Chị dịu dàng, hiền thục, là cô giáo dạy văn. Anh lịch lãm, giỏi giang đã lên chức phó phòng trong công ty lớn. Sau đám cưới, anh muốn chị nghỉ việc ở nhà chăm sóc gia đình, anh bảo “Em đi làm vất vả lương đâu được là bao, em ở nhà lo gia đình anh mới yên tâm phấn đấu sự nghiệp, lương anh đủ nuôi cả nhà, không cần em phải cực thân”. Chị thực tâm không muốn nghỉ dạy, chị yêu nghề, thích đứng lớp, thêm phần thương bố mẹ vất vả bao năm nuôi chị ăn học nên không đồng ý, vợ chồng mới cưới đôi lần tiếng chì tiếng bấc bắt nguồn từ ấy.
Đến khi chị sinh con, cuộc sống đảo lộn hoàn toàn, ông bà nội ngoại bận việc không giúp được mình chị phải lo chăm con. Con nhỏ hay ốm vặt lại lười ăn, gửi con đi trẻ chị không đành lòng, thêm áp lực từ anh chị xin nghỉ dạy. Chị bắt đầu ở nhà quanh quẩn với sữa bỉm, tã lót, bếp núc, con đường chị đi hàng ngày là từ nhà ra chợ, từ chợ về nhà, nhiều khi chị nhớ trường, nhớ học sinh nao lòng. Chị bảo anh “Con qua tuổi cứng cáp hơn, em xin đi dạy lại”. Anh xua tay ngay “Em đi làm, việc nhà ai lo, đàn bà nên chăm chồng chăm con, đừng nghĩ chuyện đi làm cho mệt. Sướng không biết đằng sướng”.
Đi làm lương chị không cao nhưng có khoản phụ thêm vào, giờ chỉ trông vào lương anh, có con chi tiêu tăng lên gấp bội so với thời hai vợ chồng son trẻ. Chị giữ ý không yêu cầu anh đưa bao nhiêu, chỉ nói hàng tháng gia đình tiêu hết khoảng ngần này cho anh ang áng đưa. Nhưng nhỡ có tháng thêm đôi ba thiệp cưới hay thăm ốm đau thì khoản tiền anh đưa thiếu trước hụt sau, anh không vui cằn nhằn “Sao tiêu nhiều thế, tiền có phải vỏ hến đâu. Em đừng có vung tay quá trán, anh kiếm tiền phải đổ mồ hôi mới có”. Chị ngậm ngùi trong lòng…
Chị nhiều lúc tủi thân nghĩ mình giống như người giúp việc khi về đến nhà đôi giày anh cởi vứt ở cửa đợi chị nhấc cất lên giá, đôi tất bẩn anh để lại chân cầu thang, quần áo thay ra không bao giờ anh giúp chị bỏ vào máy giặt. Anh làm về lên phòng nằm xem ti vi, bữa cơm tươm tất dọn lên mâm đợi bao lâu anh mới xuống. Anh ăn xong cần cái tăm, uống ấm trà anh gọi chị đứng lên mặc chị đang dở bát cơm.
Chị tất bật cả ngày với đống việc không tên, nhưng anh đâu có hiểu, anh cứ nghĩ mình anh đi làm kiếm tiền còn chị chơi không, thử hỏi không có chị bữa cơm có ấm cúng ngon miệng, nhà cửa có sạch sẽ, tinh tươm, con cái có bụ bẫm khỏe mạnh. Anh đi làm công sức được trả bằng lương, bằng thưởng còn công của chị vô hình nên anh hay nghĩ mình anh vất vả rồi than “Làm mình cực thân” nhưng chị hơi kêu mệt, anh đã chặn lời “Em ở nhà chỉ quanh ba bữa cơm thì mệt nỗi gì. Ngoài xã hội không thiếu đàn bà vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà nhưng họ không kêu như em”.
Anh dần không tôn trọng chị nữa, việc cơ quan anh không bao giờ kể với chị. Bạn bè, đồng nghiệp anh tới chơi, anh không gọi chị ra tiếp chuyện cùng. Nếu chị quan tâm hỏi han thì anh buông câu “Em hỏi làm gì, có nói em cũng không giúp được. Như vợ người ta giỏi giang làm quân sư cho chồng, đằng này vợ anh chỉ quân sư nơi xó bếp”. Chị gượng cười nhạt, lòng nhói đau, lời anh nói làm chị tổn thương sâu sắc.
Mỗi lần vợ chồng hục hặc chuyện tiền nong chị đều nín nhịn, là phụ nữ có ai không thích làm đẹp, không thích mặc diện, nghĩ cho cùng chị làm đẹp cũng là đẹp cho anh và con nhưng nhiều khi thấy chiếc váy đẹp muốn mua, chị nhìn giá tiền đứng tần ngần không dám. Chị không biết phải hỏi anh như thế nào, chẳng lẽ lại bảo “Anh cho em tiền mua váy”. Nếu anh là người chồng yêu thương vợ, anh sẽ nhận ra lâu lắm chị chưa mua sắm gì cho riêng mình chứ không phải chê vợ “Em xem lại mình xem thế nào, như con mẹ mướp thế này. Vợ bạn anh cô nào cũng trẻ trung xinh đẹp, mỗi em là xuống cấp trông thấy”, chị ứa nước mắt…
Như tối nay, vợ chồng em gái anh tới chơi, chị lúi cúi làm cơm trong bếp, thấy chị tất bật, em chồng định vào giúp, anh đã hắng giọng “Cô cứ ngồi đây để chị cô làm. Cả ngày chơi, có ba cái bữa cơm không làm được thì nuôi làm cảnh à”. Chị im lặng nhẫn nhịn giữ hòa khí gia đình. Khi khách về, chị nhẹ nhàng trách anh không biết tôn trọng vợ, anh liền quát lớn “Anh nói có gì sai. Như người ta đầu tắt mặt tối lo kiếm tiền, còn em ở nhà nắng không đến mặt, mưa chẳng tới đầu, đã có chồng nuôi còn đòi hỏi gì. Anh đi làm cực thân không kêu em kêu nỗi gì. Đúng là đàn bà nơi xó bếp như giống cây tầm gửi chỉ biết…”. Anh bỏ dở câu nói, đi lên phòng.
Nước mắt chị trào ra, nào phải chị không biết điều, không biết thương chồng vất vả kiếm tiền. Nhưng chẳng lẽ mình anh đổ công sức, còn chị ngồi hưởng ăn trắng mặc trơn. Anh nói chị sướng nhưng chị thấy mình khổ, rất khổ tâm, khổ bởi chị bỏ công việc chị yêu thích, bỏ sự nghiệp, bỏ các mối quan hệ xã hội, bỏ niềm vui riêng toàn tâm lo cho anh và con, anh đã không nhìn nhận được sự hy sinh của chị, không đủ yêu thương, trân trọng chị. Chị đã sai lầm khi nghỉ việc, chị đã thấm nỗi khổ của đàn bà khi quanh quẩn nơi xó bếp mà thôi….