Đọc xong bài báo có chị tâm sự rằng chồng “mua mặt” cho vợ khi đến nhà ngoại chúc Tết làm tôi không khỏi chạnh lòng. Vừa có chút ghen tỵ với cái chị tốt số ấy, vừa buồn bã cho cái số kiếp mình sao quá hẩm hiu. Vẫn biết làm thân con gái như hạt mưa sa, vả lại tình duyên là do tôi lựa chọn thì phải chấp nhận.
Nghĩ là nghĩ thế thôi chứ mỗi khi có dịp quan trọng, nhất là dịp lễ Tết, tôi cũng như bao người phụ nữ với tâm ý “Tốt khoe, xấu che”. Thôi thì mặc kệ chuyện chồng không đối tốt với mình, chuyện nhà chồng, con cái…
Mỗi dịp thế này tôi chỉ ước ao cả gia đình khi về nhà ngoại chúc Tết, bao nhiêu cái xấu của chồng giấu hết đi, thay vào đó chồng tôi tỏ ra là một người con rể “thảo tính” như cách anh hành xử với bên nội thì tôi cũng đỡ xấu hổ với bên ngoại. Thế nhưng, cứ mỗi dịp thế này, tôi lại khốn đốn lo liệu đủ thứ chỉ vì cái “nết” chỉ biết bên nội của chồng tôi.
Yêu nhau lâu rồi mới lấy, có với nhau đến 2 mặt con, nào tôi không biết cái đức tính chi li, bủn xỉn của chồng. Hai vợ chồng lương công chức, lại sống với bố mẹ chồng nên không mất tiền thuê nhà, nói chung cũng đủ sống. Điều bực mình của tôi chính là cái cách chồng tôi nắm quyền chi tiêu và làm chủ gia đình.
Từ chuyện ăn uống trong gia đình đến chuyện chi tiêu mua sắm hay chuyện học hành của con cái, anh đều quản lý tất. Mỗi khi tôi có ý kiến rằng: “Con lớn rồi, phải thay đổi khẩu phần ăn cho phù hợp không chúng nó còi cọc..” hoặc khi con muốn mua sắm quần áo, đồ dùng mới xin bố tiền thì anh đều tỏ ra rất chi li.
Anh bảo: “Tiền mồ hôi xương máu làm ra, phải biết quý trọng” hoặc “Ăn bữa nay phải biết lo bữa mai thì cả đời mới không túng thiếu…”. Anh dặn dò lũ con trước mặt tôi như vậy hàm ý là cho tôi hiểu cách quản lý kinh tế gia đình của anh như thế là vì ai?
Tất nhiên ,anh muốn tôi hiểu là anh đang lo cho gia đình nhỏ của mình. Thế nhưng, lời nói và hành động của anh lại khác xa nhau.
Chả cần là đến lễ lạt hay sự vụ gì, cứ mỗi lần đi công tác hay anh nghe đồng nghiệp mách nước có gì bổ béo cho người già là anh tìm mua bằng được để biếu bố mẹ anh. Nào thì cao hổ, mật gấu, sừng tê giác, yến sào… toàn những thứ đắt tiền mà tôi còn chưa dám mua biếu cha mẹ đẻ bao giờ vì tiền lương của tôi anh nắm giữ.
Nói ra thì anh bảo tôi là con dâu mà không toàn tâm toàn ý với nhà chồng. Nhưng thực sự tôi rất ức chế với cái kiểu “nhất bên trọng, nhất bên khinh” ấy. Chợt nghĩ đến phận làm con của mình với cha mẹ đẻ mà ân hận, chua xót vì thấy mình bất hiếu làm sao.
Nào đã hết, anh còn lấy quỹ chung của gia đình đi mua sắm đồ đạc và trang trí phòng cưới cho hai đứa em gái hết gần trăm triệu. Khi thấy cô em chồng khoe tôi mới biết chuyện, đành bấm bụng cười trừ cho cái sự “thảo tính” của chồng với gia đình nhà nội.
Về hỏi thì anh tỉnh queo: “Nhà mình đang ở lẽ ra cũng có phần của các cô ấy. Giờ các cô đi lấy chồng, các cô không đòi hỏi thì thôi, mình cho như thế có đáng là bao” khiến tôi chỉ còn biết ngậm tăm. Bởi nếu cự cãi thì anh lại mắng tôi là loại đàn bà nghĩ nông, tham lam, biết một không biết mười.
Chuyện anh có hiếu với gia đình mình thì nhiều lúc tôi cũng thông cảm mà bỏ qua. Vì tôi nghĩ bản thân mình nếu có thì cũng sẽ báo hiếu như vậy. Thế nhưng, tôi cũng có cha mẹ và gia đình cần phải báo hiếu như anh. Mà anh thì lại giả vờ quên tiệt bên ngoại, cứ như tôi là trẻ mồ côi anh “nhặt” về không bằng.
Bằng chứng là 5 làm rể bố mẹ tôi, chưa bao giờ anh chủ động mua cái gì để biếu xén cha mẹ vợ (mặc dù các cụ cũng chả thiếu thốn gì). Nhiều lúc tôi gợi ý anh cũng lờ đi hoặc ca bài quen thuộc “Mình phải tiết kiệm để lo cho các con, ông bà ngoại cũng hiểu mà…”.
Mỗi dịp Tết về, chồng tôi mừng tuổi bố mẹ anh vài triệu không tiếc tay. Nhưng cứ mỗi khi đến chúc Tết bố mẹ vợ về anh lại than vãn: “Lẽ ra em chỉ nên mừng ông bà mấy trăm thôi, ông bà già rồi có tiêu gì đến, mình còn phải lo bao nhiêu thứ... Em hoang quá!”. Những gì anh nói khiến tôi chỉ còn biết khóc thầm cho cái số sao quá hẩm hiu, vớ phải ông chồng “Chỉ biết mình mà không biết người” này.
“Xấu chàng - hổ ai” là điều tôi thường nghĩ. Cứ mỗi dịp hiếu lễ tôi đành phải giấu chồng lập ra một quỹ đen để dành cho nhà ngoại. Mỗi khi mua biếu bố mẹ vài thứ nhỏ nhoi, tôi đều phải bảo “Nhà con bảo con mua biếu bố mẹ…” để an lòng các cụ và “mua mặt” cho ông chồng ki bo với nhà vợ của tôi.
Hôm rồi cả nhà về bên ngoại ăn Tết. Trước đó mấy ngày, tôi đã bảo trước để xem anh có chuẩn bị gì để biếu nhà ngoại không, nhưng 30 Tết chồng tôi vẫn như mọi khi cứ “tay không bắt giặc” hồn nhiên vác mặt đến nhà ngoại như mọi năm “được ăn - được nói - lại được gói mang về”.
Tôi không thể chịu được cái thói “nhất bên nội” của anh nên nói thẳng toẹt: “Anh không mua gì về bên ngoại thì đưa tiền lương của em đây để em mua đồ biếu ông bà. 5 năm làm rể anh không biết lễ nghĩa lấy một lần. Anh có biết em đã phải xoay sở thế nào để mua mặt cho anh không?”.
Chẳng ngờ chồng tôi không biết xấu hổ mà lại còn mắng tôi là loại đàn bà ích kỉ, đi làm dâu mà chỉ mong vơ vét của chồng về nhà ngoại. Rồi đủ thứ khốn nạn anh bới móc và tô vẽ ra để hòng phủ nhận anh là một thằng con rể tồi.
Tôi ức chế vô cùng tận. Biết không còn gì để nói với anh. Để lung lay cái thói ích kỷ ấy nên tôi bỏ quỹ đen của mình mua biếu cha mẹ tôi những thứ mà anh đã từng biếu cha mẹ anh. Tôi thẳng thắn với ông bà ngoại: “Đây là tiền riêng của con…” mặc cho ông bà dò hỏi “Sao mọi năm chồng mày mua biếu, năm nay... hay là có chuyện gì?” tôi chỉ tảng lờ cho qua chuyện.
Vì giận vợ nên anh lấy cớ phải đi trực Tết từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 4 Tết nên sẽ không về chúc Tết bên ngoại được. Nghĩ bực mình, từ ngày mai (mùng 2 Tết), tôi đã xin phép bố mẹ chồng trước là cho tôi và con sang bên nhà ngoại ăn Tết rồi tổ chức một chuyến du lịch nho nhỏ để cả nhà du xuân vãn cảnh giải toả tâm lý.
Tết năm nay cũng là năm để tôi suy nghĩ thấu đáo về cuộc hôn nhân của mình. Năm năm chung sống với người đàn ông ích kỷ này, nhiều lúc tôi chỉ muốn chấm dứt cho xong bởi tôi chán anh vì nhiều thứ, chán từ cái này nó lây sang cái chán nọ.
Nếu không vì con có lẽ chồng và tôi đã đôi đường từ lâu. Nhiều khi tôi muốn li dị lắm, nhất là những dịp lễ Tết như thế này.