ghét cay ghét đắng cái sở thích chung ấy. Cứ đi làm về là Sơn chạy vào phòng đọc truyện, nào là Ỷ thiên đồ long kí, Thần điêu đại hiệp, Đường dẫn đến khung thành… hết tập này đến bộ nọ, khách đến nhà không ai thấy mặt Sơn bao giờ. Ngoài đọc truyện, Sơn còn có một sở thích được say mê không kém là chơi game. Ngoài giờ đi làm, không đọc truyện, là Sơn cắm mặt vào máy tính để chơi. Để mặc Mai Anh với cả đống việc nhà rồi nấu nướng, dọn dẹp. Đã vậy, đến bữa cơm, gọi Sơn còn ậm ừ không ra vì đang mải “chiến”. Vợ tức mắng vài câu, Sơn dỗi bỏ ra hàng internet để chơi.
Kể chuyện lúc mình sinh con mà Mai Anh vừa tức vừa buồn chồng. Đau bụng sắp sinh, Mai Anh gọi chồng từ quán Internet về thì nhận được lời phán thẳng thừng: “Em cứ về chuẩn bị trước đi, anh chơi nốt hiệp này đã, chưa đẻ được ngay đâu mà cứ cuống hết cả lên. Làm người ta thua bây giờ”. Tức mình, Mai Anh thuê taxi tự đến bệnh viện rồi nhờ mẹ đến giúp.
Ngọc lấy chồng kém mình tới 2 tuổi nên có phần tính cách già dặn hơn chồng. Trong khi cô lo toan, vun vén cho gia đình thì chồng vẫn cứ hồn nhiêu như hồi còn là “trai tân”. Vốn tính ham chơi, Hiệp (chồng Ngọc) cứ vui chơi tới bến mỗi khi có dịp, có vợ rồi mà có khi tận 1-2h sáng Hiệp mới có mặt ở nhà, để mặc vợ lo tất tần tật mọi việc.
Việc nhà Hiệp cũng dửng dưng, Ngọc ca cẩm thì mẹ chồng nói sẵng: “Đời mẹ chưa bao giờ để bố thằng Hiệp phải xắn tay vào bếp”, rồi “Đàn ông ai chẳng vậy, ham chơi nhưng vẫn biết tìm về nhà với vợ con là may rồi. Thôi thì nó còn trẻ người non dạ nên con bảo ban rồi vợ chồng cùng làm ăn. Đấy, nhìn bố chồng con lúc nào cũng thảnh thơi trong khi mọi việc trong nhà đều một tay mẹ quán xuyến tươm tất hết cả”.
Nghe mẹ chồng bênh con mà Ngọc tức anh ách. Cô đã cố gắng thông cảm nhưng dù sao chồng cũng đã xấp xỉ 30 rồi chứ còn bé bỏng gì nữa đâu. Khi vợ bàn bạc việc gì, Hiệp chỉ biết tròn xoe mắt trả lời: “Thế à?” rồi “Có gì em tự quyết định đi, anh chẳng biết gì đâu”.
Ngọc không nghĩ một người đàn ông ngần ấy tuổi lại có thể thiếu trách nhiệm và thờ ơ với công to việc lớn trong nhà đến vậy. Ngày còn yêu, Ngọc càng thích thú với cái tính trẻ con bao nhiêu thì khi trở thành vợ chồng lại nhàm chán bấy nhiêu.
Làm gì với chồng trẻ con?
Một phần không nhỏ cánh đàn ông “vô tâm vốn sẵn tính trời” nhưng bên cạnh đó cũng có một bộ phận vô tâm do vợ quá khéo léo, đảm đang. Nhiều chị em quá đảm đang, chu đáo trong mọi việc và trong quan hệ với mọi người nên thường làm mọi việc thay cho chồng. Được an nhàn, không phải suy nghĩ lâu thành quen, các đức lang quân dần dần phó mặc tất cả cho vợ, dần dần hình thành tính vô tâm, trẻ con.
Theo các chuyên gia tâm lý, sự vô tâm của “đứa trẻ lớn trong nhà” một phần là do bản tính. Nhưng có những trường hợp, đàn ông vô tâm cũng chỉ tại đàn bà đã chăm họ quá chu toàn và khiến họ chẳng phải lo lắng bất cứ thứ gì nữa. Để chữa trị căn bệnh vô tâm này, các chị em cần chia sẻ công việc, giao trách nhiệm cho chồng, đó là một trong những cách tốt nhất để kéo chồng cùng chung vai với mình lo cho gia đình. Trong trường hợp tình hình vẫn không khả quan, người vợ nên khéo léo “lạt mềm buộc chặt”, kèm theo cả sự cứng rắng để nói chuyện thẳng thắn với chồng, hoặc có thể nhờ đến sự tác động của bạn bè và gia đình.