Người ta thường chọn hôn nhân như là một cột mốc đánh dấu một đoạn đường mới, bắt đầu gắn kết hai con người thành một – một gia đình. Quyết định đi đến hôn nhân, cũng giống như hai người đang yêu nhau đã ngầm xác nhận đối phương là người mà mình muốn trọn đời yêu thương, trọn đời gắn bó và còn nhiều mong muốn khác nữa mà người này muốn dành trọn vẹn cho người kia. Hôn nhân vốn mang ý nghĩa rất thiêng liêng và hẳn nhiên đó là đích đến cuối cùng mà những cặp đôi yêu nhau hướng đến. Không bàn đến sau Hôn nhân là gì, tôi chỉ nghĩ đến cảm xúc khi người này muốn tiến đến hôn nhân với người kia. Có phải trong mỗi giây nghĩ về dự định đẹp đẽ đó đều ngập tràn tình yêu và mong muốn được gắn bó?
Yêu không phải để cưới thì để làm gì? Người ta đến với nhau, gọi là “quen nhau”, yêu nhau, trước hết là để tìm hiểu. Tìm hiểu để làm gì? Có phải là để để tìm kiếm một đối tượng phù hợp mà gắn bó trọn đời? Trong quá trình tìm hiểu, có thể nhận ra đối phương có phù hợp với mình hay không, và một khi đã là “không phù hợp”, không ai có quyền và có thể ép ai “ở lại” bên mình. Nếu ép được thì tình yêu lúc đó cũng không còn là tình yêu nữa. Còn nếu như đã hiểu ra đó là người mà mình luôn tìm kiếm, thì có phải hôn nhân là đích đến cuối cùng?
Tôi từng chứng kiến và cũng từng đọc qua những câu chuyện tình mà những người yêu nhau, vì những hoàn cảnh khác nhau (gia đình không chấp nhận, quá nghèo không thể làm đám cưới…) mà họ không thể danh chính ngôn thuận đánh dấu cột mốc quan trọng của cuộc đời mình bằng một đám cưới, nhưng họ vẫn kiên quyết ở bên nhau, bất chấp tất cả. Những người không được gia đình chấp nhận thì kiên trì đấu tranh, có người rời bỏ cả gia đình, những người không có nhiều tiền thì chỉ làm một bữa tiệc nho nhỏ ra mắt họ hàng hay chỉ cần kí tên vào giấy đăng ký và như thế bước vào hôn nhân.
Và tôi cũng từng biết những cặp đôi đến với nhau khi còn trẻ tuổi, chưa có công danh sự nghiệp ổn định, hôn nhân đối với họ thật sự là chuyện xa vời, nhưng họ vẫn nắm chặt tay nhau, cùng cố gắng phấn đấu, cùng dìu nhau đi đến cái đích cuối cùng của một tình yêu đẹp. Vì yêu nhau nên người ta không muốn buông tay, dù có thể nào vẫn muốn được bên cạnh người mình yêu, dù thế nào vẫn nuôi hy vọng về một ngày mai ngập tràn hạnh phúc.
Vậy nếu như yêu mà không muốn cưới thì có phải là yêu? Ai đó có thể nói rằng “Anh yêu em/ Em yêu anh”, nhưng “Em/ anh không phải là người mà anh muốn cưới (hay muốn chung sống trọn đời)” vậy tình yêu đó rồi sẽ đi đến đâu? Bạn có thể nghĩ rằng mình yêu một người, nhưng bạn không hề có ý muốn gắn bó với người đó, vậy tình yêu của bạn có thể đem lại hạnh phúc cho người bạn yêu hay không? Hay là bạn sẽ làm được điều đó trong bao lâu? Đặt trường hợp người bạn yêu cũng không muốn gắn bó, thì rõ ràng hai người ở lại bên nhau hay rời đi đều không còn gì quan trọng. Nhưng nếu người bạn yêu muốn gắn bó bên bạn, thì lúc đó, tình yêu mà bạn nghĩ là bạn dành cho người đó thật sự chỉ là sự ích kỉ, nói đúng ra bạn chỉ đang lấy lớp vỏ “tình yêu” để che đậy mong muốn “được yêu” của mình. Như vậy thì có phải là bạn nên buông tay để” tình yêu” có thể đến được nơi mà nó xứng đáng được dành cho?
“Người ta gặp nhau và nảy sinh cảm xúc có thể là do định mệnh, nhưng ở lại hay ra đi hoàn toàn là do sự lựa chọn của mỗi người”.
Đích đến của tình yêu là hạnh phúc, người ta tiến đến hôn nhân cũng là với mong muốn có thể danh chính ngôn thuận, trọn đời mang đến hạnh phúc cho người mình yêu. Khi yêu nhau, bạn có thể tạm thời chưa nghĩ đến hôn nhân, do tuổi trẻ, do hoàn cảnh, hay vì nhiều lý do chủ quan và khách quan khác, nhưng quan trọng bạn có mong muốn được gắn bó với người bạn đang yêu hay không. Bạn có suy nghĩ hay cố gắng làm gì để duy trì, bảo vệ hay gầy dựng sự gắn bó đó hay không.
Mối quan hệ của bạn có thể gặp nhiều trắc trở nhưng quan trọng là bạn có muốn nuôi hy vọng về một ngày hạnh phúc của hai người hay không, hoặc là bạn có muốn cố gắng hết sức mình để đi đến cái đích hạnh phúc đó hay không. Nếu như bạn không muốn, hoặc không thể, thì “ra đi” là một lựa chọn tốt cho cả hai người. Bởi “sự ở lại” lúc đó đã không còn ý nghĩa gì nữa. Nếu ép lòng làm chuyện mình không muốn, miễn cưỡng không có hạnh phúc. Còn ép mình làm chuyện bản thân không thể, bạn đã nghĩ là mình không thể thì bạn không còn có thể làm gì nữa rồi.
Và khi tình yêu đã đi đến ngưỡng phải lựa chọn “ra đi” hay “ở lại”, hẳn là lý trí của bạn sẽ phải làm việc rất vất vả, vì trái tim của bạn đã không còn đủ sức quyết định, nó đã sắp cạn lửa yêu thương (hoặc đã cạn rồi), trừ phi bạn còn muốn tìm cách làm đầy tim mình trở lại, nếu như không thì hãy chấp nhận rằng tình yêu đã rời bỏ bạn rồi, bạn không cần phải chọn lựa nữa.