Chị Dịu và anh Thái có 3 đứa con, chỉ có thằng Bình là con trai cũng là đứa con út. Anh Thái sau một lần bị tai nạn khi làm phụ hồ cho người ta thì đã không còn nhiều sức khỏe nữa, anh chỉ làm được những việc nhẹ còn việc nặng trong nhà đến tay người vợ hết. Từ khi chồng mất sức lao động thì chị đã đi làm phụ hồ thay chồng còn để anh ở nhà chăm lo mảnh vườn và cơm nước cho mấy đứa con.
Gia đình nghèo nhưng được cái mấy đứa con của chị đều ngoan ngoãn, thông minh học giỏi. Nhất là đứa con út, tuy nhỏ nhưng thằng bé rất có hiếu và thông minh vô cùng.
Dạo thằng bé mới 5 tuổi, chị đi học mẹ đi làm chỉ có hai bố con ở nhà. Khi ấy anh Thái vẫn còn phải ở nhà nghỉ dưỡng sau tai nạn. Anh mò mẫm ra ngoài đi vệ sinh chẳng may trượt chân ngoài sân giếng, nằm bất động luôn. Thằng bé Bình đang chơi nhìn thấy bố nằm sõng soài ở đó, lay bố không dậy liền chạy sang gọi bác hàng xóm. May mắn anh Thái được hàng xóm phát hiện kịp và đưa đi cấp cứu không thì cũng không qua khỏi. Ai cũng bảo nhờ có thằng bé thông minh, bố nó mới được cứu.
Ai cũng bảo nhờ có thằng bé thông minh, bố nó mới được cứu. (Ảnh minh họa)
Cuộc sống gia đình tuy khó khăn nhưng lúc nào cũng rộn tiếng cười. Mấy đứa con anh chị yêu thương nhau lắm, chẳng bao giờ tranh giành hay ghen tị gì nhau cả. Nhiều lần tới kì đóng tiền học của con rồi mà trong nhà vẫn chưa có xu nào, anh Thái chỉ còn biết thở dài lo lắng nhưng chị Dịu động viên chồng.
“Mai em sẽ xin chủ ứng lương trước, tháng này em toàn làm tới 9 giờ tối nên chắc công cũng được nhiều hơn trước. Vợ chồng mình khổ, thất học từ bé nhưng sẽ không bao giờ để các con thất học anh ạ. Được học thì sau chúng mới thành người được”. Anh Thái chỉ còn biết ôm chặt vợ vào lòng, anh giờ sức đã cạn chỉ còn biết trông cậy vào vợ mà thôi. Vợ chồng bữa cháo, bữa rau nhưng chưa khi nào chị Dịu cho phép các con được nghỉ học, dù chỉ một ngày.
Nhưng rồi đùng một cái năm thằng Bình 7 tuổi thì gia đình chị xảy ra chuyện đau lòng. Trên đường đi học về, thằng bé đã bị một chiếc xe máy tông phải. Nhìn con người quấn toàn băng trắng trong viện, chị đau mà không khóc nổi. Cứ ngỡ thằng bé không qua khỏi nhưng may mắn sau khi hôn mê 3 ngày con có dấu hiệu tỉnh lại.
Mấy ngày hôm sau thì bác sĩ gặp riêng chị và nói rằng, con chị vẫn còn khả năng được cứu sống nếu thực hiện ca phẫu thuật này. Tuy nhiên làm phẫu thuật là rất tốn kém, với lại phẫu thuật thành công thì thằng bé cũng chỉ sống đời thực vật suốt đời chứ không thể nào trở về như một người bình thường được. Gia đình có quyền quyết định.
Họ hàng làng xóm ai cũng bảo còn nước, còn tát phải cứu lấy thằng bé ấy. Nó vừa là đứa con trai duy nhất của anh chị là là đứa thông minh và có hiếu như thế. Lúc đó chị và chồng cũng nghĩ sẽ cứu con mình, dù sao con còn sống nó có nằm bất động trên giường suốt đời thì anh chị cũng cam lòng. Miễn là mỗi ngày được nhìn thấy đứa con bé bỏng của mình. Anh chị đã tính cầm cố căn nhà để vay tiền ngân hàng làm phẫu thuật cho con.
Thế nhưng không hiểu sao lẽ ra cái ngày thằng bé được phẫu thuật thì người ta lại thấy chị Dịu thuê xe đưa con về nhà. 2 hôm sau thì thằng bé trút hơi thở cuối cùng, khiến người người xót thương. Chị Dịu nén nước mắt, thay quần áo băng bó cho con trước khi nhập quan.
Hàng xóm nhà chị khi ấy phẫn nộ lắm. Người ta biết anh Thái phải nghe lời vợ nên không quyết được gì nên chê trách rồi chửi mắng chị Dịu không ngớt lời. Đám tang bé ai cũng thương thằng nhỏ, người ta ra mộ thắp cho nó rất nhiều hương nhưng kiên quyết không viếng một đồng nào vì họ nghĩ viếng thì chị cũng lấy tiền đó tiêu hết. Họ không muốn để nhà chị ngồi không mà hưởng, trong khi đứa trẻ đáng thương thì mãi mãi phải rời xa cõi đời.
Chị Dịu nén nước mắt, thay quần áo băng bó cho con trước khi nhập quan. (Ảnh minh họa)
Đám tang con hôm trước hôm sau chị Dịu đi làm luôn, ai cũng bảo chị là người mẹ không có lương tâm, thậm chí có người nói: “Chó cắn mất lương tâm của nó rồi”, “Cái loại mẹ nhẫn tâm, thấy con chết mà không cứu, rồi sau này kiểu gì nó cũng bị quả báo”. Kể từ hôm đó gia đình chị phải sống trong sự ghẻ lạnh của họ hàng làng xóm. Thậm chí chuyện ấy còn làm xôn xao cả cái làng ấy suôt 1 năm trời, người ta tụ tập chỗ nào cũng đem chuyện bà mẹ nhẫn tâm ra để bàn tán và chửi bới.
Chị Dịu biết vậy nhưng cũng không để tâm. Hàng ngày chị vẫn đi làm phụ hồ nuôi 2 đứa con gái còn lại ăn học, chúng vẫn chưa phải nghỉ học một ngày nào. Anh Thái vẫn chỉ quẩn quanh trong nhà với mảnh vườn trồng củ sắn củ khoai nuôi con lợn. Mỗi khi trái gió trở trời người anh lại ê ẩm không làm được gì. Nhìn lên bàn thờ đứa con trai chỉ còn biết khóc, giá mà anh có tiền thì con anh đâu thế này.
Thời gian qua đi, mọi người cũng không còn nhắc nhiều tới chuyện nhà chị Dịu nữa. 2 con gái của chị thông minh học giỏi, đều đỗ đại học. Sau 15 năm đứa con gái lớn đã ra trường và có việc ổn định ở thành phố, đứa thứ 2 đang học năm cuối nhưng chắc chắn ra trường sẽ được giữ lại làm giảng viên. Chị Dịu vẫn đi làm phụ hồ, dù con gái bảo mẹ chuyển việc khác cho nhàn và đỡ nguy hiểm hơn nhưng chị nhất định không chịu. Chị muốn đi làm còn lo cho chồng chứ con gái sau nó còn phận chồng con.
Do làm nặng nhiều năm, nên vừa rồi chị Dịu phải nhập viện vì lao lực. Ở viện mấy ngày chị xin về vì không muốn các con lo lắng cho mình. Chị về làng xóm lại được phen dị nghị: “Quả báo đây mà, nó giết con nó thì giờ nó phải hứng chịu thôi”. Hôm ấy cũng là ngày giỗ của thằng Bình, chị bảo con cái sửa soạn mâm cơm cúng em rồi chiều đưa mẹ ra mộ em.
Trước nấm mộ của con trẻ ngây thơ chị khóc: “Mẹ xin lỗi. Chắc chắn lúc đó nếu con nói được con cũng sẽ bảo mẹ là đừng cứu con. Nhìn con nhà người ta bay nhảy mà con mẹ phải sống đời thực vật thì mẹ cũng mang một cái tội lớn, mẹ không cứu con mẹ cũng mang tội lớn. Nhưng không cứu con, mẹ lại cơ hội cứu được hai chị của con.
Nhà mình nghèo quá, nếu vay tiền chữa bệnh cho con thì bao giờ bố mẹ mới trả được, còn các chị của con phải nghỉ học. Đời các chị con sau này sẽ ra sao? Con mẹ đứa nào cũng thông minh, học giỏi mẹ không thể bắt các phải sống trong ngu dốt và cực khổ như bố mẹ được. Mẹ chấp nhận hi sinh con để hai chị con có được ngày hôm nay. Mẹ hứa, gặp lại con ở thế giới bên kia sẽ không bao giờ mẹ rời xa con nữa đâu”.
Vài người làng đi ngang qua, nghe thấy những lời chị Dịu khóc bên mộ con mà không cầm được nước mắt. Lời của người mẹ ấy khiến ta phải suy nghĩ rất nhiều. Mẹ nào không thương con, và thử hỏi nếu đứng trước sự lựa chọn của người phụ nữ nghèo ấy, mấy ai dám hành động giống như chị?