Từ ngày phát hiện ra thói quen ấy của anh Chính, chị Hường cảm thấy tình cảm mình dành cho chồng giảm đi mất mấy phần. Hồi đầu anh còn lựa, lúc có chị thì thi thoảng mới khậm khoạc thôi, nhưng sau cứ ngứa mũi ngứa cổ là "tự sướng", chả e dè gì nữa.
Chị tâm sự, bây giờ ra đường hay đi đâu với ông xã, chị thường xuyên bị xấu hổ đến tím tái cả mặt mũi. Chẳng cần biết là đang đi đường hay đang trong bữa tiệc, anh Chính cứ hồn nhiên như không. Chỉ cần nghiêng cái đầu sang một bên, hắng giọng khạc khạc một tý là thoắt cái bãi nước miếng đã được nhổ toẹt xuống đất.
Ở trong các cuộc gặp, chị biết nhiều người khó chịu lắm nhưng nể nhau mà không nói. Còn ngoài đường thì thôi rồi, chị không đếm xuể là đã bao nhiêu lần phải nhận những ánh mắt khó chịu, những lời chửi đổng sau lưng, thậm chí có vài lần còn bị người ta đuổi theo đòi đánh… vì anh nhổ văng vào xe, vào người người ta. Ấy thế mà, anh chẳng rút kinh nghiệm.
Đi ra đường, đi ngoại giao còn vậy nên ở nhà thì anh chẳng kiêng kỵ gì nữa. Hàng xóm toàn gọi trêu là ông “khạc nhổ” vì lắm khi chưa thấy người đã nghe thấy thứ âm thanh quen thuộc của anh. Những tiếng khạc thật lớn òng ọc trong họng để đẩy cục đờm và đẩy nước miếng trong miệng ra.
Ở trong nhà thì chỗ nào cũng là ống nhổ.
Anh chẳng bao giờ dọn nhà nên cũng không biết, thứ sản phẩm khạc nhổ bẩn thỉu của anh dính nhầy nhầy, quét cũng khó, lau cũng khó luôn khiến chị vô cùng khó chịu.
Lắm lúc chị nghĩ, là chồng thì đành chịu chứ nếu là thằng bé con chắc chị đã vả cho vào mồm không biết bao nhiêu lần.
Chị chỉ ước anh bị phạt vì hành động thiếu văn hóa đó.
Ấy thế mà đợt này, anh Chính bỗng đỡ hẳn vụ khạc nhổ này. Căn cơ là do cậu con trai lớn nhà chị tham gia lớp học kỹ năng, được giao bài tập về nhà “Chuẩn bị bài thuyết minh về một thói xấu nơi công cộng của người Việt Nam” đã chọn đề tài “nhổ nước miếng bừa bãi”.
Con chị đã có một bài luận rất hùng hồn (có thể vì có “trực quan sinh động” ngay trong nhà) và kết thúc bằng ý kiến nhận xét: “nhổ nước miếng bừa bãi là hành vi tệ hại, dơ bẩn, mất vệ sinh, thể hiện ý thức của con người có văn hóa cộng đồng kém. Đây là hành động chỉ xuất hiện nhiều ở một nơi người dân không được giáo dục bài bản về sự lịch sự, đạo đức và văn minh công cộng”.
Chị đã giả vờ vô tình để quên bài luận của con trên bàn khách. Và hiệu quả đã có ngay tức thì.
Tất nhiên, chị biết, ra ngoài đường, thì anh Chính chắc vẫn còn 99% thói “mất lịch sự” ấy thôi, nhưng tiến bộ từ trong nhà đã là rất tốt rồi.
Chị nhận ra một chân lý rằng: chẳng mấy ông nghe lời vợ khi vợ yêu cầu chấm dứt các tật xấu (có lẽ do sĩ diện đàn ông chăng?) nhưng các ý kiến, mong mỏi của con cái thì có tác dụng thật không ngờ.