Có đến khoa Ngoại vú Bệnh viện K mới thấy lắm cảnh đời éo le, bất hạnh của những người đàn bà mang căn bệnh độc ác này.
Bắt đền vì vợ "hết hạn sử dụng"
Trên một chiếc giường, hai người phụ nữ vừa phẫu thuật ung thư vú đang nằm trở đầu đuôi. Bệnh nhân khoảng 50 tuổi tên Liên, được một phụ nữ trạc tứ tuần chăm sóc, ai cũng tưởng là em gái. Nhưng thực ra, đó là chị ruột bệnh nhân. Bệnh tật và sự khổ đau trong đời sống riêng khiến Liên tuy mới 37 tuổi mà đã già như một bà lão. Mấy ngày nằm viện, cô con gái 13 tuổi của chị thỉnh thoảng đi xe ôm vào thăm, còn chồng tuyệt đối không thấy đâu.
“Các bác đừng nhắc đến thằng khốn nạn ấy làm gì”, chị gái Liên căm phẫn. “Đừng nói chuyện chăm nom, hắn còn đang bắt đền cả nhà chúng tôi đây này”.
Chị gái bệnh nhân cho biết, Liên vào viện lần này là để cắt nốt bên vú còn lại. Lần trước mổ xong, chồng chị Liên bảo thế là ổn rồi, không cần xạ trị hóa trị gì nữa. Ai ngờ bây giờ u mọc nốt cả vú bên kia, mới hay là do trước không được điều trị triệt để. Lần này thì ông chồng phó thác hết cả viện phí, thuốc thang lẫn việc chăm sóc cho nhà vợ, cho rằng mình đã hết trách nhiệm.
Từ sau ca phẫu thuật cắt vú đầu tiên, chồng Liên đã luôn tỏ ra hậm hực, đá thúng đụng nia. Rồi anh ta nói toạc ra rằng số anh ta là số chó, đàn bà có cái ngực mà bị cắt béng đi thì còn ra cái giống gì nữa. Ấy thế nhưng anh ta vẫn bắt chị “thực hiện nghĩa vụ làm vợ”. Mỗi lần “quan hệ”, khi thì anh ta lật áo vợ ra xem ngực và rủa cái số đen đủi của mình, khi thì bắt vợ đậy lại kẻo làm anh ta mất hứng. Vì thế, mỗi lần “chiều chồng” của Liên là một lần đọa đày, đau đớn và tủi nhục không sao kể xiết.
Vẻ ngoài của Liên tiều tụy, héo hắt đi nhanh đến nỗi cuối cùng thì gã chồng không còn hứng thú gì với chị nữa, và chị cũng không đủ sức để “chiều” nữa. Nhưng bản năng đàn ông của một kẻ mới 40 tuổi vẫn còn nhiều thôi thúc, đòi hỏi. Hắn muốn đi chơi gái để “bù đắp”, nhưng chẳng có tiền. Thế là bao hậm hực, hắn trút hết lên vợ và nhà vợ.
“Nhiều lần thằng mất dạy ấy đến gặp mẹ tôi đòi tiền, hoặc oán trách bà gả cho hắn người vợ bệnh tật. Hắn nói em tôi gây thiệt hại cho đời trai của hắn quá, đã mất cả đống tiền chữa trị, đã không làm việc nuôi con được lại còn không phục vụ nổi chồng trong chuyện kia. Hắn còn bảo mẹ tôi có nghĩa vụ cho hắn tiền để hắn đi xả bên ngoài, nếu không hắn sẽ ly dị em tôi”.
Một chị khác cũng đã phẫu thuật được mấy ngày, đang chuẩn bị xuất viện, nói: “Chuyện đấy cũng có gì lạ đâu. Tôi đây này, đi mổ cắt tử cung cũng chỉ có anh chị em chăm sóc. Lần trước tôi bị cắt vú phải, chờ vết thương khỏi hắn bảo với gia đình tôi rằng hắn chăm tôi đến thế là trọn nghĩa rồi, giờ hắn ốc không mang nổi mình ốc, nên đành phải trả tôi về nơi sản xuất. Mà hắn có chăm tôi ngày nào, toàn mẹ và các chị em tôi thay nhau cả”.
Nói đến chồng, bệnh nhân này rất hận, vì trước đây mỗi lần chồng, hay bố mẹ, thậm chí anh chị em chồng ốm đau, chị chẳng những chăm sóc tận tình mà còn phải đóng góp tiền bạc rất nhiều, đến khi mình bệnh tật thì bị bỏ rơi như một cục nợ.
Chuyện những ông chồng bạc bẽo làm cả phòng, từ bệnh nhân đến người nhà, căm phẫn. Vì thế, những người đàn ông đang chăm vợ ở đây đều được dành cho ánh nhìn thiện cảm kèm theo lời khen ngợi, gấp 10 lần những phụ nữ chăm chồng.
Vợ ung thư vú, chồng chơi gái tẹt ga
Nhắc đến chị Tú (40 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội), hàng xóm ai cũng tặc lưỡi thương cảm cho chị và ngán ngẩm người chồng bạc bẽo. Chị bị cắt một bên ngực do ung thư cách đây 6 năm, đến nay thì bác sĩ kết luận là khỏi bệnh. Như vậy cũng được coi là phúc lớn. Nhưng khó có thể nói thế về đời sống riêng của chị, bởi bệnh tật đã kéo theo sự phụ bạc trắng trợn của người chồng.
Anh chồng này đi làm thợ hồ, thỉnh thoảng mới về. Từ hồi vợ bệnh, anh ta càng ít về hơn và không đưa tiền cho vợ nữa, được đồng nào để cất riêng và chơi gái. Qua miệng người trong làng, chuyện đến tai Tú. Biết thân phận mình, chị không dám giận dữ, làm căng với chồng, chỉ muốn đề cập đến chuyện này một cách ý tứ hơn. Chị nhắc chồng cẩn thận kẻo lại lây bệnh tật từ đám gái giang hồ.
Nhưng anh chồng đã trả lời bằng một câu rất phũ: “Mẹ mày khỏi lo cho mất công. Tao có bệnh cũng có lây được cho mẹ mày đâu”. Tú bật khóc. Quả thật, lây làm sao được khi từ lâu anh ta đã không thèm đụng đến chị nữa.
Chuyện của chị Lương (thành phố Thanh Hóa) càng đau lòng hơn. Anh chồng chị không mua dâm gái lầu xanh mà dùng tiền bao bồ. Sau khi chán bà góa trẻ trong xóm, anh chuyển sự “sủng ái” sang cô gái mở quán gội đầu ở phố chợ. Cô này đã ngoài 30 tuổi mà chưa có chồng, mặt mũi hơi khó coi nhưng được cái người nảy nở, ngon mắt. Chị Lương nghĩ mình thân thể khiếm khuyết, chồng chán cũng phải, bản thân chị cũng tắt lạnh ham muốn nên cam chịu cho chồng ngoại tình.
Thế nhưng chồng chị không dừng ở đó. Một thời gian sau, không biết cô nàng kia ỏn thót thế nào mà anh dẫn cô ta về nhà. Cô gái thản nhiên “chào chị cả”, rồi mang túi đồ vào phòng vợ chồng chị. Anh chồng bảo vợ từ nay ra chỗ khác ngủ cho khỏi bị làm phiền. Lương gạt nước mắt mang gối ra nằm ở cái phòng xép đựng đồ linh tinh. Thế nhưng hằng đêm, chị vẫn nghe những tiếng động của dục tình từ căn phòng cũ, cùng tiếng rên rỉ, cười đùa vang to một cách cố ý của cô gái kia.
Đem chuyện này nói với bố mẹ chồng, chị Lương chỉ muốn ông bà góp ý với anh ta. Chị bảo đàn ông có nhiều ham muốn nhục dục, chị không dám ngăn cản hay oán trách, nhưng anh nên làm chuyện đó ở ngoài, đừng dắt gái về nhà bêu xấu gia đình, lăng nhục vợ. Không ngờ, bố mẹ chồng Lương lại mắng chị không biết điều.
“Chị đã chẳng đẻ được đứa con nào, nay lại bị cái bệnh ấy thì còn hy vọng gì nữa”, mẹ chồng nói, “Thật khổ cho thằng con tôi, nai lưng ra nuôi vợ bệnh, con cái chả có. Chị đừng đổ cho nó ham hố chuyện kia. Nó có nghĩa vụ phải sinh con nối dõi cho cái nhà này nên mới dắt người ta về. Như ngày xưa thì lẽ ra chị còn phải mang trầu cau đi hỏi vợ cho nó nữa kia. Nói thật, nhà tôi là nhà đạo đức, chứ không thì con tôi phải bỏ chị từ lâu rồi”.
Bây giờ thì chị Lương đã dọn về ở nhà bố mẹ đẻ. Thấy cảnh trái ngang, nhiều người xung quanh khuyên bố mẹ chị sang nhà con rể, nhà thông gia làm ầm lên một mẻ, vạch cái bộ mặt bất nhân của họ để hàng xóm biết cho đỡ tức. Nhưng ông bà già lắc đầu. Mẹ chị nói: “Thói đời, đàn bà nuôi chồng ốm thập tử nhất sinh thì dễ, vì cái nghĩa vụ đàn bà phải thế, chứ đàn ông nuôi vợ bệnh, mà lại bệnh chết người như thế này, khó lắm, hiếm lắm các bác ơi”.
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. Hãy để Ngoisao.vn đồng hành và giúp bạn! Vui lòng gửi tới email:tamsu@ngoisao.vn. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật và đăng tải những điều mà bạn muốn chia sẻ! |