Ngồi giữa văn phòng vẫn “say nắng”
“Nói không ai tin, nhưng đúng là ngồi giữa văn phòng vẫn bị say nắng như thường”. Khi được hỏi về chuyện “tình công sở”, một nhân viên nam làm kĩ thuật máy tính tại một văn phòng trên đường Trần Hưng Đạo đã cười và phân trần như vậy.
Chuyện “say nắng”, trót yêu một ai cùng công sở và thể hiện cảm xúc giữa những giờ nghỉ tại trưa văn phòng đã không còn là chuyện hiếm, chuyện lạ.
Một nhân viên văn phòng xin không nói tên cho biết, anh từng có “thâm niên” 2 lần “say nắng” vì những giờ nghỉ trưa của cơ quan.
Đầu tiên là đi ăn trưa cùng nhau, rồi đi nhậu với cả nhóm lúc thời tiết mưa gió, chuyển mùa, rồi café buôn chuyện chờ đến đầu giờ chiều để làm việc tiếp… Tất cả những lí do lãng mạn như thế khiến cho “người ta dễ say nắng nhau”. Những lí do về đưa ra để giải thích cho việc “say nắng” giờ nghỉ trưa rất muôn hình vạn trạng. Nhưng tựu chung lại, thời gian nghỉ trưa tuy ngắn ngủi nhưng nếu cộng hơn 300 ngày làm việc trong năm lại thì thời gian dân công sở ở bên nhau cũng khá nhiều. Vì thế, có hàng trăm "hoàn cảnh xô đẩy", hàng nghìn câu chuyện lãng mạn để khiến dân văn phòng gắn bó với nhau. Shree Conrad và Michael Miburn, tác giả của cuốn "Thông minh tính dục" đưa ra những lý do của ngoại tình công sở. Ông cho rằng nhiều khi bạn đồng sự lại hiểu nhau và thông cảm với nhau hơn cả bạn đời. Bởi vì vợ chồng thường ít khi làm cùng nghề vì vậy người ta không hiểu hết cái giá trị đích thực của nhau như người làm việc cùng cơ quan với họ. Nhất là trong cuộc sống hiện đại, ai lao vào công việc của người ấy, vợ chồng ít khi quan tâm đầy đủ đến nhau. "Tình trưa": từ quán nước tới nhà nghỉ trong gang tấc Anh Nam, nhân viên một VP máy tính trên đường Lê Văn Lương cho biết: Khi nam nữ làm việc cùng nhau trung bình khoảng 52,5 giờ mỗi tuần thì sự tiếp xúc và mối quan hệ của họ với người đồng sự còn thân thiết hơn với chồng hay vợ. Không chỉ làm việc cùng nhau, họ còn ăn trưa, uống cà phê, trò chuyện vào giờ nghỉ trưa. Từ quán nước tới nhà nghỉ chỉ trong gang tấc. Nhưng, những mối tình công sở này chỉ kéo dài vào buổi trưa và những “con thiêu thân” lao vào đó cũng tự mặc định rằng, giờ nghỉ trưa là giờ duy nhất dành cho mối quan hệ này. Còn sau đó, mỗi người lại có vị trí và công việc của mình từ sau 13h30 trở đi. Giờ nghỉ trưa cũng là giờ thích hợp để dân văn phòng có “tình ngoài” tranh thủ đi đến với “nửa kia” của mình. Trong giờ làm thì không thể trốn việc, trốn sếp đi. Ngoài giờ làm thì ai phải về nhà nấy. Vì thế, giờ nghỉ trưa trở thành thời gian thích hợp nhất cho những người có “tình ngòai” tranh thủ. Anh Nam nói, dường như dân công sở ngày càng có nhiều điều kiện “tiếp sức” cho những giờ “ăn vụng” buổi trưa. Một chủ nhà nghỉ trong ngõ khuất trên phố Vĩnh Hồ cho biết, giờ nghỉ trưa là giờ làm ăn của giới kinh doanh nhà nghỉ. Vào nhà nghỉ tầm này thường ít các đôi bạn trẻ mà chủ yếu là giới văn phòng tranh thủ “nghỉ trưa”. “Vào nhanh mà cũng ra nhanh, yên lặng và không lắm chuyện lùm xùm như bọn trẻ, phục vụ đối tượng này cũng là nhàn nhất” - anh này nói. Chủ nhà nghỉ này cho biết, mùa thu bắt đầu, khung cảnh lãng mạn hơn cũng là yếu tố “kích cầu” cho dịch vụ nhà nghỉ phát triển. Trong khi người vợ, người chồng vẫn nghĩ "nửa kia" của mình ở cơ quan, ngủ gục trên bàn phím thì "nửa kia" lại tranh thủ đi tìm một "nửa khác", hưởng “giấc ngủ trưa xa xỉ” tại một nhà nghĩ vắng vẻ, nằm khuất nẻo trong ngõ sâu nào đó. Nhiều chương trình khuyến mãi cũng như chiêu thức thu hút khách của các nhà nghỉ khiến những cặp tình nhân yên tâm trong cuộc phiêu lưu mạo hiểm của mình. Nếu như trước đây, để có thể vào nhà nghỉ ở khách sạn cần phải qua nhiều khâu “làm tin” như kiểm tra giấy tờ thì nhiều nơi đã bỏ đi “thủ tục” ấy để khách không ngại ngần hoặc khó chịu.
Những tình huống “ăn vụng” buổi trưa thường rất khó phát hiện vì bề ngoài họ vẫn có “mác” đàng hoàng và đứng đắn che chở. Dĩ nhiên, họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ làm chồng, làm vợ và có nhiều trường hợp còn được hậu thuẫn bởi những chiến hữu xung quanh.