Hôm nay đọc bài “Phụ nữ Việt thua xa phụ nữ Tây về mọi khoản” của anh Trần Quang Huy mà tôi không khỏi bực mình và chạnh lòng. Khách quan mà nói, có một số điều anh nhận xét về phụ nữ Việt khá đúng. Và chị em phụ nữ Việt chúng tôi cũng nên nhìn vào những điểm tích cực này của phụ nữ Tây để hoàn thiện bản thân hơn nữa.
Song riêng về cái điểm anh nói phụ nữ Tây đảm đang, khéo léo hơn phụ nữ Việt, coi trọng gia đình hơn phụ nữ Việt và đặc biệt biết sống vì bản thân mình hơn phụ nữ Việt thì tôi nghe tức anh ách.
Tôi cũng là người đã từng sống hơn 4 năm tại Pháp. Tuy quãng thời gian ở bên nước bạn chỉ vẻn vẹn chừng ấy nhưng có một số điều, tôi thấy mình thật sự kém nhiều so với những phụ nữ Tây.
Chẳng hạn như, tôi thấy phụ nữ Việt thường không nghĩ nhiều đến bản thân, không chăm lo cho bản thân mình. Nhưng ở bên nước ngoài, phụ nữ lại rất chú ý đến điều này. Dù công việc, con cái bận rộn song họ vẫn thu xếp thời gian đi spa làm đẹp và vui với những thú vui riêng mình muốn. Bởi thế nên, phụ nữ Tây luôn ăn uống khoa học và chừng mực, luôn hoạt động thể dục thể thao, có thời gian nghỉ ngơi nên vóc dáng của họ khá khỏe mạnh, gọn gàng, tràn đầy sức sống. Đây phải nói là điều phụ nữ Việt chưa làm được.
Song nói đi cũng phải nói lại, không biết các chị em khác nghĩ sao nhưng tôi thấy, phụ nữ Tây họ quá yêu thương chính mình, chỉ chăm sóc bản thân mình trước nên điều này khiến họ trở thành một con người ích kỷ.
Có thể nói thẳng ra, phụ nữ Tây chỉ biết sống ích kỷ cho bản thân mà không hề có khái niệm quan tâm đến người thân trong gia đình (bố mẹ 2 bên, người bạn đời, con cái họ). Thế nên hạnh phúc của một gia đình Tây khá lỏng lẻo và nhiều nguy cơ tan vỡ là vì thế. Mà điều này, tôi nghĩ phụ nữ Việt không nên học tập phụ nữ Tây.
Vì cách sống vị kỷ, chỉ lo thỏa mãn các thú vui riêng, yêu bản thân mình nhất nên phụ nữ Tây rất ít quan tâm chia sẻ với người bạn đời. Là vợ chồng nhưng họ có thể không biết trong tài khoản của chồng mình có bao tiền, càng không biết số tiền riêng ấy chồng làm những việc gì, hoặc càng không được phép xâm phạm tới không gian riêng, thú vui riêng của chồng. Vì thế, tình cảm vợ chồng lỏng lẻo, không bền chặt. Bản thân họ là vợ mà cũng không biết họ có thể bị mất chồng bất cứ lúc nào.
Phụ nữ Tây sinh con ra nhưng lại không bao giờ chăm sóc các con mình chu đáo nên con dễ phát triển lệch lạc. Chẳng thế mà ở bên Tây có những trường nuôi dạy trẻ em từ nhỏ đến năm 18 tuổi mới về với cha mẹ. Theo tôi tìm hiểu thì nó gần như là trường học bán trú giống như ở Việt Nam vậy. Ở đây cha mẹ có thể thẳng tay giao luôn con cái cho nhà trường. Và chỉ những dịp nghỉ lễ, Tết, họ mới đón con về nhà.
Cũng chính vì cách sống này mà ở Tây, hầu hết các cha mẹ già thường vào viện dưỡng lão mà lại không thích ở cùng nhà với con cái. Tình cảm gia đình, tình cảm bố mẹ với các con và ngược lại rất xa cách, hời hợt. Họ không gắn bó khăng khít như tình ruột thịt máu mủ, tình vợ chồng như ở Việt Nam.
Chưa hết, phụ nữ Việt còn có đức hy sinh hết lòng chăm lo cho các con mà không một phụ nữ Tây nào theo được. Và tôi nghĩ, truyền thống này ở phụ nữ Việt vẫn nên phát huy.
Phụ nữ Việt có thể hy sinh, có thể làm mọi việc vì chồng vì con cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay. Lúc nào họ cũng chăm lo cho người thân hết lòng có khi quên cả bản thân hoặc không có thời gian trau chuốt cho bản thân. Chẳng hạn như khi định mua cái váy này, đôi giày kia, họ lại nghĩ phải mất một khoản tiền triệu – số tiền này mà theo họ cân đo đong đếm sẽ mua được cái này cái nọ cho con.
Sự hy sinh quý giá ấy, chẳng có gì đáng lên án cả. Dù những lúc mệt mỏi, họ vẫn kêu ca, lải nhải vài lời nặng nhẹ cũng có sao. Ít ra, họ không ích kỷ và đảm đang hơn nhiều lần phụ nữ Tây chứ.
Tóm lại 100 phụ nữ Tây thì 100 người chỉ biết sống vì mình. Cách sống, cách nghĩ ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân của phụ nữ Tây tôi thấy phụ nữ Việt chẳng nên học tập. Bởi vì chẳng riêng gì phụ nữ mà cả đàn ông ích kỷ, vì mình mà sống thì vô tình kẻ ấy đã chết đối với người khác mà thôi. Sống ích kỷ như vậy sẽ chẳng được ai yêu mến quý trọng. Nói một cách đơn giản hơn thì sống ích kỷ vì mình không phải đang sống mà đơn giản chỉ là tồn tại. Cuộc sống chỉ thực sự “sống” khi được sống trong tình thương yêu của người thân.