Nhìn chị vợ tỉ mẩn chọn cho chồng từng cái áo, cà vạt, chồng khều vợ: “Em thấy chị Vy không, chiều chồng hết biết. Ổng đòi mua máy mát xa là mua liền, đòi cái áo hàng hiệu giá cao ngất ngưởng cũng gật luôn. Anh Hoàng thiệt tốt số, đầu sắp hai thứ tóc mà vẫn được vợ cưng y như hồi mới cưới”.
Nghe chồng nói mà vợ nhột, biết chồng muốn mượn chuyện người để nói chuyện mình. Chiếc xe máy vẫn còn mới tinh, vậy mà chồng nằng nặc đòi đổi xe tay ga cho oai. Mỗi tháng, vợ méo mặt lo tiền gạo, tiền chợ, tiền sữa, tiền nhà trẻ cho con đã đuối lắm rồi, có chút tiền dành dụm của ba má cho, phải đề phòng khi con ốm đau, thế mà chồng không chịu hiểu.
Cu Bin sốt đã hai ngày. Cơ quan vợ lại đang đợt thanh tra, chủ nhật cũng bị sếp gọi vào công ty để hoàn chỉnh sổ sách. Lúc đi làm, vợ dặn chồng thuốc của con vợ đã cà sẵn, chia hai cho con uống một lần, bốn giờ sau uống lần nữa. Chồng vừa chúi mũi vô ti vi vừa gật gật “biết rồi”. Làm việc được một lát, vợ gọi về nhắc chồng cho con uống thuốc, chồng lại ờ ờ.
Lát sau, nghe tiếng chồng hốt hoảng trong điện thoại: “Em về ngay đi, cu Bin bị sao ấy”. Vợ lập cập phóng xe về. Người cu Bin lạnh toát, mồ hôi đầm đìa. Hỏi ra mới biết, hai lần thuốc uống, chồng dồn thành một. Hốt hoảng, vợ vội bồng con đến bác sĩ. Nhìn con thiêm thiếp trên giường, vợ phát giận, trách chồng vô tâm, đã dặn rồi vẫn để ngoài tai. Chồng gân cổ cãi, bảo tại vợ không chịu ở nhà chăm con. Cãi nhau chán, chồng giận dỗi: “Thấy chị Hòa hàng xóm không, quanh năm chẳng lớn tiếng với chồng một câu, lúc nào cũng dịu dàng. Em thì càng ngày càng dữ. Hồi đó đâu có vậy”. Vợ tức muốn… la làng.
Vợ chồng chị Hòa đều thành đạt, con cái cũng đã đi làm. Người ta đâu có đầu tắt mặt tối ăn bữa nay lo bữa mai, đâu có nay con đau mai con ốm như mình. Chồng giỏi thì kiếm nhiều tiền mang về cho vợ, thuê người phụ việc nhà, bảo đảm 24/24 lúc nào vợ cũng tươi như hoa, dịu dàng hơn cả… chị Hòa.
Có lần chồng rủ vợ cùng đi họp lớp. Gặp lại các bạn gái cũ, câu đầu tiên của chồng là: “Trông bạn y chang ngày xưa, chẳng thay đổi tí nào”. Quả thật, bạn bè của chồng ai cũng thành đạt nên trông các chị vẫn trẻ trung, tươi tắn. Vợ tủi thân nhìn lại mình, quanh năm vẫn kiểu tóc kẹp sau gáy, mấy bộ comple cứ mặc tới mặc lui. Khóe mắt đã có nếp nhăn, làn da cũng không còn tươi tắn như ngày nào.
Vợ càng buồn khi về nhà lại nghe chồng "hoài cổ": “Hơn 10 năm gặp lại mà chẳng thấy các cô ấy già. Phụ nữ phải vậy mới hay”. Chồng còn kể chuyện một cô trong công ty mới bị chồng bỏ vì lý do gì không biết, nhưng nhìn cô ấy mới lấy chồng có sáu năm mà đã… cũ xì như đồ cổ, chắc là bị chồng chán.
Vợ thở dài. Vợ cũng cố gắng để mình vẫn “y chang như ngày xưa” nhưng lực bất tòng tâm. Vợ cũng thích một bộ đồ hàng hiệu, thèm được đi spa dưỡng da, nhưng nghĩ đến tiền học của con sắp tới kỳ, mấy hóa đơn điện nước chưa đóng, má chồng đang cần tiền mua thuốc… lại tiếc nuối nhịn thèm.
Trò chuyện với chồng, vợ luôn nhắc mình phải mềm mỏng dịu dàng, nhưng vợ là người bằng xương bằng thịt, đâu phải là thánh mà không nổi nóng khi chồng vứt áo bừa bãi cạnh máy giặt, tha cả đôi giày sũng nước vào nhà khi vợ vừa mới lau sàn, mê mải cụng ly với chiến hữu bỏ con đứng một mình trước cổng trường trong chiều chập choạng…
Thay vì đòi hỏi vợ phải “y chang như ngày xưa”, sao chồng không phụ một tay, giúp vợ gìn giữ những thứ ấy? Vợ đã 42 tuổi, sao có thể y chang như hồi 24. Mong ước của chồng vô tình tạo áp lực rất lớn cho vợ, chồng biết không? Chồng lúc nào cũng hoài cổ vợ trẻ trung xinh tươi y chang ngày xưa, vợ càng mong hơn thế nữa, nhưng thời gian vẫn đang trôi, vợ cũ đi tí chút cũng là chuyện đương nhiên. Chấp nhận sự thật thôi, chồng nhé!