Gửi bạn Minh Huệ - người đang có những băn khoăn lớn về việc “Đàn bà ở nhà chồng nuôi liệu có hèn?”!
Tôi xin khẳng định rằng, vợ ở nhà làm nội trợ không hèn một tí nào bạn ạ. Đó là hành động hi sinh cao cả cho gia đình. Vấn đề hiện tại của bạn là chồng và gia đình chồng không hiểu được điều ấy và khinh thường bạn.
Tôi bày cho bạn một cách giải quyết nhé. Hãy đem bài chia sẻ này của tôi cho chồng bạn đọc. Tôi đoán chắc câu chuyện của mình sẽ khiến cho chồng bạn thay đổi tích cực hơn đấy!
Tôi làm nghề sửa và bảo dưỡng ô tô. Nghe công việc có vẻ chân tay vậy thôi nhưng đồng lương kiếm được cũng rất khá khẩm. Vợ tôi trước làm công nhân may nhưng do lương thấp, vất vả, cô ấy xin nghỉ sau khi sinh cháu thứ hai.
Hơn 3 năm vợ nghỉ ở nhà, tôi cũng có suy nghĩ “khinh” vì vợ không làm ra tiền và lệ thuộc mình. Trong thâm tâm tôi nghĩ rằng, vợ chồng tôi đã phân công công việc rất rạch ròi. Việc của tôi là đem tiền về còn việc của vợ là lo tất cả việc nhà.
Vì thế, dù công việc của tôi không đến mức mệt và bận rộn lắm (chủ yếu là trông, đốc thúc thợ và kiểm tra sổ sách của xưởng), tôi cũng không mảy may giúp vợ.
Thái độ với vợ những ngày ấy, giờ nghĩ lại tôi vẫn còn xấu hổ. Buổi trưa vợ có trách nhiệm mang cơm ra cho tôi và thợ ở xưởng. Vợ mà đưa cơm muộn là tôi cáu, càu nhàu mắng em ngay trước mặt thợ “Chỉ có ở nhà lo việc cơm nước mà cũng không xong. Vô dụng!”.
Cứ tối về đến nhà, tôi nằm khểnh xem ti vi. Vợ pha nước chanh để sẵn trong tủ lạnh nhưng tôi cũng lười lấy. Tôi còn hạch sách vợ phải rót ra hầu mình. Con gọi đi ị, đi tè, tôi cũng ới vợ. Nhiều khi vợ gọi điện hỏi tôi có rảnh không đi đón con, tôi càu cạu từ chối: “Cô làm quái gì mà không đón con. Chỉ có ở nhà làm mấy việc vặt mà không nên hồn”.
Những gì tôi nghĩ về vợ lúc ấy chỉ là “ở nhà”, “làm việc vặt”, “nhàn rỗi”, “vô tích sự”… Hành động thiếu suy nghĩ của tôi làm vợ buồn nhiều lắm. Không khí gia đình ảm đạm đi rất nhiều. Rồi cũng đến một ngày, vợ chồng tôi xảy ra xô xát.
Vợ trách tôi không biết đỡ đần, chia sẻ công việc trong gia đình. Em nói tôi đến cuộn giấy ăn nhà để ở đâu tôi cũng chẳng biết (Điều này thì đúng thật). Tôi nói vợ không biết thương chồng đi làm vất vả, ở nhà làm mấy việc cỏn con mà còn tị nạnh.
Tôi bảo vợ “Có giỏi thì đi làm đi”. Vợ bảo tôi “Có giỏi thì ở nhà nội trợ đi”. Thế là hai đứa tôi đổi vai trong một tuần. Dù sao thì công việc ở xưởng cũng đơn giản. Vả lại tôi nghĩ hi sinh chút lợi nhuận để cho vợ biết điều ngoan ngoãn thì cũng đáng lắm.
Sáng đầu tiên được lên chức “ông bố đảm”, tôi dự tính ngủ vùi cả buổi sáng. Chẳng mấy khi được nghỉ ở nhà, phải tận hưởng chứ. Nào ngờ, 5 giờ 30 phút, tôi bị vợ đạp một cái rất đau gọi dậy “Dậy nấu đồ ăn sáng đi anh!”.
Tôi làu bàu lồm cồm bò dậy xuống bếp, bật bếp đặt chảo ốp trứng. Lâu ngày không động vào việc nhà, tôi làm nát bấy quả trứng, lại còn bị cháy đen thui. Lóng ngóng một hồi thì vợ xuống, tôi nhìn cô ấy bằng con mắt tội nghiệp, mong cô ấy thấy “ngứa mắt” mà nhảy vào giúp. Nào ngờ em tỉnh queo rót sữa uống, sau đó kiên nhẫn ngồi ăn trứng cháy của tôi.
Bọn nhỏ thì nhất định không chịu ăn, tôi đành phải đưa hai đứa ra ngoài ăn. Chăm cho các “tiểu quỷ” ăn mới thật là nhọc. Hai đứa con tôi một thì lớp 2, một thì mẫu giáo nhưng đều biếng ăn khủng khiếp.
Sát giờ học rồi mà hai đứa cứ ngồi ngậm, tôi giục thì chúng trề môi dỗi và khóc ầm ĩ ở quán. Tức mình, tôi cho mỗi đứa một cái bạt tai rõ mạnh. Hai đứa càng khóc lớn hơn. Cả quán ăn xì xào tôi là “người bố bạo lực”.
Bác chủ quán đành phải ra giúp đỡ, lau nước mắt cho con tôi và dỗ dành bọn trẻ. Nhìn dấu tay đỏ trên má con, tôi vừa thương, vừa ân hận.
Lo cho 2 con đến trường xong, tôi tự đi ăn, uống chút cà phê rồi ra chợ mua thức ăn để làm cơm đưa tới xưởng. Vợ viết công thức cho tôi làm món đơn giản nhất là thịt rang, rau muống xào, canh sấu.
Mấy bà bán hàng được vợ “phím”, đã chuẩn bị sẵn sàng nguyên liệu, tôi chỉ việc đến trả tiền và mang về. Về nhà, tôi lôi rau ra nhặt. Tôi ngồi cặm cụi cả tiếng đồng hồ mới xong được hai mớ rau, lưng và tay mỏi nhừ. Công đoạn tiếp theo xắt hành tỏi, mắt tôi mờ cả đi vì phải bóc những tép tỏi bé tí, rồi lại cay xè vì thái hành.
Sau đó, tôi trần qua thịt như lời vợ dặn. Chả hiểu sao nồi thịt lúc sôi lại bị trào nước lênh láng ra bếp. Tôi cuống cuồng lấy khăn lau thì bị nồi nước sôi đổ vào tay. Bỏng rát đau kinh khủng nhưng tôi cố cắn răng. Tôi dốc mắm vào để rang thịt. Luống cuống thế nào, tôi làm rơi cả chai mắm vào nồi.
Gần 1 giờ, vợ gọi điện giục mang cơm tới cho thợ ăn, tôi vẫn hì hục đang xào rau và chợt nhớ ra mình đã quên một việc vô cùng quan trọng - cắm cơm. Bữa trưa hôm ấy hoàn toàn thất bại, tôi đành tới xưởng dẫn anh em đi ăn ngoài.
Chiều về chẳng được nghỉ ngơi, tôi phải dọn dẹp đống bề bộn do mình bày ra, rồi nai lưng dọn nhà, thu quần áo và lại lo tới bữa tối. Tôi mệt lắm rồi, muốn ngủ lắm rồi mà việc cứ chình ình ra đấy. Tôi đang cuống cuồng lau dọn thì vợ gọi điện hỏi sao không đi đón con, để cô giáo phải gọi cho vợ.
Tôi chạy xe quáng quàng đến trường thì thấy trường vắng teo. Con tôi đang đứng sụt sịt với bác quản trường vì tưởng bị bố mẹ bỏ rơi. Nhìn đến là tội nghiệp.
Về một cái tôi lại lao vào bếp đánh vật với bữa tối. Bận bịu mà bọn nhỏ cứ nô đùa nhức hết cả đầu. Đã thế thi thoảng còn gọi bố cho đi ị, đi tè rất phiền phức. Bữa tối của tôi thảm hại y như bữa trưa.
7 giờ tối vợ về. Bắt chước tôi, vợ bật ti vi nằm khểnh, gọi với vào bếp “Anh ơi, nước chanh!”. Thấy tôi bộ dạng đáng thương lầm lũi đi ra, vợ cười đắc thắng. Tôi lết thân tàn ra, ôm vợ nũng nịu: “Vợ ơi! Anh xin lỗi! Anh biết em vất vả thế nào rồi. Anh thương em lắm! Ngày mai vợ lại nội trợ nha, anh sợ lắm rồi!”.
Sau ngày hôm ấy, tôi mới hiểu được vợ đã phải hi sinh thế nào cho mình và con. Ở nhà vừa tù túng, vừa quay cuồng với các công việc không tên rất vất vả. Mới có 1 ngày thay vợ mà tôi đã làm rối tung cả nhà. Và quả thật tôi không thể chịu được đến ngày thứ 2 làm nội trợ.
Tôi hi vọng là câu chuyện của mình sẽ giúp cho chồng bạn Huệ và các ông chồng vô tâm khác hiểu và thông cảm với vợ nội trợ của mình. Xin được gửi vài lời đến cho các anh: “Hãy biết thương và đỡ đần vợ mình nhiều hơn để giữ hạnh phúc gia đình nhé!”.
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. Hãy để Ngoisao.vn đồng hành và giúp bạn! Vui lòng gửi tới email:tamsu@ngoisao.vn. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật và đăng tải những điều mà bạn muốn chia sẻ! |