Cuộc sống bận rộn với quá nhiều lo toan khiến chúng ta không còn đủ tỉnh táo cũng như sự nhạy cảm để cảm nhận thấy những vết nứt nho nhỏ trong đời sống hôn nhân. Chỉ khi những vết nứt ấy lớn dần, lớn dần rồi vỡ tung ra thì lúc ấy chúng ta mới hét lên “Tại sao mọi chuyện lại ra nông nỗi này?” và lao vào đổ lỗi cho nhau. Tại sao chúng ta không "vạch trần" trước những nguyên nhân tiềm ẩn này để phòng tránh nhỉ?
Bạn có biết rằng chỉ cần một vấn đề hết sức đơn giản như không trò chuyện với nhau thường xuyên cũng khiến hạnh phúc gia đình của bạn dễ bị rạn nứt? Và ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác mà chúng ta không thể ngờ tới.
Công việc bận rộn
Để rơi vào tình trạng bận bịu suốt ngày với công việc là một điều chẳng khó khăn gì, nhưng làm thế nào để thoát ra khỏi “mê cung công việc” đó mới là vấn đề nan giải. Nếu bạn là mẫu người chỉ biết đến công việc, làm việc cật lực 24/24, và có rất ít thời gian dành cho vợ/ chồng thì bạn hãy cẩn thận, hôn nhân của bạn sớm muộn gì cũng đứng trên bờ vực đổ vỡ mà thôi. Do đó, mỗi người cần phải biết cách cân bằng thời gian giữa công việc bên ngoài và cuộc sống gia đình (cả nam giới và phụ nữ). Chỉ cần một chút thời gian bên cạnh người bạn đời cũng đáng giá bằng cả một ngày làm việc của bạn đấy.
Cái tôi quá lớn
Cuộc sống hôn nhân của hai bạn có thường xuyên xuất hiện những xung đột theo kiểu ai cũng đề cao cái tôi của mình và cho mình là đúng không? Nếu có thì các bạn hãy coi chừng bởi ngày nay rất nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ là do xung đột bản ngã. Khi đã kết hôn, bạn phải nhận thức được một điều rằng, cuộc sống của bạn bắt đầu thay đổi, bạn bắt đầu chung sống với một người khác có nghĩa là phải hạn chế bớt cái tôi cá nhân để chung sống hòa thuận. Không phải lúc nào bạn cũng đúng, còn người khác thì luôn luôn sai.
Vấn đề tài chính
Tiền bạc cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hôn nhân đổ vỡ bởi nó là một vấn đề khá nhạy cảm, cần có sự đồng thuận giữa hai người với nhau. Vấn đề không nằm ở chỗ ai là người kiếm nhiều tiền hơn mà là phải biết cách chi tiêu thế nào cho hợp lý. Điều quan trọng là hai bạn phải nói chuyện thẳng thắn với nhau về tình hình tài chính cũng như kế hoạch chi tiêu của mình cho đối tác hiểu để tránh những hiểu lầm đáng tiếc.
Xung đột với bố mẹ chồng
Mối quan hệ giữa bố mẹ chồng với nàng dâu (nhất là mẹ chồng-nàng dâu) thường không được êm đẹp, thuận hòa như chúng ta mong ước. Những xích mích nhỏ dần dần sẽ phát triển thành những mâu thuẫn lớn, và rồi bùng phát lúc nào không hay. Đôi khi chỉ những hiểu lầm rất nhỏ cũng có thể làm lung lay hạnh phúc gia đình của bạn. Và trong những lúc này, sự tin tưởng từ chồng bạn là điều rất cần thiết, do đó bạn cần phải gây dựng được niềm tin với chồng ngay từ ban đầu.
Thiếu giao tiếp
Vợ chồng thiếu sự giao tiếp, trao đổi, tâm sự là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến hôn nhân gia đình tan vỡ. Đừng cho rằng, mỗi khi vợ chồng cãi cọ, chỉ cần bạn im lặng, chịu đựng là mọi chuyện sẽ êm xuôi, cũng có những lúc bạn cần phải lên tiếng bởi chỉ khi chuyện trò hai người mới thật sự hiểu nhau.
Không trung thực
Trong mọi mối quan hệ (tình bạn, tình yêu, cha mẹ-cái, anh chị em..), sự trung thực luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu và hôn nhân cũng không phải ngoại lệ. Nếu bạn đang cố gắng che giấu người bạn đời của mình một điều gì đó mà không có lí do chính đáng, có nghĩa là bạn đang không trung thực. Bạn cần phải hiểu rõ một điều rằng, hôn nhân muốn tồn tại vững bền phải dựa trên hai nguyên tắc - thật thà và không lừa dối.
Đời sống tình dục trục trặc
Tình dục không hòa hợp là nguyên nhân chia rẽ của rất nhiều cặp đôi. Quá nhiều mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống cũng khiến bạn không hứng thú với đời sống chăn gối (nhất là nữ giới), vì thế bạn cần đi gặp chuyên gia tâm lý ngay lập tức khi thấy đời sống tình dục của hai người bắt đầu có dấu hiệu nhạt nhẽo.
Hay đổ lỗi cho người khác
Những cuộc cãi vã, khẩu chiến là không thể tránh khỏi trong cuộc sống vợ chồng, nhưng một nguyên tắc quan trọng để duy trì hôn nhân bền vững là nên tranh luận trên tinh thần xây dựng. Thay vì đổ lỗi cho nhau, hai người hãy cùng nhau phân tích, giải quyết vấn đề, và đặc biệt phải biết nhận lỗi về mình. Làm tổn thương lòng tự trọng của đối phương sẽ khiến hai người dễ chia cắt hơn.
Không coi chồng/ vợ như một người bạn
Có lẽ không cần phải giải thích nhiều thì tất cả chúng ta cũng đều hiểu vì sao chồng / vợ lại được gọi bằng một cụm từ khá trìu mến “người bạn đời”. Niềm tin của bạn dành cho người bạn đời của mình, cũng như lòng tin của hai người với nhau sẽ đưa cuộc hôn nhân của hai bạn lên một “cấp độ” hoàn toàn mới. Hãy đối xử với nhau như những người bạn thực sự, khi đó bản thân bạn sẽ tự tìm ra câu trả lời cho mình.