Hoang đường nhạc nâng ngực
“Không cần phẫu thuật, không để lại sẹo, không cần đến miếng độn và lại cực kỳ kinh tế. Chỉ cần nghe 20 lần mỗi ngày và nghe trong 10 ngày liên tục, vòng 1 của bạn sẽ tăng thêm 2 cm”… Chỉ cần gõ từ khóa "nhạc nâng ngực" trên thanh công cụ tìm kiếm, có thể thấy hàng trăm trang web Việt với quảng cáo như thế này về thứ nhạc có tác dụng diệu kỳ.
Không những thế, những trang web này còn cho hay, ngoài tác dụng nâng ngực, thứ nhạc này còn giúp cho người nghe phấn chấn, tinh thần sảng khoái, thư giãn.
Những dòng quảng cáo "có cánh" này đã khiến hàng trăm bạn gái, nhất là những người không tự tin lắm vào vòng 1 như "mở cờ trong bụng". Rất nhiều người sau đó đã bỏ tiền, soạn tin nhắn, gửi đến tổng đài trên quảng cáo để tải về một đoạn nhạc nâng ngực với mong muốn đẹp hơn, quyến rũ hơn, tự tin hơn.
Tuy nhiên, ngay sau đó, rất nhiều bạn trẻ đã tá hỏa khi tác dụng thực sự không thấy đâu, chỉ thấy đau đầu, ám ảnh với thứ âm thanh như radio bị rè kia.
"Mình đã nghe 10 ngày liền nhưng không hề có tác dụng như quảng cáo. Không những vừa mất tiền lại vừa bị ám ảnh và hơn hết là cảm giác bực dọc vì bị lừa", một nữ sinh tại Hà Nội bức xúc cho hay.
Theo lời nữ sinh này, những đoạn nhạc có độ dài khoảng 20 giây cho đến hơn 2 phút với chi phí từ 5000 đồng - 15000 đồng mà thực chất chỉ như một mớ âm thanh hỗn độn.
Sau khi nghe qua đoạn nhạc, nhạc sĩ Xuân Nghĩa cho biết: “Về lý thuyết, đoạn âm thanh này không được gọi là nhạc, vì nó không có sự thay đổi cao độ theo thời gian. Nói đúng hơn, nó chỉ là một phần hiệu ứng của nhạc. Chuyện nghe nhạc để làm ngực to là chuyện khá hoang tưởng. Vì âm thanh chỉ có tác dụng với trí não, làm cho người nghe hưng phấn, hay mệt mỏi. Chứ nó không có tác dụng đến cơ. Trên thế giới, người ta dùng nhạc giao hưởng để kích thích trí não trẻ em, và để chữa bệnh cho các bệnh nhân tâm thần”.
Idosing - thứ nhạc gây nghiện
Kể từ khi hình ảnh những teen nước ngoài "quằn quại trong cơn phê" với thứ nhạc I-dosing hay còn được gọi là "ma túy kỹ thuật số", nhiều teen Việt cũng sốt sình sịch tìm những bản nhạc này để thử độ... phê.
Theo những lời đồn đại, thứ nhạc này có thể khiến người nghe có cảm giác như tách biệt với thế giới bên ngoài với cảm giác bay bổng, lâng lâng khó tả, hệt như người dùng ma túy. Những lời đồn đại này nhanh chóng tạo nên một trào lưu, một cơn sốt hiếu kỳ trong giới trẻ Việt. Những comment sôi nổi nhiệt tình trên hàng loạt các diễn đàn đã khiến I-dosing lan nhanh như một cơn gió lạ. Nhiều teen còn mày mò lên mạng tìm tòi các đoạn nhạc “ma quái” chính gốc để tìm kiếm trọn vẹn những cảm giác lạ mà I-dosing mang lại.
Nhiều bạn trẻ sau khi "tập tành" chơi thử ma túy ảo này có người tỏ ra rất hào hứng và thích thú nhưng phần lớn số còn lại tỏ ra sợ hãi. "Thật kinh khủng! Mình mới nghe được một đoạn chưa thấy "phê" đâu, chỉ thấy choáng váng đầu óc và muốn ói mửa. Cả ngày hôm đấy đầu cứ ong ong chả làm được gì. Thề không bao giờ thử lần thứ hai nữa", một nickname bày tỏ trên diễn đàn.
Đánh giá về thứ nhạc gây ảo giác này, Thạc sỹ âm nhạc Nguyễn Tố Mai, Trưởng khoa Sư phạm âm nhạc, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương cho rằng, "loạn" tiết tấu còn có thể ảnh hưởng đến tim, não, phổi... của người nghe. Thậm chí, nghe nhạc không đúng cách như để âm lượng quá to, chói và rít có thể gây tử vong vì vỏ não ở trạng thái quá kích thích.
"Trước đây, thể loại âm nhạc được gọi là "Rock kim loại", Rock đầu độc... đã khiến cho không ít bạn trẻ bị ngất, không làm chủ được bản thân, thậm chí cởi bỏ quần áo và gào thét điên loạn. Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể về tác hại của I-dosing, nhưng tôi cho rằng, thứ âm nhạc gây kích thích, cảm giác "phê" hay nghiện đều không tốt cho cả yếu tố sinh lý lẫn tinh thần con người", Thạc sỹ Mai nói.
Trào lưu chụp ảnh... quái đản
2011 có thể được coi là năm bùng nổ của các trào lưu chụp ảnh lạ, thậm chí còn được cho là... quái đản.
Từ những trào lưu khá "hiền" như chụp ảnh bay, đến những bức ảnh táo bạo như planking (ảnh nằm sấp), dính mặt lên trần nhà hay những trào lưu kỳ dị như ảnh đầu lìa khỏi khác, ảnh giấu mặt cho đến những bức ảnh "mất vệ sinh" như ảnh cắm đầu vào bồn cầu... đều thu hút đông đảo giới trẻ trên toàn thế giới hưởng ứng.
Những trào lưu này cũng lan về Việt Nam và không ít bạn trẻ cũng hào hứng thực hiện theo. Không những thế, một cô gái được xem là mở màn cho trào lưu planking ở Việt Nam còn viết cả một bài blog với những hướng dẫn cụ thể cách chụp ảnh kỳ dị này với một loạt ảnh minh họa.
Một số bạn trẻ coi đây là một hành động điên khùng, vô bổ nhưng số khác lại đánh giá là cách giải trí độc đáo, lành mạnh và phương pháp xả stress hữu hiệu.
Thực chất tác dụng của những trào lưu này đến đâu chưa ai có thể đánh giá, tuy nhiên, hậu quả nhãn tiền là không ít bạn trẻ đã phải trả giá bằng cả tính mạng cho thú vui của mình. Cụ thể, ngày 15/5, Acton Beale (20 tuổi) tử vong trong khi đang ở trong tư thế nằm sấp. Cô bị ngã từ trên một tòa nhà 7 tầng ở Queensland. Ngày 16/5, một chàng trai người Australia cũng bị thiệt mạng do chụp ảnh nằm sấp. Vài ngày sau đó, một thanh niên khác cũng bị thương nặng do nằm sấp trên mui xe ô tô. Anh này bị ngã từ trên ô tô xuống.