Nhiều người phụ nữ có gia đình thường mắc phải sai lầm khi không kiềm chế được cái tôi bản thân, họ luôn tỏ ra hiếu thắng với chính chồng mình. Đặc biệt là những người vợ có khả năng kiếm tiền giỏi giang không thua kém gì chồng. Hẹn gặp chị Thùy (Đống Đa – Hà Nội) trong không gian tĩnh lặng ở một quán café, vẫn phong cách chuyên nghiệp của một bà chủ chuỗi nhà hàng nổi tiếng, tôi không còn được thấy giọng nói vốn hào sảng của người phụ nữ thành công. Đôi mắt chị đã dịu nét sắc sảo đi rất nhiều. Thùy kể hai vợ chồng chị đã ly thân vài tháng nay rồi. Cho đến lúc chồng chị dọn dẹp quần áo ra khỏi nhà, chị mới biết anh không nói đùa. Vốn phong thái tự tin, và bản lĩnh của một người phụ nữ cả chục năm làm nghề kinh doanh, chị áp sự bình đẳng có đi có lại vào cả chuyện gia đình.
Chị tuyên bố thẳng với anh rằng thu nhập hai người tương đương nhau nên trách nhiệm và các công việc liên quan đến gia đình cũng phải chia đôi một cách sòng phẳng. Không có chuyện việc nhà mặc định là của chị, anh có làm cũng chỉ là giúp đỡ. Nếu có việc nào anh còn chưa kịp làm hoặc còn bối rối, chị sẵn sàng chi tiền gọi thợ đến làm kèm theo lời nói dù vô tình nhưng cũng đủ làm chồng chị nổ đom đóm mắt: “Anh đúng là vô tích sự”.
Không những thế, đôi khi trong những cuộc cãi vã, Thùy còn hoạt ngôn nói lấn lướt người bạn đời với những lập luận sắc bén, ngôn từ mạnh mẽ và dứt khoát. Đỉnh điểm là trong một cuộc tranh luận khi hai vợ chồng Thùy muốn chuyển hướng kinh doanh. Vì định hướng, phương thức đã được chị lên kế hoạch rõ ràng nên mọi lập luận và cảnh báo của chồng đều được Thùy ném vào “sọt rác” với câu nói cửa miệng “Anh thì biết cái gì”. Điều đó tuy có thể giúp Thùy chiến thắng trong giây phút cao điểm tranh cãi giữa hai vợ chồng nhưng lại khiến cho trái tim chồng chị hình thành một vết thương. Kết quả là không đợi chị nói đến câu thứ 3, chồng chị đứng dậy điềm tĩnh nói rõ từng lời trước sự ngỡ ngàng của vợ: “Nếu anh là loại người không biết gì và vô tích sự như em vẫn thường nói thì em không nên sống với anh nữa”. Sau đó, chồng chị chuyển ra ngoài sống từ đó đến nay mà chị dùng tất cả mọi cách vẫn không thể kéo anh trở về.
Hậu quả điển hình khác của người phụ nữ hiếu thắng đó chính là tạo ra mối quan hệ căng thẳng với các thành viên trong gia đình chồng mà chị Hảo (Cầu Giấy – Hà Nội) là một ví dụ. Hảo là một cô gái lanh lợi, thông minh, trong bất kỳ trường hợp khó khăn nào, chị đều có cách giải quyết phù hợp. Người bên ngoài nhìn vào mặt nổi sẽ phải thốt lên rằng chị là mẫu phụ nữ hoàn hảo: công việc tốt, xinh đẹp và rất khéo tay. Từ ngày về làm dâu, những bữa ăn nhà chồng phong phú hơn, đôi mắt Hảo luôn đong đầy tự hào bởi chồng và bố chồng thường xuyên khen món ăn chị nấu, cái áo chị mua sao vừa và trẻ trung đến thế... Chị vờ như không nghe thấy tiếng thở dài rất nhẹ của người mà một thời bố chồng và chồng chị cũng coi là số một – mẹ chồng. Không những thế, chị còn thẳng thừng nhận xét không kiêng nể gì khi thì cái áo mẹ chồng mua cho con trai màu quá tối, không hợp nước da của anh; khi thì món cá kho của mẹ chồng thiếu riềng “Ăn chẳng có vị gì!”.
Từ sau những lần đó, mẹ chồng Hảo hầu như không góp chân góp tay vào bất kỳ việc gì nữa, mọi gánh nặng chợ búa, cơm nước, con cái và việc công ty dồn lên vai chị. Có những lần chị xin phép về muộn, mẹ chồng chị cũng ngồi xem ti vi mà chẳng giúp đỡ chị chút nào, với lý do chính Hảo cũng không thể nói lại: “Mẹ sợ nấu không ngon, bố con nó lại bỏ bữa”. Song dẫu đã để sự việc ra nông nỗi ấy mà Hảo vẫn không ý thức được nguyên nhân sâu xa của sự việc là do tính hiếu thắng của mình. Chị vẫn cho rằng mình tài, mình giỏi, mình là số 1 ở nhà chồng, rồi quay sang trách cứ mẹ chồng sống không biết điều.
Tạm kết
Trở về từ sau khi gặp hai người phụ nữ ấy, tôi chợt nghĩ đến cô bạn Thanh Dung mới lập gia đình mà tôi vừa có dịp gặp lại. Chiếc xe máy Thanh Dung vẫn đi từ trước khi cưới, sau khi về ở nhà chồng bỗng nhiên “nặng đến lạ” khiến mỗi lần bảo dưỡng, cô đều phải nhờ đến tay chồng. Tay nghề nấu ăn của Dung vốn “không chê vào đâu được”, vậy mà sau khi cưới “tay nghề” đó bỗng dưng không cánh mà bay… Chồng cô ngạc nhiên khi đứng trong bếp, cô hết hỏi mẹ chồng món này ướp với gia vị nào, cho cái gì vào trước, cái gì vào sau. Khi mẹ chồng nhiệt tình chỉ dẫn Dung, trên mặt bà lộ rõ niềm vui khi được hướng dẫn cho cô con dâu nấu những món ăn mà con trai bà rất thích. Thế nên mẹ chồng – nàng dâu khi nào cũng tíu tít trong bếp và anh chồng chẳng bao giờ phải nghe đến một tiếng than phiền.
Vậy nên, cho dù ra ngoài phụ nữ hiện đại có giỏi giang thế nào, công việc có thể một tay làm loáng cái là xong thì khi về nhà chồng, ở bên mẹ chồng, bạn hãy chậm lại một chút, hay ngốc nghếch và vụng về một chút cũng không sao.
Vậy nên, hãy để con cá hữu ý trượt khỏi tay dù bạn có thể một tay tóm gọn nó trong khi mổ; để chiếc xe máy quá hạn không bảo dưỡng dù bỏ ra một chút chi phí là mọi việc xong xuôi và nếu còn yêu anh ấy thì hãy cụp mắt xuống thì thầm rằng “em xin lỗi” cho dù đồ đáng ghét kia mới là người gây ra mọi chuyện;
Có kẻ yếu đuối thì mới có anh hùng, nếu trên đời ai cũng mạnh mẽ như nhau thì chẳng có ai vô tình hay hữu ý mà được tôn vinh. Là phụ nữ hiện đại, hãy sử dụng đặc quyền của mình một cách khéo léo để luôn đạt được mục đích cuối cùng trong niềm vui của tất cả mọi người. Sự mềm yếu luôn luôn là đỉnh cao sức mạnh của người phụ nữ. Nếu cứ là người phụ nữ hiếu thắng, bạn sẽ khó mà tìm thấy hạnh phúc lâu bền…