Tết đến, không riêng gì những cô dâu thành phố mới sợ về quê chồng, với nhiều cô gái quê lấy chồng thành thị cũng sợ Tết không kém.
Hải Châu, 26 tuổi quê ở Hà Tĩnh làm dâu trong một gia đình quan chức ở Hà Nội được 3 năm nay. Chồng cô là con trai trưởng nên khi cưới nhau xong, vợ chồng cô lại sống chung cùng bố mẹ chồng. Hầu hết mọi chuyện trong nhà đều đến tay cô và vào ngày Tết, cô lại phải gánh vác tất thảy công việc trong nhà, thay mẹ chồng chuẩn bị Tết cho gia đình.
Cũng vì thế mà hơn 3 năm lấy chồng thành phố, Hải Châu chưa một lần về quê ăn Tết. Cuối năm thấy cảnh người người, nhà nhà bồng bế nhau về quê sum họp gia đình, cô không khỏi chạnh lòng.
Khi chưa lấy chồng, hết công việc trên thành phố, cô trở về quê ăn Tết với gia đình, mọi chuyện sắm Tết chẳng bao giờ phải bận tâm, đa phần là bố mẹ lo toan. Cô chỉ mua chút quà hay cành mai, cành đào chưng Tết cho có không khí. Thế nhưng, khi lấy anh chồng thủ đô, cuộc sống của cô như bị đảo lộn. Bỗng chốc cô được nhận vai chính của nàng dâu đảm đang trong bộ phim đời gái về nhà chồng của chính mình.
Hải Châu vẫn nhớ năm đầu tiên làm dâu mọi thứ bỡ ngỡ, chưa hiểu rõ thông lệ đón Tết của gia đình chồng, cô bị mẹ chồng quở trách vì không nhanh nhẹn, tháo vát.
Nghe cô kể, gia đình chồng vốn là gia đình có gốc gác Hà Nội xưa, Tết với mọi người rất quan trọng. Tất tần tật mọi thứ đòi hỏi phải chu toàn ngay từ ban đầu. Năm nào cũng như năm nào, cứ đến khoảng rằm tháng Chạp đổ đi, không khí chuẩn bị Tết đã phải rất vội vã...
Ngoại trừ những người đàn ông trong gia đình bận rộn với việc cơ quan, những người phụ nữ phải lo công việc đi chùa lễ tạ cuối năm và làm đồ Tết. Chỉ nghĩ tới việc sắm đồ lễ ở các chùa đã thấy ngồn ngộn cả đống việc. Chưa kể, nhà chồng thích làm những đồ ăn truyền thống để mời khách dịp Tết nên ngoài thời gian đi chùa, nàng dâu như cô còn phải lo phụ mẹ chồng làm mứt Tết, giò Tết đủ loại.
Bố chồng là lãnh đạo cấp cao của cơ quan nhà nước, cuối năm phải tổ chức tiệc tất niên chiêu đãi khách quý và đối tác. Vì thế, từ ngày 23 Tết – ngày ông công ông táo lên trời cũng là bắt đầu chuỗi ngày chạy Tết của nàng dâu trưởng. Thời gian này, cô trở nên tất bật hơn khi đảm nhận việc nội trợ cho những bữa tiệc diễn ra triền miên, không ngưng nghỉ. Năm nào, người giúp việc cũng phải về quê ăn Tết sớm nên cô phải cắt phép cơ quan vài ngày để ở nhà phụ mẹ chồng làm giò, gói bánh chưng.
Hai năm qua, cô cố gắng thể hiện là người con dâu ngoan, đảm đang với vai trò nội trợ nhưng cuối năm cô xin nghỉ nhiều nên cơ quan cắt luôn cả thưởng Tết. Đổi lại, cô cảm thấy may mắn vì hoàn thành tốt công việc nhà, bố mẹ chồng lại yêu quý. Sau Tết, ông bà không quên thưởng cho vợ chồng cô chuyến du lịch dài ngày ở nước ngoài.
Nói về chuyện về quê ăn Tết với gia đình nhà ngoại, Hải Châu chỉ cười trừ: “Về ăn Tết với bố mẹ đẻ là điều xa vời lắm, năm làm dâu đầu tiên có hai vợ chồng son còn không được về huống chi bây giờ đeo bòng thêm con nhỏ?”. Tết đến, nhìn thấy bạn bè về quê ăn Tết với gia đình, cô cũng buồn và nhớ quê hương lắm. Rồi những ngày Tết, phải lủi thủi ở nhà một mình với tivi, máy tính để trực đón khách trong khi mọi người dẫn nhau đi chơi xuân, cô lại thấy tủi thân, thương chính bản thân mình. Đôi lúc nhớ nhà, nhớ cha mẹ đẻ cũng đành nuốt nước mắt vào trong. Chấp nhận với phận làm dâu, cô đành hy sinh cả những mong muốn nhỏ nhoi của mình.
Hoàn thảnh vai trò của người con dâu đảm, được gia đình nhà chồng yêu mến, suy cho cùng Tết với dâu thành phố như Hải Châu cũng chẳng sung sướng gì. Cứ nghĩ đến Tết với cả núi công việc, Hải Châu lắc đầu ngao ngán. Dù thích nghi với cách sống của nhà chồng nhưng đôi khi cô vẫn cảm thấy áp lực ghê gớm... bởi lẽ, đang là người tự do, sống cuộc sống thoải mái, bất đắc dĩ, cô bị bó hẹp trong môi trường gia đình cứng nhắc, cổ hủ.
Không chỉ riêng Hải Châu, hiện nay trên các diễn đàn, nhiều nàng dâu phố cũng than phiền không kém. Mọi người đều cho rằng, ý nghĩ ăn Tết phố đơn giản nhưng thực sự chẳng hề đơn giản.