Đời có trăm ngàn lối nhưng vạn sự trên đời đều không thể tránh được vòng tròn nhân quả. Nhân và quả nối tiếp nhau, ác sinh ác, thiện ắt sinh thiện. Mỗi sự việc xảy đến trong đời người đều bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là những hành vi mà chính ta đã từng thực hiện. Đừng mong thành quả ngọt ngào nếu như ta chỉ gieo trồng toàn hạt giống xấu xa. Ngược lại, nếu thành tâm hướng thiện, giúp đời, giúp người thì những điều tốt đẹp sẽ tự nhiên tìm đến.
Kết hôn đã gần 10 năm mà Vương Cường và Trương Lợi vẫn chưa có một mụn con dưới gối. Mặc dù đã chạy chữa khắp nơi, điều dưỡng nhiều loại thuốc, thử không ít biện pháp từ đông đến tây y nhưng trong nhà vẫn vắng tiếng cười con trẻ. Sau nhiều cuộc thăm khám không thành công và phải chịu áp lực sinh con nối dõi từ họ hàng, Trương Lợi ngày càng suy sụp. Thương vợ, Vương Cường thường xuyên ở bên cạnh an ủi, động viên và đưa Trương Lợi đi du lịch để cô khuây khỏa. Anh tin nếu kiên trì tĩnh dưỡng, bồi bổ sức khỏe, sẽ có ngày thiên thần nhỏ tìm đến với vợ chồng họ.
Năm ấy, Vương Cường đưa vợ về quê nghỉ ngơi, thăm người thân để giải tỏa căng thẳng sau một đợt điều trị dài. Không ngờ, chuyến đi đó đã mở ra một bước ngoặt lớn thay đổi cuộc sống của họ. Trong thời gian ở quê, sau khi Trương Lợi giãi bày khát khao làm mẹ với một người họ hàng, cô được người ấy khuyên đi cầu tự ở một ngôi miếu trên núi Đại Thanh gần đó. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn quanh đây sau khi chạy chữa mọi biện pháp không ăn thua đã thử cách này và may mắn có con.
Trương Lợi như người đuối nước vớ được cọc, vội về nhà bàn với chồng soạn lễ đến miếu cầu tự, biết đâu ông Trời thương tình mà thỏa mãn mong ước bấy lâu của hai vợ chồng. Dù chỉ có một tia hi vọng mong manh, cô vẫn quyết định thử và còn yêu cầu chồng phải đi cùng mình để thể hiện sự thành tâm. Vương Cường lúc đầu không mấy tin tưởng vào những biện pháp an ủi tinh thần vì cho rằng chúng không hề có cơ sở khoa học. Sau vì thương vợ nên anh đành bằng lòng để cô vui.
Hai vợ chồng chọn ngày lành sắm sửa lễ vật đến miếu cầu tự trên núi Đại Thanh, thành kính dâng hương cầu xin bề trên phù hộ cho Trương Lợi sớm ngày có tin vui. Lễ vừa xong, hai người nán lại một hồi đi ngắm cảnh. Chẳng mấy khi được rời xa chốn thị thành khói bụi để sống trong không khí mát lành của miền làng quê thôn dã. Vừa bước chân ra khỏi ngôi miếu, hai vợ chồng bỗng nghe thấy một âm thanh như tiếng khóc của hài nhi. Giữa bốn bề rừng núi, tiếng oa oa từ xa truyền đến như khuấy động vẻ yên tĩnh, tịch mịch của không gian xung quanh. Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, bình thường đã ít người lai vãng, sao lúc này lại có tiếng khóc của trẻ con?
Sau một thoáng sợ hãi, hai vợ chồng đánh bạo lần theo âm thanh oa oa, đến dưới mái hiên sau miếu cầu tự thì phát hiện thấy một bé trai sơ sinh khoảng một tháng tuổi, trắng hồng, mập mạp, được đặt trong một chiếc giỏ mây, đang vừa quẫy đạp, vừa khóc lớn. Vương Cường nhìn quanh một lượt rồi tiến lại ôm đứa bé lên, vẫn thấy hơi ấm chứng tỏ người bỏ lại nó chỉ vừa mới rời đi không lâu. Anh trao đứa bé cho vợ bồng rồi chạy đi hỏi thăm mấy nhà dân gần đó nhưng cũng không nắm được tung tích gì.
Trời đã về chiều, hai vợ chồng ôm đứa nhỏ ngồi dưới tán cây. Nhìn đứa trẻ đang ngủ ngoan trong ngực, đôi má bầu bĩnh, cái miệng hồng hồng càng ngắm càng yêu, lòng Trương Lợi bỗng nảy sinh một tình cảm lạ kì, muốn che chở cho cậu bé đến mãi sau này. Cô bèn bảo với chồng: “Nếu không có người quay lại tìm em bé, chi bằng chúng mình nhận nuôi. Nếu vợ chồng mình không nghe thấy tiếng khóc, chẳng phải đứa nhỏ đã đói lả rồi. Đây có lẽ là sự an bài của bề trên, là lời cầu nguyện của vợ chồng mình đã linh nghiệm”. Vương Cường cảm thấy lời nói của vợ hợp lí nên cũng xiêu lòng. Lẽ nào ông Trời thấy vợ chồng anh đang mong mỏi có con nên đã rủ lòng thương mang cậu bé này đến. Nghĩ vậy, Vương Cường đồng ý với vợ, tạm thời đưa đứa trẻ về nhà chăm sóc. Sau khi đến trình báo chính quyền, hai vợ chồng làm thủ tục chính thức nhận nuôi em bé, đặt tên là Vương Thanh Sơn để kỉ niệm lần đầu gặp con ở miếu cầu tự.
Như một phép màu, 2 năm sau, Trương Lợi có thai và sinh được một bé gái. Một nhà bốn người tuy không giàu có nhưng chưa lúc nào vắng tiếng cười. Dù có thêm con nhưng vợ chồng họ vẫn yêu thương, chăm sóc Vương Thanh Sơn như ruột thịt. Càng lớn, cậu bé càng tỏ ra là một đứa trẻ thông minh, hiểu chuyện, lại có lòng hiếu thảo với cha mẹ khiến hai người rất hài lòng. Thấm thoắt đã 18 năm trôi qua, lũ trẻ ngày một trưởng thành, chẳng mấy chốc đã trở thành sinh viên đại học.
Một ngày, nhân dịp các con về nghỉ hè, hai vợ chồng đang chuẩn bị một bữa tiệc gia đình thì đột nhiên chuông cửa reo vang. Vương Cường vội chạy ra đón khách và thoáng giật mình với cảnh tượng trước mặt. Một dàn ô tô con màu đen bóng loáng đang đậu ngay ngắn trước cổng nhà anh. Đứng cạnh mỗi xe là một nam thanh niên vạm vỡ mặc âu phục đen và đeo kính mát. Thấy Vương Cường xuất hiện, cửa chiếc xe ở trí trung tâm bật mở, một người đàn ông cao niên ăn vận sang trọng bước xuống, tay vịn ba – toong trạm trổ đầu rồng tinh xảo, miệng ngậm tẩu thuốc, chậm rãi tiến về phía nhà anh. “Xin hỏi, có phải anh là anh Vương Cường?” – người đàn ông nhấc mũ ra khỏi đầu, để lộ mái tóc hoa râm.
Vương Cường đứng bất động vì ngạc nhiên, anh chưa từng gặp qua vị khách này, lại càng không biết ông ta từ đâu tới. Sau một hồi lúng túng, Vương Cường vẫn lịch sự mời ông ta vào nhà. Đôi mắt người đàn ông ánh lên tia cảm kích. Ông ta quay lại ra hiệu cho đoàn người áo đen đứng đợi bên ngoài, chỉ dẫn một trợ lý bước theo sau Vương Cường. Anh gọi vợ ra cùng tiếp khách và dặn các con ở lại phòng ăn.
Dù đã sớm biết đây là một người cực kì giàu có nhưng sau khi nghe người đàn ông giới thiệu ông ta là chủ tịch hội đồng quản trị của một tập đoàn chế biến khoáng sản lớn nhất thành phố, Vương Cường vẫn giật mình. Nhưng điều khiến hai vợ chồng choáng váng hơn là nguyên nhân ông ta có mặt ở đây: “Thực lòng xin lỗi anh chị vì sự đường đột này nhưng hôm nay tôi tới là để tìm lại đứa cháu nội 18 năm trước chính tay mình vứt bỏ, cũng là người sẽ kế thừa khối tài sản kếch sù của tập đoàn. Cháu của tôi không phải ai khác, chính là bé trai năm đó anh chị nhặt về”.
Hai vợ chồng bàng hoàng, không dám tin vào mắt mình, đất dưới chân như sụp đổ. Trương Lợi phải nắm chặt tay chồng mới lấy lại được bình tĩnh. Người đàn ông này sớm không đến, muộn không đến lại xuất hiện đúng lúc gia đình họ đang hạnh phúc và yên ổn. 18 năm nuôi Thanh Sơn, cả hai đều yêu thương thằng bé như con ruột. Nay đã biết được thân thế thật sự của con, họ lại càng lo sợ có ngày người ta sẽ đưa con đi mất. Thấy hai vợ chồng Vương Cường tỏ ý nghi ngờ, người đàn ông giàu có mới kể lại ngọn nguồn câu chuyện.
“18 năm trước, tập đoàn của tôi trúng thầu khai thác quặng tại một khu mỏ trên núi Đại Thanh. Tôi có một cậu con trai vừa thông minh lại khá tháo vát. Mong muốn con được rèn giũa, tôi bổ nhiệm nó làm quản lí dự án khai thác mỏ quặng của tập đoàn. Sau khi tiếp nhận công việc, con trai tôi tổ chức tuyển dụng lao động tại các khu vực nông thôn lân cận, trong đó có mẹ ruột của Thanh Sơn. Cô ấy lúc trẻ nổi tiếng xinh đẹp, dịu dàng nên con tôi vừa gặp đã yêu. Sau một thời gian qua lại, hai đứa có con với nhau. Chuyện này mãi về sau tôi mới biết được và vô cùng giận dữ vì con trai dám bỏ qua cuộc hôn nhân mà tôi đã nhọc công sắp đặt để yêu cô gái nhà nghèo kia.
Lúc đó tôi đã nghĩ nhà hào môn như chúng tôi không thể chấp nhận một cô con dâu xuất thân từ tầng lớp lao động. Vợ của con trai tôi phải thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc, đem lại lợi ích kinh tế cho tập đoàn. Tôi năm lần bảy lượt ép con chấm dứt mối tình này, yêu cầu khi nào đứa trẻ sinh ra phải lập tức mang cho người ta. Tất nhiên thằng bé không chịu, nó và cô gái kia khóc lóc cầu xin tôi cho nuôi đứa trẻ. Sau cùng, tôi cả giận mất khôn, lại bị bẽ mặt với đám bạn bè trong giới vì con trai dám từ hôn với tiểu thư nhà giám đốc ngân hàng nên thừa lúc bọn chúng không chú ý, sai người bắt cóc đứa trẻ đem đi. Năm đó, đích thân tôi cùng trợ lí thân cận ôm Thanh Sơn đến ngôi miếu cầu tự trên núi Đại Thanh với hi vọng sẽ có một cặp vợ chồng hiếm muộn nào đó nhặt được cậu bé. Chắc anh chị không biết nhưng ngày ấy chúng tôi đã trốn trong bụi cây, chứng kiến anh chị chăm sóc đứa nhỏ và mang nó đi tôi cũng thở phào nhẹ nhõm”.
Nghe đến đây, Trương Lợi thắc mắc: “Ông bỏ mặc cháu nội bao năm không thăm nom, sao bây giờ lại tìm đến. Cha mẹ ruột của nó đâu, sao cũng không đi tìm?”
Ông già thở dài, nhấp tẩu thuốc: “Đây đều là quả báo cho những việc làm thất đức trước đây mà kiếp này ông trời bắt tôi phải trả. Sau khi bị cướp đi đứa bé, mẹ ruột Thanh Sơn đau lòng đến ngây dại, chẳng bao lâu sau thì hóa điên. Tôi sai người đưa cô ấy về quê, cung cấp cho người nhà một khoản tiền để chăm sóc rồi không còn liên lạc gì nữa. Về phần con trai tôi, nó vô cùng bất mãn, sa đà vào rượu chè, cờ bạc, rồi mất trong một vụ tai nạn giao thông. Tôi đã gần đất xa trời, bên cạnh không còn một người thân nên nay muốn tìm lại đứa cháu trai duy nhất, cũng là huyết mạch cuối cùng của gia tộc về kế thừa hương hỏa và tập đoàn. Sau này, Thanh Sơn muốn thế nào thì sẽ được như thế ấy. Tôi đã sai lầm một lần, đã hủy hoại đời cha mẹ nó, giờ tôi muốn bù đắp cho con trẻ. Còn về công lao nuôi dạy Thanh Sơn trong ngần ấy năm, tôi xin biếu anh chị một khoản tiền gọi là chút tấm lòng. Mong anh chị hiểu cho thân già này”. Nói xong, người đàn ông lặng lẽ lấy khăn lau nước mắt. Ngồi trò chuyện ít lâu, thấy không khí gượng gạo, ông ta vội từ biệt ra về.
Đời có trăm ngàn lối nhưng vạn sự trên đời đều không thể tránh được vòng tròn nhân quả.Vợ chồng Vương Cường nhìn nhau, còn đang bối rối không biết phải giải thích thế nào với các con thì Vương Thanh Sơn đã đứng bên cạnh họ từ lúc nào. Từ buồng trong, cậu đã nghe hết đầu đuôi câu chuyện về thân thế của mình. Thanh Sơn đột nhiên sà vào lòng cha mẹ, òa khóc: “Cha mẹ, con quyết không nhận người ông nội đó. Bọn họ đã vứt bỏ con, là cha mẹ đã mang con về, cho con cơm ăn áo mặc, nuôi con lớn đến từng này. Con sẽ không đi đâu cả, con mãi là con của ba mẹ”.
Vương Cường thở phảo nhẹ nhõm, xoa đầu con trai. 18 năm trước hai vợ chồng đã làm một việc tốt, hiện tại số phận cho họ những đứa con ngoan. Còn người đàn ông nhà giàu nọ, cuối đời phải sống trong cô độc, âu cũng là kết cục mà ông ta phải trả giá cho những việc làm ích kỉ trong quá khứ.