Chào tác giả N.Thủy với tâm sự "Ngày tôi theo anh đi nhà nghỉ, là cả chuỗi bất hạnh phía sau"!
Đọc tâm sự của bạn đã cho tôi nhiều suy nghĩ. Tuy nhiên, tôi thấy bạn quá yếu đuối và ngu ngốc khi nghĩ rằng đã mất đi cái lần đầu của người con gái là bạn đã mất tất cả hay bạn nghĩ rằng sẽ không có ai yêu, không thể tìm được một người đàn ông yêu bạn.
Tôi là con gái còn trinh nhưng tôi chẳng coi trọng trinh tiết. Tôi chẳng coi trọng nó một chút nào cả! Tại sao à? Bởi vì tấm màng mỏng dính ấy hoàn toàn chỉ mang tính sinh học. Nó không thể đánh giá được nhân phẩm của một người phụ nữ bạn ạ. Đến bạn là phụ nữ, bạn còn như vậy thì cánh đàn ông, nhất là những người đàn ông Sở khanh sẽ đánh giá bạn thảm hại thế nào đây?
Tôi sinh ra trong một gia đình truyền thống, nhưng tôi lại có cá tính tương đối mạnh. Tôi suy nghĩ độc lập và chẳng mấy khi chấp nhận điều gì mà không suy nghĩ về nó.
Chuyện trinh tiết cũng thế. Gia đình, những người bạn nam giới mà tôi có, thậm chí cả những phương tiện thông tin đại chúng luôn nhắc tới trinh tiết người con gái như một thứ chứng nhận về nhân phẩm người con gái đó. Vì sao? Vì Việt Nam nói riêng và nhiều nước Phương Đông nói chung trước kia coi tình dục là một thứ xấu xa. Vì phụ nữ ngày xưa bị đánh giá dựa vào mấy chữ "Công, Dung, Ngôn, Hạnh". Và trớ trêu thay, cái Đức Hạnh ấy lại được đánh giá một phần bằng sự trong trắng này.
Nhưng tôi tự hỏi, chữ trinh ấy đã đóng góp được điều gì tốt đẹp cho những cặp đôi yêu nhau, những cặp vợ chồng và toàn xã hội?
Đối với những cặp đôi yêu nhau, chữ trinh buộc họ phải kiềm chế tình cảm của mình, phải gìn giữ và không được vượt quá giới hạn.
Nếu các bạn nam có tư tưởng cổ điển, muốn gìn giữ cho người mình yêu thì còn chấp nhận được. Tiếc là đa số nam giới muốn có càng nhiều bạn tình càng tốt. Thậm chí nhiều người còn coi việc săn gái trinh và đưa các em lên giường như một chiến tích, sau đó rũ bỏ họ... Việc gìn giữ trinh tiết, mặc nhiên trở thành nhiệm vụ (và gánh nặng) của những người con gái.
Đối với những cặp vợ chồng thì sao? Vẫn những người đàn ông ấy, dù là tư tưởng cổ điển hay là thích chăn "rau sạch" như tôi đã nói ở trên, cuối cùng vẫn cứ muốn vợ mình trinh trắng trong đêm tân hôn.
Bao nhiêu người vợ đã phải chịu sự dày vò, đay nghiến của chồng và nhà chồng khi không phải là cô dâu trinh trắng. Bao nhiêu gia đình đã tan vỡ vì người vợ không chịu được mặc cảm tội lỗi khi bước chân về nhà chồng. Và những người chồng không thể chấp nhận được việc không được là người đàn ông đầu tiên của vợ.
Mà cũng đã hết đâu. Những người con gái trinh trắng bước chân về nhà chồng cũng chưa chắc đã hạnh phúc. Các ông chồng (nhiều khi đã quá giỏi giang trên đường tình) lại bắt đầu tỏ ra chán ghét cái sự ngoan hiền của vợ. Họ lại mơ về những người đàn bà giỏi "chuyện ấy". Chữ trinh - gánh nặng của người con gái chưa chồng cuối cùng trở thành gánh nặng của cả những người phụ nữ đã có chồng!
Còn xã hội thì sao? Xã hộichúng ta lâu nay bị kìm hãm trong tư tưởng trọng nam khinh nữ. Chỉ vài năm gần đây mới bắt đầu thực hiện bình đẳng giới. Thế nhưng cái sự bình đẳng ấy còn lâu mới triệt để được nếu tư tưởng con người vẫn chưa được giải phóng.
Xin đừng hiểu lầm tôi, tôi không phải là người theo chủ nghĩa nữ quyền, đòi đặt phụ nữ lên đầu lên cổ đàn ông vì chúng tôi là phụ nữ. Tôi ý thức được người phụ nữ có những thiên chức không thể chối bỏ được. Đó là thiên chức của người vợ, người mẹ, người bà. Và nếu chối bỏ những thiên chức ấy, những vị trí ấy, người phụ nữ khó có thể hạnh phúc, xã hội này cũng khó có thể phát triển.
Nhưng tư tưởng coi trinh tiết thể hiện đạo đức người phụ nữ kì thực đã gây ra hệ lụy rất lớn cho xã hội. Dẫn chứng rất rõ: nạn tảo hôn hiện đang là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước Trung Á. Và chúng đều có lý do sâu xa là ở vấn đề trinh tiết.
Hàng ngày, hàng giờ, có những bé gái chưa kịp biết đến tình yêu đã phải về nhà chồng. Bởi cha mẹ các em sợ rằng các em sẽ không giữ nổi trinh tiết cho tới tuổi trưởng thành. Và điều đó đồng nghĩa với một vết nhơ cho gia đình, dòng tộc, thậm chí cả cái chết. Còn đàn ông không bao giờ phải chịu sự bất công đó, bởi tạo hóa không tạo ra một "vật chứng" nào trên cơ thể của họ.
Tôi là con gái còn trinh và chưa bao giờ tôi nghĩ tới chuyện trở thành một người con gái dễ dãi trong chuyện tình yêu. Thậm chí trước đây, tôi hiếm khi nào suy nghĩ về vấn đề trinh tiết. Bởi nền giáo dục của gia đình tôi coi chuyện người con gái trinh trắng khi về nhà chồng là điều đương nhiên.
Nhưng rồi những luồng thông tin trái chiều đã buộc tôi phải suy nghĩ nghiêm túc. Tôi ít nhiều thay đổi suy nghĩ về vấn đề này. Quyết định của tôi thì vẫn vậy thôi: tôi sẽ cố gắng gìn giữ trinh tiết của mình cẩn thận, nhưng không phải vì việc còn trinh trắng là điều gì đáng tự hào.
Chẳng qua tôi hiểu quá rõ rằng: có quá nhiều người đàn ông không có được suy nghĩ đúng đắn về vấn đề trinh tiết, và xã hội Việt Nam chưa thể một sớm một chiều mà thay đổi quan điểm cổ hủ này.
Tôi cũng không muốn mình trở thành một trong số những người con gái khóc lóc vì bị "lừa" mất chữ Trinh. Tôi cũng không muốn sau này về nhà chồng mà phải chịu những cái nhìn soi mói... Vì thế tôi cố gắng giữ mình như một cách tự vệ, chỉ để không bị rơi vào thế yếu! Nhưng tôi thật lòng mong muốn người phụ nữ cũng có quyền tự do với cơ thể mình mà không phải chịu bất cứ sự đánh giá, dày vò bất công nào từ bất cứ ai.
Người Ấn Độ có một câu nói về tình yêu thế này: "Sự hòa hợp về Trí tuệ tạo ra sự Kính trọng. Sự hòa hợp về Tâm hồn tạo ra Tình bạn. Sự hòa hợp về Thể xác tạo ra Đam mê. Chỉ khi có cả ba sự hòa hợp ấy thì Tình yêu mới có thể nảy nở".
Đọc những tâm sự của các bạn gái hay bạn trai bàn luận về vấn đề này và nhất là tâm sự đắng lòng của bạn N. Thủy trên, thực sự tôi không biết đến bao giờ những người con gái Việt Nam mới được hoàn toàn giải phóng khỏi chữ Trinh để tận hưởng tình yêu trọn vẹn?