Vợ ky: thương cũng rất thương
Mấy hôm nay nhà anh Văn Chiến - chị Phương Anh xảy ra chiến tranh lạnh, vợ chồng chẳng ai nói chuyện với ai câu nào. Anh Chiến nhìn vợ bằng con mắt khó chịu: “Vợ trơ trơ ra, ky bo không chịu nổi nữa”.
Chị Phương Anh cũng chẳng kém: “Đàn ông mất nết, có tiền vào lại hoắng lên chứ làm gì nữa?”
Nguyên nhân chỉ vì mấy hôm vừa rồi cuối tháng, lương chưa lĩnh, trong ví lại hết sạch tiền tiêu mà có đứa cháu họ từ quê lên học đại học, chẳng lẽ là bậc cô chú mà chẳng cho cháu được xu nào. “Túng quá” trong lúc vợ đi chợ vắng nhà, anh mượn tạm 200 nghìn trong tủ để đưa cho thằng cháu.
Ấy thế mà, lúc về nhà, vừa bước vào nhà, chưa kịp tháo giày, tháo tất, vợ anh đã xông ra truy vấn, xỉa xói chồng, cho anh là kẻ vô lương tâm, người đàn ông tồi tệ, xấu xa khi "chôm chỉa" tiền của vợ.
Anh ngán ngẩm: “Lương tháng được 8 triệu tròn thì đã ‘cống nạp’ vào ngân sách của vợ đã 7 triệu. Còn lại 1 triệu là mình được quyền tha hồ tung hoành với xăng (thì đang lên giá vèo vèo), ăn sáng, giao tế bạn bè (10 lần đồng nghiệp í ới, mình chỉ dám xuất hiện có 1 lần). Có lần mình cũng gợi ý vợ ‘nới lỏng’ thì nàng gắt loạn lên ‘cái ngữ đàn ông mà dắt túi lắm tiền chỉ có là loại hư hỏng thôi. Anh nhìn xem mấy cái lão bụng phệ ngay hàng xóm nhà mình cũng ô tô, tiền lắm đấy, toàn sinh hư thôi. Có gia đình nào êm ấm đâu’. Mình cũng chẳng buồn nói nữa…”
Anh rất yêu vợ, vợ anh đảm đang, thông minh tháo vát nhưng anh đặc biệt khó chịu với hình ảnh chị căng thẳng lẩm nhẩm tính toán tiền vào tiền ra.
Vợ người ta thì cuối tuần, cuối tháng tổng kết ngân quỹ, riêng vợ anh lại cẩn thận hơn, cứ 10 giờ tối hàng ngày là chị lại lúi húi lôi sổ sách, ví tiền ra đếm đếm, đo đo. Anh giật thon thót mỗi khi vợ tuôn ra điệp khúc: “Anh có ‘múc’ của em đồng nào không thế, sao hôm nay tiền lại chênh lệch thế này?”
Anh vẫn thường gọi trêu vợ mình là “siêu siêu sò huyết đại ky”. Chị Phương Anh có một thói quen bất di bất dịch là kè kè bên mình là một cuốn sổ đầy sức mạnh, trong đó từ vài cọng hành tới 1 cân gạo đều được chỉ mặt điểm tên.
Vợ anh được cái rất ủng hộ chồng đi chơi, cứ có dịp gì nghỉ mát, đá bóng, tiệc tùng… chị khuyến khích chồng ngay nhưng cứ nhắc tới tiền phòng thân thì chị cấm cảu: “Công ty đã kêu gọi anh em tham gia thì phải bao hết chứ? Mất tiền thì thôi ở nhà cho được việc”.
Trách thì trách vợ thế thôi chứ anh cũng thương vợ lắm. Anh biết vợ cũng thầm ước có rủng rỉnh tiền để mua một cái váy mới, đã 2 năm nay chị đã sắm gì được cho mình đâu.
Anh xót xa khi vợ tươi roi rói hì hụi tha lôi một đống thứ từ đồ chơi đến quần áo đui què mẻ sứt của trẻ con hàng xóm về để cho các con dùng. Nói vợ thì chị xuề xòa: “Anh này, trẻ con lớn vù vù ấy mà, đi xin còn hơn tốn mấy chục mấy trăm nghìn mang về một bộ đồ con mặc 1 - 2 bữa”.
Anh xót ruột nhìn mấy mẹ con lúi húi dán dán, chỉnh chỉnh đồ chơi gãy nát của trẻ khác.
Phát điên vì vợ ky bo
Tiết kiệm như nhà anh Chiến - chị Phương Anh là một đức tính tốt trong thời buổi giá cả leo thang như thế này, nhưng tiết kiệm đến một mức thái quá lại phản tác dụng. Thậm chí có thể là nguyên nhân dẫn đến hạnh phúc gia đình bị đe dọa.
Gia đình anh Tuyên và chị Quỳnh (Kim Ngưu, Hà Nội) là một ví dụ. Chị Quỳnh nổi tiếng trong xóm là người vợ biết chiều chồng chiều con lại đảm đang, việc gì cũng tươm tất. Thế mà đùng một cái anh chị lôi xềnh xệch nhau ra tòa.
Hóa ra tại chị Quỳnh quản quỹ của anh Tuyên chặt quá. Chị bắt anh hàng tháng phải nộp 95% tổng thu nhập để phụ giúp chị chăm sóc gia đình. Để chứng minh chồng trong sạch, chị ra yêu cầu anh phải gửi email hoặc in bản sao kê thu nhập cá nhân hàng tháng.
Chị còn làm thân với con bé phòng kế toán thế là anh “không chạy đâu cho thoát được cả”. Quỳnh là người đàn bà năng động, cũng là dân kinh doanh nên chị rất chặt chẽ ngay cả với chồng mình.
Anh vẫn chưa được yên thân với 5% lương của mình. Cuối tháng anh vẫn phải chủ động liệt kê thật chi tiết những khoản mình đã tiêu. Chính xác tới đơn vị hàng nghìn đồng: Ngày giờ tiêu gì, ở đâu với ai?... Vì thế, cuối tháng là ngày anh mệt nhất vì phải giải trình những khoản lặt nhặt.
Nhưng một hôm, có người bạn rất thân từ xa mới về, lần này anh không thể từ chối được vì cậu bạn đó trước giúp đỡ anh rất nhiều. Nhưng tiền chỉ có một chút trong túi, mượn chị em, đồng nghiệp lại chẳng hay, nghĩ thế nào anh đi cầm tạm cái điện thoại.
Thấy chồng chưa về, gọi điện lại tắt máy, chị Quỳnh tức lắm, trong đầu chị nảy ra biết bao suy nghĩ rằng chồng bị làm sao, hay chồng bồ nhí phòng nhì nên mới thế này. Chị đứng ngồi không yên, chị gọi điện thoại cho tất cả những ai ở cơ quan chồng mà chị biết.
Gọi điện hỏi thì đã không có chuyện gì, chị còn kể lể chồng hư hỏng tắt điện thoại đi với gái. Ai nghe xong cũng ái ngại cho chị và trách anh Tuyên.
Vừa thấy anh về nhà, chị đã xông ra mắng nhiếc rồi lục soát đồ trên người anh, thấy chồng có men rượu, điện thoại lại mất tích, chị gào ầm lên: “Đồ chồng hư hỏng, lại gái gú rồi đây. Khốn khổ thân tôi, sao tôi khổ thế này?”
Mặc cho chồng giải thích, chị vẫn nhảy chồm chồm lên xỉa xói, đành hanh. Anh là người khá hiền nhưng trước tình cảnh vợ được nước lấn tới như thế, anh nổi giận đập bàn ầm ầm.
Hai vợ chồng cãi nhau một trận ra trò. Anh bỏ đến cơ quan, vừa vác mặt đến, đồng nghiệp đã xúm vào mắng nhiếc anh. Lần này, anh cảm thấy đã đến giới hạn chịu đựng của mình, anh ngồi soạn đơn ly hôn.