NỮ GIỚI » Yêu

Hy sinh, cam chịu và chấp nhận càng khiến ngoại tình nở rộ?

Chủ nhật, 19/07/2015 21:45

Hy sinh, cam chịu là đức tính cao quý của phụ nữ Việt đã được ca ngợi từ bao đời. Đức tính này vẫn được duy trì cho đến nay, nhưng dường như đang bị lợi dụng và bóp méo.

Hy sinh, cam chịu và chấp nhận có khiến ngoại tình nở rộ?

Ngày xưa, phụ nữ Việt tần tảo, cam chịu vì chồng, con khi xã hội vẫn còn mang nặng tư tưởng phong kiến: “Tam tòng tứ đức”. Công việc chính của họ là ở nhà chăm lo cho gia đình nhà chồng sau khi đã kết hôn. Tư tưởng “xuất giá tòng phu” bao trùm lên cả xã hội Việt thời bấy giờ. Cho đến ngày nay, dù tư tưởng đó không còn phổ biến do thời thế và dân quyền đã thay đổi, nhưng vẫn còn một phần nhỏ con người trong xã hội ôm suy nghĩ cố hữu đó: “Phụ nữ Việt phải chịu thương, chịu khó, nhẫn nhịn và hy sinh vì chồng con”.

Hy sinh là đức tính cao quý của người phụ nữ Việt từ xưa

Nếu bạn là một người chăm ghé thăm các trang báo/ tin điện tử hay diễn đàn online, tôi tin bạn đã đọc được vô số bài viết về sự nhẫn nhịn của người phụ nữ Việt trong hôn nhân. Bên cạnh đó là rất nhiều những ý kiến trái chiều về vấn đề phụ nữ nên giải phóng cho bản thân hay cam chịu một cuộc hôn nhân không hạnh phúc,…

Tôi đã đọc được rất nhiều ý kiến cá nhân về đức tính cao quý này của người phụ nữ Việt. Có ý kiến cho rằng nếu phụ nữ Việt Nam trở nên độc lập, tự chủ giống phụ nữ ngoại quốc, thì phụ nữ Việt Nam không ra gì. Tức là cá nhân họ mặc định rằng phụ nữ Việt phải cam chịu và hy sinh, dựa dẫm vào đàn ông.

Nhà văn Tâm Phan có chia sẻ ý kiến về việc ngoại tình – vấn đề muôn thủa trong xã hội nhưng chưa bao giờ hết độ nóng, thậm chí thời nay còn nở rộ nhiều hơn, công khai hơn. Tâm Phan cho rằng lý do khiến chuyện ngoại tình nhiều như thời nay vì phụ nữ Việt luôn cam chịu, nhẫn nhịn, hoặc nhắm mắt cho qua. Họ chấp nhận sống trong một vỏ bọc hôn nhân vì con cái.

Không khó để ta bắt gặp nhiều câu chuyện ngoại tình được chia sẻ bởi chính người trong cuộc: người vợ xin ý kiến của mọi người về việc chồng họ ngoại tình; hay người chồng chia sẻ về lý do ngoại tình hoặc họ là người bị phản bội, thậm chí cả những chia sẻ của người thứ ba – tình nhân. Có vô vàn những lý do khác nhau khiến người ta đi ngoại tình và người hiểu rõ nhất là người trong cuộc. Tôi nghĩ người ngoài không nên phán xét bất cứ ai vì ta không thể hiểu rõ câu chuyện của họ. Người bị phản bội là kẻ đáng thương? Kẻ phản bội là đáng trách? Nhân tình đáng bị lên án? Lỗi về ai – chẳng ai biết rõ hơn người trong cuộc.

Hy sinh trong hôn nhân đều đến từ hai phía, không chỉ riêng phụ nữ là người hy sinh

Tôi cho rằng mọi mối quan hệ trong xã hội, từ mối quan hệ bạn bè, làm ăn cho đến mối quan hệ thân mật trong gia đình và cả hôn nhân, cho đi – nhận lại đều đến từ hai phía. Không ai chỉ cho đi, mà cũng không ai chỉ nhận lấy. Đó là sự công bằng của cuộc sống. Và để duy trì một mối quan hệ lâu dài, mỗi bên đều phải hy sinh một điều gì đó hoặc phần nào đó trong cuộc sống của họ mà không đòi hỏi sự đáp trả. Nhưng đồng thời, họ lại nhận được sự hy sinh từ đối phương. Khi sự cân bằng giữa cho và nhận không còn nữa, mối quan hệ chắc chắn sẽ tụt dốc không phanh. Việc đổ vỡ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trong hôn nhân, sự hy sinh đến từ hai phía thì cuộc sống vợ chồng mới hạnh phúc

Trong quan hệ vợ chồng, tôi tin rằng sự cho và nhận cũng đều đến từ hai phía: cả vợ và chồng. Khi một cặp đôi quyết định tiến tới hôn nhân, họ thực hiện cam kết với chính mình và đối phương, sự cho và nhận trong quan hệ của họ đều diễn ra tự nguyện từ hai bên. Nếu một người phụ nữ mặc định rằng khi họ lấy chồng đồng nghĩa với việc họ sẽ hy sinh hết cho chồng con và gia đình, thì đó là sự tự nguyện của họ. Phụ nữ Việt thường tán dương, ca ngợi đức hy sinh của bản thân trong hôn nhân, nhưng đã bao giờ bạn đặt câu hỏi: "Đàn ông phải hy sinh những gì khi kết hôn chưa?". Đừng nghĩ rằng chỉ có mình là người hy sinh trong quan hệ hôn nhân.

Tôi không lên tiếng bảo vệ hay đòi quyền lợi cho đàn ông. Có lẽ do tôi nghĩ cuộc sống rất công bằng, nên trong những mối quan hệ, sự công bằng cũng nên được duy trì. Người xưa có câu: “Không ai không cho ai cái gì. Mọi thứ đều có giá của nó”. Với những ai đang mặc định phụ nữ là người luôn phải hy sinh trong tình yêu hay gia đình, thì tôi nghĩ họ nên cân nhắc lại. Tất cả chúng ta, dù là đàn ông hay đàn bà, đều phải hy sinh, đều là người cho đi và là người nhận lấy.

Đừng bóp méo hai từ “hy sinh”

Trước khi tiếp tục đọc, bạn hãy tự trả lời câu hỏi này: “Bạn hiểu như thế nào về sự hy sinh?”

Chúng ta không cần thiết phải tra từ điển tiếng Việt để đưa ra một nghĩa chuẩn cho từ “hy sinh”. Bản thân mỗi con người đều có thể hiểu được “hy sinh” là ta tự nguyện cho đi mà không đòi hỏi, mong chờ sự đáp trả. Nếu một sự hy sinh mà được vỗ ngực khoe khoang hay đòi hỏi người khác phải trả ơn, thì đó không còn là hy sinh nữa. Bản chất của sự hy sinh đã bị bóp méo và lợi dụng. Khi đó, hai từ “hy sinh” không còn phù hợp nữa.

Bạn là một người vợ/người chồng. Bạn cho rằng mình đã hy sinh quá nhiều cho cuộc hôn nhân của bạn. Bạn nghĩ rằng đám cưới của hai người, một tờ giấy đăng ký kết hôn hay một cặp nhẫn cưới đã là cam kết cho sự bền vững của cuộc hôn nhân hạnh phúc?

Lợi dụng hai từ hy sinh khiến hôn nhân trở thành gánh nặng và gông tù

Con người ta thường thỏa mãn với các mối quan hệ đang có, kể cả hôn nhân. Sau khi đã có một bản hợp đồng hay một tờ giấy chứng nhận mối quan hệ, họ giậm chân tại chỗ và hài lòng với nó thay vì cố gắng vun vén cho mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn. Họ mặc định sự ràng buộc, cam kết là yếu tố cần và đủ để duy trì một cuộc hôn nhân. Khi sự hy sinh bị lợi dụng và bóp méo, những ràng buộc, cam kết bỗng trở thành gánh nặng vô hình biến cuộc sống vợ chồng thành nhà tù giam lỏng.

Đừng lợi dụng hai từ “hy sinh”. Hy sinh không nên được vỗ ngực khoe khoang, càng không nên trở thành gánh nặng và món nợ cho người khác!

Vivu (Theo Giadinhvietnam.com)