Mất điểm vì… lố
Theo các nhà tuyển dụng hành trình xin việc của SV dễ bị “đánh trượt” không hẳn thiếu kinh nghiệm chuyên môn - bởi doanh nghiệp không đặt nặng yếu tố với SV hay người mới ra trường - mà phần lớn vì hình ảnh thể hiện bên ngoài của mình. Thiếu kỹ năng sống, sự chuẩn bị, rất nhiều ứng viên trở nên “lố” trước nhà tuyển dụng.
Tự tin với kiến thức của mình cũng như cách ăn nói trôi chảy, nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng chỉ đến vòng “gặp mặt” là L.M.Ng, cực SV trường ĐH Mở TPHCM bị rớt. Có lần, Ng nộp hồ sơ vào một công ty may mặc ở Gò Vấp, phỏng vấn qua điện thoại rất suôn sẻ, qua lời của nhà tuyển dụng, Ng tin chắc mình mình chỉ chờ đến ngày gặp để để bắt đầu đi làm. Vậy mà, sau buổi gặp mặt làm quen thì bên kia không hề liên lạc lại với Ng. Hiện Ng đang tạm thời bán hàng quần áo cho người quen ở chợ đêm Hạnh Thông Tây.
Đem thắc mắc này đến một buổi trao đổi kinh nghiệm phỏng vấn xin việc, Ng đỏ mặt khi một chuyên gia sau quan sát và hỏi han cô rất kỹ và lắc đầu: “Nếu là tôi, tôi cũng đánh trượt em khi em ăn mặc thế này đi xin việc. Rất khó nơi nào chấp nhận một ứng viên tóc nối vàng hoe, trang điểm lòe loẹt, móng tay xanh đỏ thế kia… Dù có giỏi đến đâu thì em cũng khó có cơ hội để chứng minh năng lực khi mà đánh mất thiện cảm ngay từ ban đầu”.
Nhiều lỗi “lố bịch” bên ngoài khác mà SV đi xin việc hay gặp phải như vừa nói chuyện vừa tóp tép nhai cao su, ngoáy mũi, ngáp, hắt xì không che miệng… Thậm chí họ có thể bị đánh trượt vì sự hồn nhiên quá thể của mình với những "phụ tùng" của bản thân.
Mai Văn Thanh, SV năm cuối chia sẻ kinh nghiệm mình bị loại khi thi tuyển vào một ngân hàng có thể chỉ vì tiếng chuông điện thoại trong túi quần vang lên khi đang PV. Nếu là nhạc chuông bình thường thì không có gì nghiêm trọng, đằng này lúc đó Thanh đang xài một bản nhạc chế với lời lẽ yêu đương khá...thô. Bài hát réo đến đâu là mấy người phỏng vấn cậu cũng phải giật mình đến đó.
“Khi tôi tắt điện thoại để tiếp tục thì bên đó đã dừng cuộc PV lại. Có thể họ quá nghiêm khắc nhưng giờ nghĩ lại tôi thấy đó là lỗi của mình. Lỗi không thuộc về kiến thức chuyên môn, không có trong CV mà có thể tước mất cơ hội của mình”, Thanh nói.
Bà Hồ Thụy Nhàn Khanh, Trưởng phòng Nhân sự Nhóm các bộ phận & Tài chính kiểm soát (Công ty TNHH Nestle Việt Nam) cho rằng ngoài hạn chế về chuyên môn, hiểu biết về vị trị ứng tuyển của nhà tuyển dụng thì các ứng viên trẻ tuổi còn gặp các lỗi bên ngoài rất đáng tiếc.
Bà kể đã từng gặp nhiều SV sử dụng địa chỉ email nghe rất ghê và buồn cười như Ketansannhanloai… (Kẻ tàn sát nhân lại), sat_girl.. (sát gái)… để liên lạc với nhà tuyển dụng. “Việc liên lạc với nhà tuyển dụng sau khi PV là điều cần thiết nhưng với những địa chỉ “ghê người” hay nhí nhố quá thì sẽ bị mất thiện cảm ngay. Điều đó bạn đã tự phơi bày cho người khác thấy mình là người thiếu đi sự chuyên nghiệp và nghiêm túc”, bà Khanh nói.
Bề ngoài quan trọng
Rất nhiều lỗi bên ngoài mà SV đôi lúc vì quá hồn nhiên, thiếu kinh nghiệm nên trở thành vô duyên trước nhà tuyển dụng. Có người ăn mặc quá cầu kỳ, chưng diện không phù hợp, ngược lại có người lại quá cẩu thả như đi dép lê, móng tay chân cáu bẩn, đầu tóc bù xù, hơi thở nặng mùi… đều để lại ấn tượng không tốt đẹp.
Ngoài tầm quan trọng của bản CV thì phong thái bên ngoài quyết định rất nhiều đến việc trúng hay trượt của ứng viên. Lỗi mà rất nhiều SV phải gặp phải vẫn còn quá tự ti, thiếu khả năng nói chuyện với người khác.
Bà Nhàn Khanh kể rằng đã gặp nhiều nhiều ứng viên là SV hay cử nhân mới ra trường khi đối mặt với nhà tuyển dụng thì mặt mũi xanh lè, tái mép như gặp… phải ma. Nhìn nhiều người đứng run rẩy, uống nước để lấy hơi mà nhà tuyển dụng cũng muốn xỉu theo. “Phần lớn là vì các em thiếu sự trau dồi cũng như sự chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho mình”, người này đánh giá.
Bà Võ Thị Xuân Trang, hiệu trưởng Trường John Robert Powers nhấn mạnh bề ngoài ứng viên cực kỳ quan trọng, chỉ cần 11 giây tiếp xúc ban đầu, nhà tuyển dụng đã có thể đưa ra quyết định có làm việc với bạn hay không. Tuy nhiên hiện nay, SV vẫn chưa coi trọng đến vấn đề này, rất nhiều người vẫn ăn mặc lếch thếch, lời ăn tiếng nói, phong cách xuề xòa… khi đi xin việc. Chính điều đó, họ tự “tố cáo” mình với người đối diện mình là một người hời hợt, cẩu thả.
“Những biểu bên ngoài như đi đứng, ăn nói, cách ăn mặc, phong thái nói chuyện, sự tự tin... những thứ mà nhiều người cho rằng không thuộc về chuyên môn nhưng lại phản ánh suy nghĩ và khả năng bạn có phải là đối tượng có thể hợp tác lâu dài hay không”, bà Trang khuyến cáo.