Cuối cùng thì chị cũng đã buông tay sau suốt 2 năm dằn vặt, đau khổ. 2 năm cho 1 vai diễn mà chị luôn phải tự giằng xé tâm can với câu hỏi: Có tiếp tục tha thứ, tiếp tục chịu đựng để phủ lên tổ ấm của mình một lớp sơn mà người ngoài ai nhìn vào cũng bảo là chị thật có phúc?
Chị sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang. Đúng như câu ví von của người đời “Chè Thái, gái Tuyên”.Một cô gái vùng sơn cước xinh đẹp, da trắng, má hồng và đặc biệt là đôi mắt màu nâu. Những người gặp chị vẫn thường bảo chị có đôi mắt cười khiến cho ai tiếp xúc cũng cảm thấy dễ chịu và gần gũi.
Ngay từ nhỏ, chị đã có năng khiếu đặc biệt với cải lương và ước mơ trở thành một diễn viên hát cải lương chuyên nghiệp. Sau này, chị chọn thi vào trường Đại học Sân khấu điện ảnh để thực hiện mơ ước của mình. Và chị đã trở thành một nghệ sĩ cải lương thực thụ, đứng trên sân khấu để hóa thân vào nhân vật, để chuyển tải những cảm xúc nội tâm phức tạp đến đông đảo công chúng. Chị đã từng thành công, đã từng ôm rất nhiều hoa về nhà với niềm vui sướng khó tả sau mỗi đêm diễn.
Có lẽ cuộc đời của chị sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu không gặp anh – chồng chị. Dân gian vẫn lý giải cho những cuộc gặp gỡ giữa con người với nhau bằng hai từ “duyên số”. Nhưng đâu phải cuộc gặp gỡ nào cũng là duyên lành. Đó cũng có thể là “duyên dữ”.
Anh là giám đốc của một doanh nghiệp xuất nhập khẩu hơn chị 10 tuổi. Có chức, có địa vị và có tiền. Anh si mê chị ngay từ lần đầu tiên xem chị hóa thân vào nhân vật Triệu Thị Trinh oai hùng trong vở “Nhụy Kiều tướng quân” nổi tiếng một thời.
Cứ thế trong tất cả các buổi diễn của chị, anh đều mang hoa đến tặng cùng với một tấm thiệp ghi những lời nhắn nhủ yêu thương. Anh chị hẹn hò được hơn 1 năm rồi làm đám cưới. Anh yêu chị và chiều chuộng, chăm sóc cho chị từ những thứ nhỏ nhất. Anh cũng mê cải lương và vẫn chở chị đi diễn đều đặn cho đến 3 năm sau khi chị mang thai đứa con đầu lòng thì cuộc sống bắt đầu có những thay đổi.
Anh phản đối việc chị đi diễn mỗi đêm. Nhưng vì nhớ sân khấu nên chị quyết định chỉ diễn đến tháng thứ 6 rồi sẽ ở nhà. Cuộc sống gia đình bắt đầu có những mâu thuẫn. Anh phản ứng bằng việc không chở chị đi diễn nữa nhưng chị vẫn đi một mình vì bác sĩ nói sức khỏe của chị và con chị đều tốt.
Những đêm chị đi diễn về, anh vẫn pha sẵn một cốc sữa cho chị nhưng vì giận nên anh không nói chuyện mặc cho chị đã nhờ đến bác sĩ giải thích việc chị đi diễn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của hai mẹ con.
Đến khi chị sinh một bé trai kháu khỉnh, ai cũng bảo chị thật có phúc, có chồng giỏi con xinh thì còn gì bằng. Lúc đó chị vẫn thầm cảm ơn ông trời vì đã cho chị nhiều điều hạnh phúc. Thời gian chị sinh con, anh luôn ở bên cạnh chăm sóc, cưng nựng. Thậm chí anh còn hủy cả 1 chuyến công tác nước ngoài để ở nhà chăm sóc chị.
Gia đình nội ngoại ai cũng vui mừng. Buổi đầy tháng con anh chị làm tiệc để mọi người cùng chúc mừng…Nhưng đúng là ở đời chuyện gì cũng có thể xảy ra. Trong lần khám định kỳ cho con, bác sĩ thông báo là con chị bị mắc chứng thiếu i-ốt ở trẻ, có thể bé sẽ không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác mà phải dùng thuốc suốt đời. Nhưng nếu điều trị từ nhỏ thì sau này có thể không phải phụ thuộc vào thuốc nữa.
Chị đã phải nhờ bác sĩ nói đến lần thứ 3 mới tin đó là sự thật. Cơ thể chị hoàn toàn suy sụp, ôm con trong lòng mà nước mắt chị lăn dài. Chị khóc nấc lên thành tiếng ngay trong phòng khám…con chị cũng khóc…Về đến nhà chị vừa khóc vừa nói cho anh biết về tình hình của con, anh chết lặng người và anh cũng khóc…
Từ hôm đó, tổ ấm nhỏ của chị bắt đầu xáo trộn. Anh thường đi làm về muộn, thường đi công tác dài ngày. Thỉnh thoảng anh mới ở nhà bế con 1 lúc rồi lại ra ban công hút thuốc. Chị biết là anh buồn nên đã động viên anh nhiều hơn vì bác sĩ nói: nếu điều trị ngay từ nhỏ thì sau này có thể sẽ bình thường và không phải dùng thuốc nữa. Nhưng anh đã to tiếng. Anh đổ lỗi cho việc chị không nghe lời anh, trong lúc mang bầu vẫn đi diễn, anh dằn vặt chị, vì chị mà con phải mang căn bệnh đó…Chị chết lặng người, không nói thêm được câu nào…Chị đến ôm con và khóc, thì thầm nhận hết lỗi về mình…
Từ đây cuộc sống hôn nhân của chị rẽ sang 1 hướng khác. Anh lấy lí do bận việc nên ít về nhà phải thường xuyên đi công tác. Một mình chị vẫn chăm con với tâm trạng của một người có lỗi. Qua 6 tháng vì bà nội không được khỏe nên mẹ chị ở quê lên chăm cháu để chị đi làm.
Vở diễn đầu tiên chị trở lại với sân khấu sau gần 1 năm xa cách là một người phụ nữ bị phản bội khi chồng đi xuất khẩu lao động. Chị diễn nhập tâm hơn bao giờ hết, chị khóc, đau khổ, dằn vặt và suy sụp. Khi vở diễn kết thúc, mọi người đứng dậy vỗ tay, chị nhận được nhiều hoa cùng những lời khen ngợi của khán giả. Đêm hôm ấy đi diễn về, chị thấy mình được trở lại như ngày xưa, được đi dọc con phố hít đầy hương hoa sữa mùa thu. Chị thấy yêu đời…
Vai diễn đầu tiên đánh dấu sự trở lại của chị tưởng chừng chỉ diễn ra ở sân khấu, nhưng không ngờ chị phải diễn lại 1 lần nữa ngay chính trong cuộc sống đời thực của mình. Chồng chị đã quan hệ với 1 cô gái khác được 3 tháng. Cô ấy là nhân viên trong công ty của chồng chị. Đó là những thông tin chị biết được qua 1 người bạn cũng làm trong công ty đó.
Chị không khóc, cũng không tức giận mà người chị mềm lại như người mất hồn. Cuộc sống của chị và đứa con đáng thương của chị sẽ ra sao? Đó là suy nghĩ đầu tiên sau khi chị nghe được tin chồng ngoại tình. Chia tay ư? Liệu đó có phải là giải pháp?
Hôm đó chồng chị cũng không về nhà, chị biết anh không đi công tác. Chị ôm con thầm khóc không để mẹ chị nhìn thấy…hôm sau chị hỏi thẳng chồng về mối quan hệ với cô nhân viên kia. Ban đầu anh chối nhưng sau đó anh thừa nhận. Anh xin chị tha thứ và cho anh thêm thời gian để giải quyết mối quan hệ với cô gái đó vì cô ấy cũng là nhân viên của công ty.
Chị nói chia tay, nhưng anh không đồng ý. Anh cầu xin chị không bỏ anh vì anh không thể sống nếu thiếu chị và con. Chỉ vì thời gian qua có nhiều chuyện buồn nên anh mới mắc sai lầm, anh sẽ nhanh chóng chấm dứt mối quan hệ này. Chị im lặng không nói lời nào. Từ hôm đó anh về nhà thường xuyên hơn, bế con nhiều hơn và vào bếp nấu ăn. Nhưng mỗi lẫn chị hỏi về mối quan hệ với cô nhân viên kia thì anh đều nói là chỉ 1 thời gian nữa sẽ kết thúc vì cô ấy đang gặp khó khăn và lảng sang chuyện khác…
Chị vẫn âm thầm chịu đựng. Nhiều khi nhìn vào gương chị vẫn tự hỏi: “Mình có biết ghen không? Có. Mình có khó chịu đến nỗi không thở được khi nghĩ chồng mình đang vòng tay ôm một người phụ nữ khác không? Có"…Nhưng cuối cùng chị vẫn phải chịu đựng, coi như bình thường vì chị nghĩ để xảy ra cơ sự này mình là người có lỗi…
Cho đến một hôm chị được mời đến hát cải lương ở một nhà hàng sang trọng thì mọi chuyện bắt đầu quá sức chịu đựng. Từ cánh gà sân khấu chị nhìn thấy chồng mình đang dùng bữa tối với 1 cô gái cùng những cử chỉ âu yếm, thân mật. Chồng chị đang đeo cho cô gái kia 1 chiếc dây chuyền. Chị có nên lao ra đánh ghen giữa nhà hàng này không? Có cầm cốc nước hắt thẳng vào mặt anh? Có bạt tai hay túm tóc cô gái kia vì đã cướp chồng chị không? Không. Chị không làm được những điều đó. Nước mắt chị trào ra, bàn tay run run đưa lên lau nước mắt, mọi thứ quay cuồng, đảo lộn hết cả. Chị lao ra khỏi nhà hàng trong cái lạnh buốt của mùa đông. Hình như trời đang mưa phùn…
Chị về nhà, người đã ướt sũng. Mặt chị xám lại vì cái lạnh tê tái và vì một nỗi đau mà chị đã cố gắng kìm nén từ nhiều tháng qua. Con chị đang ngủ ngoan cùng bà ngoại…Chị vào nhà tắm soi gương, có phải chị đây không? Tàn tạ, héo mòn…Còn đâu hình ảnh của một Triệu Thị Trinh oai hùng như trước đây chị đã từng hóa thân trên sân khấu?
Chị đã nghĩ đến hai từ chia tay. Nhưng ở đời đâu phải cứ sống và tuân thủ theo pháp luật là xong, còn dư luận còn gia đình. Ba tháng nữa em gái chị sẽ làm đám cưới, chẳng lẽ chị lại li hôn khi em chuẩn bị kết hôn? Đêm đó dĩ nhiên chồng chị lại không về nhà, và chị lại khóc trong sự đau đớn, dằn vặt…
Vậy là từ đó, chị cố gắng giấu kín tất cả mọi nỗi khổ vào trong để tạo một lớp vỏ bọc cho một gia đình hạnh phúc. Ngày cưới em gái cũng đã đến, vợ chồng chị đem con về quê để dự đám cưới. Họ hàng nội ngoại ai cũng bảo bố mẹ chị có phúc nên cả 2 cô con gái đều đã có nơi có chốn, lấy được những người chồng giỏi giang, giàu có. Bố mẹ chị cười vui sướng lắm. Tim chị đau nhói nhưng vẫn cố gượng cười trước những lời khen như thế…nhưng rồi chị cười thật, cười một cách thoải mái cho một vai diễn đau đớn nhất trong cuộc đời diễn viên của chị.
Khi con chị được hơn 1 tuổi, bác sĩ nói rằng bé đang phát triển bình thường vì được điều trị từ đầu nhưng về lâu dài vẫn phải kiên trì uống thuốc. Chị vui sướng muốn hét lên vì sung sướng. Con của chị sẽ được vui chơi, được đi học như những đứa trẻ khác, chỉ nghĩ đến đó thôi mà nước mắt chị cứ trào ra vì vui sướng…
Ngày sinh nhật tuổi 30 chị bắt đầu viết nhật kí cho con. Chị kể cho con nghe khoảng thời gian chị hạnh phúc với những vai diễn, niềm vui sướng khi lần đầu chị biết mình sắp được làm mẹ, và khi con chào đời…Chị chỉ viết về những niềm vui ấy còn những nỗi buồn chị sẽ giữ cho riêng chị… Sau tất cả mọi chuyện chị thấy mình mạnh mẽ hơn, chín chắn hơn và biết cách níu lấy sự lạc quan giữa cuộc đời.
Viết nhật kí cho con xong, chị bắt đầu lấy một tờ giấy viết lên đó những con chữ đầu tiên của một lá đơn xin li hôn… Cuộc hôn nhân 6 năm, chị đã muốn chịu trách nhiệm đến cùng, nhưng rồi chị đành buông tay để nắm lấy bàn tay đứa con đáng thương của chị, nắm lấy bàn tay của chính chị và cũng là để giải thoát cho chính mình.
Ai đó đã từng nói rằng: “Không bao giờ là quá muộn để học cách tay trái cưu mang tay phải, còn hơn cả hai bàn tay đều chỏng chơ vì níu kéo sai một bàn tay không thể thuộc về”… Chị đã tự kết thúc vai diễn mà chị cho là đau khổ nhất như thế…
Rồi đây cuộc đời sẽ còn mang đến nhiều vai diễn khác. Giữa sân khấu cuộc đời ấy, sẽ chẳng có ai được lựa chọn vai diễn cho riêng mình nhưng ít nhất chị cũng hiểu rằng: Một vai diễn dù là vui sướng hay khổ đau thì đó cũng là đường đời, mà đã là đường đời thì mỗi khi vấp ngã con người ta phải biết đứng dậy để bước tiếp.