Phương (Cát Linh, Hà Nội) năm nay đã 31 tuổi - cái tuổi người ta vẫn gọi là "gái ế" và càng ngày càng khó tìm đối tượng. Đã có vài mối tình đến với cô nhưng rồi đều ra đi không lưu luyến.
Hỏi ra mới biết, lí do mà các anh chàng cứ lần lượt rời bỏ cô mà đi là vì cô chỉ muốn yêu thôi chứ không chịu kết hôn với họ. Họ đợi mãi, lâu dần sinh chán nản, phải đi tìm đối tượng khác.
Gia đình bao phen giục giã, bạn bè hớt hải hỏi thăm, Phương thì vẫn đủng đỉnh: “Cứ từ từ!”. Chả phải cô luyến tiếc tự do tuổi trẻ, được rong chơi, được làm mọi việc theo ý mình. Mà là vì cô còn đang trên đường đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Lấy chồng để làm gì?”. Chừng nào chưa tìm được câu trả lời thì cô còn loay hoay trong mù mịt và chưa muốn lấy chồng.
“Mình thấy rất nhiều người lấy chồng chỉ vì... đến tuổi rồi thì phải cưới. Quen nhau lâu quá rồi nên phải cưới, rồi thì bạn bè lấy chồng lấy vợ hết nên mình cũng phải lấy. Con gái khoảng 26 - 30 tuổi mà chưa thấy gì là đi đâu, gặp ai, làm gì cũng bị hỏi: ‘Khi nào lấy chồng?’. Chả lẽ cứ phải theo lệ ‘gái lớn gả chồng’ mới được à? Đời người còn bao nhiêu thú vui và những việc ý nghĩa, sao cứ phải lấy chồng mới là đúng? Lấy chồng để làm gì chứ mà sao ai cũng hỏi câu giống nhau như vậy?” - Phương ấm ức.
Phương nhận xét: “Quan trọng là mình thấy càng ngày vai trò người chồng trong gia đình càng ngày càng bị lu mờ. Người thì mải chơi, người thì mải công việc, người thì trăng hoa, ngoại tình, người thì vũ phu, người thì cờ bạc rượu chè...
Mà các chàng khi đi cưa vợ thì cái gì cũng tốt, nhưng lấy về rồi mới bắt đầu lột mặt nạ xuống. Lấy phải những người như vậy, không những chẳng được nhờ vả gì mà còn phải đau khổ, buồn phiền và người vợ chắc chắn lại phải cáng đáng tất cả mọi việc lớn bé trong gia đình. Vậy thì, thà không có chồng còn an nhàn hơn!”.
“Thời buổi bây giờ không như xưa nữa, phụ nữ cũng đi làm và hoàn toàn độc lập về kinh tế. Hôn nhân chỉ là sự đóng góp của cả 2 người vào mà thôi. Đa số chúng ta lại đều cho, con dâu và 2 vợ chồng phải hỗ trợ về tài chính cho gia đình chồng, chịu chung những khó khăn của nhà chồng mà không hề có chiều ngược lại. Lấy chồng không những không được hưởng hạnh phúc và quyền lợi gì mà chỉ toàn thấy trách nhiệm! Vậy thì đàn ông có còn thực sự là chỗ dựa không mà chúng ta phải cưới?”.
“Phụ nữ Việt Nam còn bị rất nhiều tư tưởng phong kiến bủa vây nên một khi về làm vợ, làm dâu sẽ phải chịu vô vàn thiệt thòi! Nên thực sự mình nghĩ cứ yêu nhau có lẽ tốt hơn. Lấy nhau có hơn gì đâu, ngoài tờ giấy đăng kí kết hôn. Nếu yêu thương và thật lòng muốn gắn bó với nhau thì đâu cần đến tờ giấy mỏng manh ấy. Yêu nhau vẫn có thể sinh con và chăm sóc, lo lắng cho nhau cơ mà …” - Phương kết thúc câu chuyện với quan điểm "chỉ yêu thôi, cần gì cưới!".
Thu (Quận 7, TP HCM) thời gian gần đây luôn trở thành đề tài bàn tán trong khu nhà cô ở, trong công ty và trong đám bạn bè của cô. Lý do duy nhất là bởi, cô đã qua sinh nhật tuổi 30 được 2 năm rồi mà chưa có ý tưởng gì về chuyện chồng con cả, vẫn hồn nhiên đi về lẻ bóng.
Bố mẹ cô thì bó tay bất lực, nhìn cô con gái ế ẩm giờ cũng chỉ biết lắc đầu, thở dài ngán ngẩm, không còn muốn nói nữa. Hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè cứ hễ nhìn thấy cô là dồn dập hỏi: “Bao giờ lấy chồng?”, “Bao giờ cho ăn cỗ thế để còn chuẩn bị phong bì?”.
Những lúc ấy, Thu chỉ cười trừ. Nhưng mãi không thấy cô "động đậy" gì, những tin đồn suy diễn lại nổi lên: “Hay nó bị làm sao, giờ les cũng không phải hiếm!”, “Hay nó mắc bệnh nan y khó nói nên không muốn lấy chồng?”, “Hay nó từng bị phụ tình, giờ như con chim sợ cành cong, chả dám yêu đương lấy chồng gì nữa?”. Thôi thì đủ mọi loại tình huống mọi người có thể tưởng tượng ra.
Nhưng lí do thật sự mọi người lại ít ai ngờ tới, đó là Thu cho lấy chồng chẳng để làm gì cả. Theo cô, thiên hạ người ta lấy chồng vì rất nhiều lí do chứ chẳng phải tất cả vì tình yêu, không thể sống thiếu nhau. Đa phần là đến tuổi lấy thì phải lấy, không thì sẽ bị những người xung quanh dè bỉu là “hàng tồn kho”, “gái ế”, “gái già”.
“Cưới chồng, phụ nữ đều hy vọng người đàn ông đó sẽ là chỗ dựa về tinh thần và tài chính cho mình và các con, là trụ cột trong gia đình. Nhưng chỗ dựa đâu chưa biết, đáp lại, chúng ta lại phải làm tốt hết vai trò làm mẹ, làm vợ, làm con dâu của chồng và nhà chồng.
Mà phụ nữ Việt từ xưa tới nay lúc nào cũng phải hô vang khẩu hiệu, nào là ‘giỏi việc nước, đảm việc nhà’, ‘thuyền theo lái, gái theo chồng’, ‘tam tòng, tứ đức’, trong khi đó chả thấy khẩu hiệu nào dành cho đàn ông cả. Vô hình chung, sinh ra là phận phụ nữ đã bị gán cho bao nhiêu đức tính, phải biết hy sinh, phải nhẫn nhịn, phải bao dung…
Thật không hiểu lấy chồng để làm gì nữa, khi mà lấy chồng tức là tự mình đeo vào mình một đống những trách nhiệm. Khi còn độc thân thì chỉ gánh bằng một vai, nhưng khi lấy chồng thì phải gánh bằng 2 vai, thậm chí 3,4 vai cũng nên!” - đáp lại những thắc mắc liên tiếp của mọi người, Thu nói.
“Đấy là còn chưa nói tới, vớ phải những ông chồng không ra gì, ông thì ngoại tình, ông thì cờ bạc, ông thì ích kỉ vô tâm… thì cái gánh nặng ấy lại sẽ tăng gấp nhiều lần nữa chứ chẳng ít. Nhưng vì cái lí do ‘là phận phụ nữ’ nên các chị em vẫn phải chịu đựng để con có bố, gia đình không tan đàn xẻ nghé và tránh tai tiếng. Một cái vòng luẩn quẩn, quanh đi quanh lại chỉ là chịu đựng và hy sinh mà thôi!
Cứ yêu nhau có lẽ tốt hơn, cần gì cưới! Rồi thích thì sinh con và làm single mom. Lúc ấy phụ nữ sẽ chỉ phải đảm nhiệm vai trò làm mẹ thôi, nhẹ gánh phần làm vợ và làm con dâu, cũng không phải lo đến trường hợp chồng đổ đốn mà tổn thương, đau khổ. Bây giờ phụ nữ đều đi làm và tự lập được rồi, sao phải lấy chồng, lấy chồng để làm gì nếu bản thân không thích?” - Thu kết luận.