Tôi sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ tôi vốn làm nghề nông, lớn lên tôi thường được nghe bà ngoại kể quê tôi vốn là vùng chiêm trũng mà từ xa xưa các cụ có câu “Chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn”. Bà tôi bảo thời còn bao cấp, cuộc sống vô cùng khó khăn, cuộc sống thiếu thốn đủ điều, năm nào cũng vậy cứ tháng ba ngày tám bố mẹ tôi phải đi mò cua, bắt ốc, hoặc sớm mai dậy từ ba, bốn giờ sáng để lên rừng cách nhà hơn chục cây số chặt củi về bán lấy tiền đong gạo…
Khi tôi lớn lên thì đất nước đã chuyển đổi nền kinh tế nên cuộc sống phần nào đỡ hơn. Tuy nhiên, bố mẹ tôi làm nghề nông nên ngoài lúc đông vụ chí kỳ thì bố mẹ tôi cũng phải lo làm đủ mọi việc để có tiền cho ba chị em tôi ăn học. Nhìn thấy cuộc sống quê mình vất vả như thế nên tôi cố gắng học tập để sau này đỡ vất vả hơn, và có điều kiện giúp đỡ bố mẹ. Vậy là những cố gắng của tôi cũng như lao động vất vả của bố mẹ cũng được đến đáp. Kỳ thi năm 2006, tôi đã đỗ vào một trường đại học ở Hà nội. Vậy là bố tôi đưa tôi ra nhập trường và cũng phải ở lại Hà Nội làm thuê lấy tiến cho tôi ăn học.
Nhưng bên cái may thì lại gặp cái rủi, khi tôi học gần hết năm thứ nhất thì một tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng bố tôi, vậy là từ đó tôi vừa học lại vừa phải đi làm để lấy tiền trang trải. Thời gian thấm thoát trôi đi, tôi đã tốt nghiệp và được nhận vào làm việc tại một công ty liên doanh tại Hà Nội, công việc ổn định và thu nhập cũng tạm ổn. Sau đó một năm thì tôi xây dựng gia đình, chồng tôi là một kỹ sư công nghệ công tác ở một nhà máy cách Hà Nội hơn ba mươi cây số, tuy nhiên vợ chồng tôi cũng thuê nhà ở Hà Nội để thuận tiện cho cả đôi bên.
Một cuộc sống mới bắt đầu, chúng tôi cũng tạo điều kiện cho nhau để làm tốt công tác cơ quan đồng thời có thời gian tranh thủ kiếm thêm tiền để trang trải cho gia đình. Thế rồi, cái tổ ấm nhỏ của vợ chồng tôi đã có tiếng trẻ thơ, cuộc sống bắt đầu có thêm việc, chồng tôi đành phải nhờ mẹ tôi từ quê ra trông nom, vì gia đình bố mẹ chồng ở tận Yên Bái, mà mẹ chồng tôi làm nghề buôn bán nên không thể đi được.
Tôi sinh được ba tháng thì tôi bàn với chồng tôi có lẽ phải về quê ngoại chứ bà ngoại ở đây lâu không thể được, thế là vợ chồng tôi đành phải bồng bế con về quê nhờ bà ngoại trông nom chăm sóc. Trong thời gian ở quê thì thỉnh thoảng chồng tôi mới tranh thủ về thăm được vài hôm rồi lại phải trở lại cơ quan làm việc. Thời gian trôi đi, năm tháng, sáu tháng rồi bảy tháng tôi vẫn ở lại quê với mẹ, thời gian này tôi thường bế con đi chơi mấy nhà hàng xóm lân cận.
Gần nhà tôi có anh Thanh, anh ấy hơn tôi chừng mười bốn, mười lăm tuổi, anh là kỹ sư tin học, đang làm cho một công ty liên doanh cách nhà chừng mươi cây số, vợ anh ấy là một bác sĩ công tác ở trung tâm y tế của huyện. Do công việc nên một tuần anh chỉ lên công ty bốn, năm buổi còn tôi luôn thấy anh thường xuyên bên máy tính ở nhà. Mỗi khi tôi sang chơi anh nói chuyện vui vẻ, anh hỏi thăm về công việc của vợ chồng tôi, của gia đình chồng tôi…đôi khi tôi hỏi anh về một số phần mềm máy tính, anh vui vẻ giải thích cặn kẽ, chu đáo, những lúc như thế trong tôi bỗng trào dâng một tình cảm lạ kỳ.
Tôi nhìn anh như một thần tượng mà người phụ nữ mong muốn, tim tôi bỗng đập nhanh hơn, ánh mắt tôi như thèm muốn ở anh một điều gì, thậm chí lúc này tôi nghĩ là mình đang ngồi bên cạnh chồng chứ không phải anh. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, anh vẫn ngồi với những con tính, còn tôi đắm đuối nhìn anh, bất chợt tôi kéo ghế ngồi sát lại bên anh lúc này tôi không thể làm chủ mình được nữa, tôi ôm chầm lấy anh và nói trong hơi thở “Em yêu anh”.
Anh giật mình quay lại đẩy tôi về vị trí của mình rồi nhẹ nhàng : Em đừng làm thế, anh vẫn coi em như cố bé hồi nào mà, bây giờ cả anh và em đều đã có gia đình rồi mà em cũng đang sống hạnh phúc đấy thôi. Tôi bừng tỉnh không nói nổi lời nào vội đứng lên chạy như bay về nhà, từ hôm ấy tôi không dám sang nhà anh nữa.
Chuyện xảy ra cũng hơn một năm rồi, nay tôi đã đi làm ổn định, tuy nhiên sự việc xảy ra cho đến tận bậy giờ tôi cũng không biết tình cảm của tôi lúc ấy thế nào nữa. Suy nghĩ mài tôi mới viết mấy dòng ngắn ngủi này nếu anh có đọc được thì cũng như một lời xin lỗi: “Anh đừng giận em anh nhé”!