Theo chị T. nếu một người phụ nữ chỉ có sự thông minh, tài năng thì chưa chắc đã có được cuộc sống hạnh phúc. Còn người đàn bà khôn ngoan, biết lật chuyển, xoay vần thì sẽ có hạnh phúc. Hãy cùng trò chuyện với chị để hiểu rõ hơn về quan điểm “Vợ khôn cần phải gian ngoan” của chị.
Chào chị! Chị từng tuyên bố rằng mình và nhiều phụ nữ khác vĩ đại vì thể hiện sự tận tụy với chồng con?
Tôi đâu cần phải lý lẽ gì nhiều! Cô cứ nhìn vào thực tế đi. Từ xưa đến nay, cho dù các cô, các bà hiện đại, sống thoáng cỡ nào thì tất cả đều coi gia đình là điểm tựa, chồng con là những người quan trọng nhất. Hầu hết các bà vợ mặc nhiên tự áp cho mình nghĩa vụ chăm chút từng li từng tí cho con từ khi còn đỏ hỏn đến lúc yên bề gia thất. Họ tận tụy, mỏi mòn làm hậu phương vững chắc cho những ông chồng đi thâu đêm, suốt sáng, mải mê với sự nghiệp, thỏa thê thể hiện vị trí trụ cột trong gia đình. Còn bản thân họ - những bà vợ thì sao?! Ngay cả những mong muốn, nhu cầu chính đáng của bản thân… họ thường gạt đi với cái chặc lưỡi “Vì chồng, vì con thôi quên đi”. Chính những điều đó làm nên sự vĩ đại của các bà vợ.
Thế nhưng sau đó chị lại cho rằng có thể vì chính giá trị vĩ đại ấy mà những người vợ như chị và nhiều phụ nữ khác sẽ không có được hạnh phúc?
Đúng. Tôi cứ suy từ thực tế mà ra thôi. Sở dĩ tôi xoay sang nói chúng tôi có thể rất vĩ đại nhưng không hạnh phúc là bởi chính bản thân các bà vợ đã tự biến mình thành những người giúp việc không công cho chồng và con. Lúc còn trẻ trung, họ cứ đắm đuối hi sinh, chấp nhận lặng lẽ đứng ở góc khuất nào đó trong cuộc sống để chồng con được rình rang đẹp mặt. Khi đó họ mơ về tương lai tốt đẹp, hạnh phúc về sau khi chồng thành đạt, con trưởng thành.
Tuy nhiên thực tế, khi chồng thành đạt, chồng sẽ bận bịu hơn vì đủ thứ việc: tiếp khách, hợp đồng… Còn con cái, một khi lớn khôn, đủ lông cánh thì chúng lại lo nâng niu vợ/chồng chúng, xây đắp cho cái tổ uyên ương mới thành. Lúc này, bỗng dưng các bà mẹ vĩ đại trở nên trơ trọi, cô đơn và loay hoay với chính sự hi sinh vĩ đại của mình. Cuộc sống sung sướng mà các chị tưởng tượng ra lúc trước thì bây giờ sẽ là: ôsin có lương phục vụ một “ôsin không lương”. Và các bà vợ sẽ cô độc trong chính ngôi nhà của mình. Như thế thì hạnh phúc ở đâu?
Nói như vậy khác nào chị cho rằng sự hi sinh đó là vô ích?
Tôi không nói đó là sự hi sinh vô ích nhé. Ngay từ đầu tôi đã nói rằng đó là sự hi sinh vĩ đại. Chẳng qua là các chị có thừa sự thông minh, nhẫn nhịn nhưng thiếu khôn ngoan. Các chị rất hão huyền khi trói buộc mình vào cái lý thuyết: Để chồng con thành công thì mình phải chịu lép vế yên phận ở góc nhà, nhẫn nhục thế nào cũng được... Tôi cũng từng tin như thế và từng chấp nhận bỏ việc ở nhà chăm chỉ chăm con, vun vén gia đình cho chồng yên tâm xây dựng kinh tế. Và sau vài năm, khi con tôi chỉ mới vào cấp 3, chúng đã “gạt” mẹ ra ngoài. Còn chồng tôi nhiều khi nói chuyện được đôi lời đã “ném” luôn cho vợ một câu nặng trịch: “Nói với em cũng bằng thừa”. Lúc đó chỉ còn biết ngắn tũn mặt, tủi thân mà nhìn chồng xoay lưng bước đi.
Và tôi nhận ra rằng mình thật dại dột và ngu dốt khi làm mẫu "đàn bà xó bếp" chỉ biết chỉn chu, thu xếp ổn thỏa những việc trong nhà. Vì thế với tôi thì cái câu khen “Đằng sau một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ tuyệt vời” chỉ là câu khen bề nổi làm đẹp mặt cho chồng con. Tin vào điều đó là dại dột. Các chị nên tập cho mình sống theo kiểu vợ khôn nhưng phải có chút gian ngoan.
Các bà vợ nên hiểu từ “gian ngoan” đó thế nào đây thưa chị?
Đây nhé! Rõ ràng các chị không thể phủ nhận vai trò của mình là tận tụy với chồng con đúng không? Nhưng các chị nên rạch ròi và phải có mánh khóe khéo léo. Các chị đừng chăm chăm trở thành “ôsin” cho chồng và con. Bởi vì như thế các chị vừa làm hỏng mối quan hệ của mình với gia đình, vừa tự mình đặt thêm gánh nặng lên vai.
Chị có thể nói rõ hơn không?
Các chị phải hiểu rằng mình có thiên chức làm mẹ nhưng điều đó không có nghĩa là một mình các chị phải gánh trọn trách nhiệm chăm sóc và nuôi lớn con cái. Đừng chỉ lúc nào cũng quan tâm, chiều chồng, đáp ứng những nhu cầu của họ. Các chị phải lôi chồng mình vào chia sẻ, gồng gánh nhiệm vụ chăm con, lo lắng việc nhà… với các chị. Nhiều khi các chị cũng nên giả vờ ngô nghê, không biết việc để chồng được trổ tài. Giả vờ biết càng ít để chồng ra tay trợ giúp, dạy mình càng nhiều thì càng tốt.
Đừng quá bao bọc, chiều chuộng con cái. Các chị phải tung chiêu nghiêm trị để chúng tự lập ngay khi còn nhỏ. Đó là cách ứng xử của một bà vợ khôn, vừa gạt được gánh nặng trên vai vừa “đào tạo” được cả chồng và con vào quy củ. Gian ngoan một chút mà sống hạnh phúc vui vẻ thì quá đáng để áp dụng.
"Gian ngoan" có bài bản cũng đâu phải chuyện dễ! Vậy theo chị điều khó khăn nhất với tất cả phụ nữ để trở thành người vợ khôn là gì?
Thực tế nếu không làm vợ, làm mẹ thì người phụ nữ sẽ không thể có và đạt được hạnh phúc. Và cũng chính vì điều đó mà nhiều chị em cứ vô tình tự dồn mình vào thế khó, thế khổ. Các chị thường nhận ra giá trị của mình khi quá muộn màng, đó chính là điều khó khăn khiến các chị trở thành người vợ, người mẹ bất hạnh mặc dù sống trong cảnh đầy đủ vật chất, chồng thành đạt, con lớn khôn.
Vì thế, hãy làm thế nào để tình yêu chồng, thương con không lấn át, che mờ cả bản thân mình. Đừng quên rằng mình là người phụ nữ hiện đại, biết vun vén cho gia đình nhưng tuyệt đối không thể quên vai trò xã hội của bản thân. Chỉ có như thế các chị mới trở thành một người phụ nữ được chồng, con và những người xung quanh đánh giá cao.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!