NỮ GIỚI » Trắc nghiệm

Những bí quyết nhỏ giúp bạn dễ dàng nhận biết kẻ nói dối

Thứ sáu, 23/01/2015 16:07

(Ngoisao.vn) - Trong giao tiếp hằng ngày, chắc chắn sẽ có lúc bạn bị “xỏ mũi” bởi những lời nói dối. Một cuộc khảo sát cho thấy đàn ông nói dối ít nhất 6 lần mỗi ngày. Vậy làm sao để nhận biết độ trung thực trong từng câu chữ bạn đang được nghe?

1. Nhận biết qua ánh mắt

Thông thường, người đang nói dối sẽ không dám nhìn thẳng vào mắt bạn, ánh mắt họ thường né sang nhìn sàn nhà, nhìn xung quanh. Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp thì ngược lại, họ lại nhìn quá chăm chú, nhìn chằm chằm vào mắt bạn như để tạo sự tin tưởng.

2. Kể lại câu chuyện quá chi tiết

Những kẻ nói dối thường có tâm lý lo sợ bị phát hiện, bởi thế, họ sẽ nói, kể chi tiết hơn, cụ thể hơn bình thường và đặc biệt là cung cấp cho bạn rất nhiều những thông tin khác ngay cả khi bạn không hỏi hoặc không cần biết.

3. Đổ mồ hôi nhiều hơn

Các chuyên gia đã sử dụng máy đo mồ hôi trong bài test tìm ra người nói dối. Trên thực tế, 1 số cá nhân bị đổ mồ hôi nhiều hơn khi họ lo lắng, hồi hộp. Việc đổ mồ hôi cộng với đỏ mặt, nói lắp có thể là dấu hiệu đáng nghi ngờ của 1 kẻ nói dối.

4. Chú ý tới những mâu thuẫn trong chuỗi hội thoại

Nhiều người nói dối bị rơi vào trạng thái bị động, họ không thể kiểm soát được hết những gì đang nói. Bởi thế, khi lắng nghe, bạn có thể tìm ra sự không nhất quán trong lời nói để tố cáo họ đang lừa dối bạn.

5. Yêu cầu họ nhắc lại những gì đã nói

Đây là 1 trong những cách đơn giản mà rất hữu hiệu. Sau khi nghe kể, bạn có thể bảo anh/cô ấy lặp lại câu chuyện 1 lần nữa. Nếu là bịa đặt, họ sẽ rất lúng túng, lo lắng, có khi còn tỏ ra khó chịu với bạn vì sợ kể lại không khớp với lần đầu.

6. Chú ý tới tốc độ nói

Đa số những kẻ nói dối (khi bị hỏi đột xuất) sẽ phải vừa nghĩ vừa nói. Đó là lý do tại sao họ thường nói chậm hơn bình thường, ậm ừ, thậm chí phải dừng lại nhiều lần trong khi nói để tìm ra và nghĩ phải nói gì.

7. Chú ý quan sát biểu hiện bên ngoài cơ thể

Cơ thể người nói dối thường có phản ứng để chống lại sự lo âu, căng thẳng bằng cách giảm lượng máu trên cơ mặt. Do đó, nếu quan sát người đang nói dối, rất dễ nhận ra họ hay cắn môi, gãi tai, gãi đầu một cách khó hiểu.

Minh Huệ (Theo Giadinhvietnam.com)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới