NỮ GIỚI » Tâm sự

Sự thật về những cô dâu trẻ em

Thứ năm, 06/10/2011 10:18

Mặc dù tục lệ tảo hôn là phạm pháp ở nhiều quốc gia, nhưng hàng triệu cô gái trên khắp thế giới đã trở thành cô dâu trẻ em khi bị bố mẹ ép lấy chồng ở tuổi vị thành niên.

BBC dẫn báo cáo của Unicef vừa công bố năm nay cho biết, mỗi năm có khoảng 10 triệu cô gái bị ép lấy chồng trước khi tròn 18 tuổi trên khắp thế giới. Tháng trước, tại một buổi phát động cho sáng kiến toàn cầu Girls Not Brides, tổng giám mục Nam Phi Desmond Tutu miêu tả kết hôn trẻ em là một tục lệ cướp đi tuổi thơ của hàng triệu cô gái, cũng như các quyền và phẩm giá của họ.

Cả bà và dì của phóng viên BBC, Nel Hedayat, đều kết hôn khi còn là trẻ con ở quê hương Afghanistan. Tuy nhiên, đám cưới của họ được xem là bình thường, thậm chí là hạnh phúc với gia đình Nel. Do vậy, nữ phóng viên này quyết định đi Ấn Độ và Bangladesh, nơi có tỉ lệ đám cưới vị thành niên cao nhất thế giới, để hiểu rõ điều gì đã khiến các cô gái trở thành một cô dâu trẻ em.

 

Khi mới 14 tuổi, cô gái này đã lấy người chồng 19 tuổi.

Khoảng 40% đám cưới trẻ em trên thế giới diễn ra ở Ấn Độ. Ở bang phía Bắc Rajasthan, Nel chứng kiến hôn lễ của 2 chị em 6 và 11 tuổi. Những người thân vây lấy các bé gái để mặc cho chúng bộ quần áo cô dâu màu đỏ và vàng lấp lánh. Được trang điểm đậm đà, các cô dâu còn tuổi ăn tuổi chơi ngoan ngoãn đi theo họ.

Tảo hôn là phạm pháp ở Ấn Độ và có thể bị phạt lên tới 100.000 Rupee (2.000 USD) và ngồi tù 2 năm, áp dụng với người tổ chức thực hiện hoặc biết mà không ngăn cản đám cưới trẻ em. Nhưng điều này dường như không làm bận tâm bất kỳ người khách nào đang vui vẻ nhảy múa hay vị thầy tế thực hiện nghi lễ.

Ông của cô dâu phàn nàn: “Tôi ghét chính phủ vì họ cố ngăn chúng tôi. Đây là cách chúng tôi luôn làm. Chính phủ ngăn cấm điều này và nói rằng không được tổ chức đám cưới cho trẻ vị thành niên, nhưng chúng tôi không quan tâm. Dù sao đi nữa, chúng tôi vẫn thực hiện lễ cưới như vậy”.

Dinesh Sharma, một nhân viên của tổ chức phi chính phủ địa phương, giải thích rằng ở các ngôi làng xa xôi hẻo lánh, đám cưới trẻ em luôn được hỗ trợ đầy đủ bởi toàn thể cộng đồng và hiếm khi có người báo cho cảnh sát để ngăn cản.

Trong khi cô dâu trẻ em ở Rajasthan có xu hướng kết hôn rất trẻ, thì các chàng trai ở độ tuổi tương tự không lấy vợ cho đến khi lớn hơn, khoảng 15 hay 16 tuổi, bởi lúc đó chúng mới thực sự bắt đầu sống cùng nhau như vợ chồng. Dù vậy, cưới quá trẻ cũng làm hạn chế cơ hội của chúng.

Rukhmani, một phụ nữ 26 tuổi và là mẹ của 2 dứa con, nói rằng cô bị gả chồng lúc 6 tuổi và bắt đầu sống cùng chồng khi 15 tuổi. “Nếu tôi lấy chồng muộn hơn, tôi đã có thể biết đọc và viết”, cô nói. “Nếu được học hành, tôi sẽ không phải làm việc trên cánh đồng nóng như thiêu như đốt”.

Mamta, một cô dâu trẻ em khác, cũng tiếc nuối vì không được học hành tử tế, vì nhờ đó mà cô sẽ được trao cơ hội và không phải phụ thuộc vào người khác. Thay vào đó, cô hiện tại cảm thấy mình không có lựa chọn và phải thường xuyên chịu đựng đòn roi của chồng.

Mamta (bên trái) và Nel.
- Có khoảng 10 triệu đám cưới trẻ em được tiến hành mỗi năm trên toàn thế giới. - Có ít nhất 50 triệu cặp vợ chồng trẻ em đã kết hôn trên thế giới, và con số này sẽ tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ này. - Top 3 quốc gia có tỉ lệ tảo hôn cao nhất là Niger, Chad và Mali. - Bangladesh đứng thứ 4 và Ấn Độ xếp thứ 13 trong bảng thống kê về tỉ lệ kết hôn trẻ em. - Ước tính có khoảng 14 triệu thanh thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi sinh con mỗi năm. Các cô gái trong nhóm tuổi này có nguy cơ tử vong cao gấp đôi, trong quá trình mang thai và sinh đẻ, so với phụ nữ trong độ tuổi 20.

 

Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW), các cô gái kết hôn trước 18 tuổi ở một số bang của Ấn Độ bị chồng đánh đập, tát hay đe dọa nhiều gấp 2 lần so với các cô gái lấy chồng muộn hơn.

Bị ép phải lấy chồng sớm là một trong những trở ngại lớn nhất để được học hành. Đối với các nhân viên của một tổ chức phi chính phủ nhỏ ở Rajasthan, khuyến khích các cô gái từ chối hôn nhân và đến trường là điều rất quan trọng. Họ đã giúp cô gái Roshan Bairwa (14 tuổi) có sự tự tin để nói không với mong muốn của bố mẹ cô và yêu cầu được đến trường.

“Kể từ khi tôi từ chối, không có cô gái độc thân nào bị ép lấy chồng ở làng tôi”, Roshan tự hào nói với Nel. Tuy nhiên, Nel cho rằng một ngôi trường cấp 2 miễn phí ở trong vùng mới là chìa khóa để thuyết phục được gia đình Roshan.

Nước láng giềng Bangladesh có tỉ lệ tảo hôn cao nhất ở Nam Á và đứng thứ 4 trên thế giới, mặc dù hôn nhân trẻ em cũng là bất hợp pháp ở đây. Ở Bangladesh, các cô gái trẻ được gả đi ngay sau khi đến tuổi dậy thì và luôn phải đến ở nhà chồng ngay lập tức.

Seema (14 tuổi) lấy chồng và chuyển đến ở cùng người chồng 19 tuổi năm ngoái. Cuộc sống của cô bây giờ hoàn toàn khác với thời thơ ấu vô tư. “Sau khi lấy chồng, công việc của tôi bây giờ là rửa bát, dọn nhà, giặt quần áo và nấu ăn”, cô nói. Seema hiện đang mang bầu 4 tháng và chán nản chia sẻ: “Trước đây tôi là trẻ con và giờ tôi đang có một đứa con. Điều đó thật đáng sợ”.

Farah Kabir, giám đốc tổ chức Action Aid Bangladesh, giải thích rằng một phần quan trọng của nạn tảo hôn là do dân số sống dưới mức nghèo khổ. Vì thế, ưu tiên của nhiều gia đình là gả con gái càng sớm càng tốt để giảm bớt gánh nặng, kể cả khi người chồng lớn tuổi hơn nhiều.

Một giải pháp cho các cô gái Bangladesh là họ được gửi làm việc trong các nhà máy dệt may. Nhờ đó, họ kiếm được tiền và tự chủ về kinh tế, giúp các cô gái tự tin từ chối việc tảo hôn. Munni là người đã từ chối kết hôn lúc 13 tuổi và tìm được việc làm. “Tôi không nghĩ bố mẹ muốn gả tôi đi lấy chồng vào lúc này. Có thể họ nghĩ rằng tôi sẽ làm ra nhiều tiền và giúp đỡ được gia đình nếu không lấy chồng”, Munni nói.

Cho dù được học hành miễn phí hay có thể tự kiếm đồng lương, các cô gái trẻ mà Nel gặp đều cần lựa chọn để thuyết phục gia đình không ép họ tảo hôn. Nhưng trong thực tế, những lựa chọn đó không phải lúc nào cũng có sẵn. Cho đến khi luật lệ cấm tảo hôn chưa được thực thi đầy đủ, những cô gái trẻ vẫn rất dễ bị tổn thương.

Bưu Điện Việt Nam