Bất chấp việc hàng loạt các DN liên tiếp lên tiếng sẽ tố cáo về hành vi quỵt nợ, lừa đảo đến cơ quan chức năng, ông Otto De Jager vẫn chưa hề lên tiếng và thậm chí còn xuất cảnh đi công tác nước ngoài.
Trong khi đó, buổi thông tin cho báo chí dự kiến diễn ra chiều 14/8 đã được thông báo là sẽ hoãn. Tuy nhiên, trên một tờ báo đưa ra sáng nay, thì luật sư của Công ty GlobalHome cũng đã lên tiếng và thông tin bước đầu về sự việc.
Theo đó, đại diện công ty này cho biết hàng được mua bởi Công ty Gia Hân đã bị khách hàng ở Anh phản hồi là có vấn đề về chất lượng và Công ty Gia Hân cũng đã thừa nhận. Bên này cho biết đã yêu cầu Công ty Gia Hân bồi thường nhưng công ty này lại không hợp tác và còn gây sức ép khi đưa lên cơ quan chức năng và liên tục đòi bồi thường.
Nghi vấn thứ nhất: Trách nhiệm hàng lỗi thực sự thuộc về ai?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty VIETGO – chuyên tư vấn xuất khẩu cho DN gỗ cho rằng nếu dựa trên thông tin mà hai bên DN đã cung cấp, thì phía DN Việt Nam đang là bên yếu thế hơn về mặt pháp lý. Kết luận đúng sai trong vụ việc này là vấn đề của cơ quan chức năng, song ông Việt đặt ra một số giả thiết và cho rằng, cũng không phải là không có cơ sở để quy trách nhiệm cho GlobalHome.
Ông Nguyễn Tuấn Việt cho rằng không phải là không có cơ sở đề quy trách nhiệm cho Công ty GlobalHome
Cụ thể, ông Việt cho rằng nếu theo thông tin do các bên cung cấp, có thể đặt ra giả thiết vụ việc này là một hợp đồng thương mại trong nước chứ không phải là hợp đồng xuất khẩu và theo đó, Công ty Global Home cũng không thể xem là nhà nhập khẩu thứ cấp (nhập khẩu trung gian). Bởi lẽ, các DN được đặt hàng là để cung cấp hàng cho Global Home và giao dịch này diễn ra trong nước. Sau đó, GlobalHome mới là đơn vị xuất khẩu hàng ra nước ngoài cho các đối tác của mình.
Hai giao dịch này không liên quan đến nhau bởi việc mua đứt, bán đoạn. Chỉ có một điểm chung là khi Công ty của ông Otto đưa hàng đi xuất khẩu thì trong giấy tờ giao dịch làm thủ tục hải quan, sẽ phải ghi tên nguồn gốc nhà cung cấp và xuất xứ của gỗ do yêu cầu đặc thù của sản phẩm này.
"Do đó, khi hàng đã xuất sang nước ngoài, khách hàng phản ánh sản phẩm bị lỗi và có vấn đề về chất lượng, thì công ty GlobalHome phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Vì hoạt động này là mua đứt bán đoạn, quá trình sản xuất hàng, kiểm tra hàng hóa đã được DN GlobalHome thực hiện từ trước khi hàng đưa đi, đảm bảo yêu cầu thì mới xuất khẩu. Nên khi GlobalHome nhận hàng từ Gia Hân và xuất khẩu, tức là khi đó GlobalHome phải có trách nhiệm với hàng của mình chứ không phải là Gia Hân" - ông Việt nhận định.
Việc công ty Gia Hân nhận lỗi là sản phẩm có vấn đề về chất lượng, theo ông Việt là sự thiện chí của các nhà sản xuất Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét về mặt pháp lý, trong trường hợp hàng đã mua đứt bán đoạn, thì khi đã bàn giao hàng cho GlobalHome, công ty này đã kiểm duyệt và nhận hàng đi xuất khẩu, Gia Hân sẽ không có trách nhiệm trong việc bồi thường nếu hàng có lỗi, hoặc hư hỏng.
Trao đổi với chúng tôi, LS. Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Công ty Luật BASICO, cũng cho rằng nếu giao dịch thương mại là mua đứt bán đoạn, khi người bán đã bàn giao hàng cho người mua, thì không phải chịu trách nhiệm. Bởi sản phẩm đã được kiểm tra về mặt chất lượng, đáp ứng được yêu cầu mà bên mua đặt ra, trước khi nhận hàng về để xuất đi, thì bên bán sẽ không còn trách nhiệm đối với sản phẩm.
Tuy nhiên, Luật sư Đức cũng cho rằng trong trường hợp mà điều khoản hợp đồng có đưa ra là khi hàng có vấn đề liên quan đến chất lượng, nhà sản xuất cũng phải có trách nhiệm khắc phục hoặc đền bù thiệt hại, thì bên bán là công ty Gia Hân mới phải có trách nhiệm.
Nghi vấn thứ 2: Chưa giải quyết xong chuyện hàng lỗi, tại sao GlobalHome vẫn để DN tiếp tục sản xuất rồi không thanh toán?
Một câu hỏi nữa cũng được ông Việt đặt ra liên quan đến trách nhiệm của GlobalHome, đó là khách hàng phản hồi về chất lượng sản phẩm vào tháng 3/2015, nếu không muốn tiếp tục nhận hàng của Gia Hân hoặc chưa giải quyết dứt điểm tranh chấp liên quan đến vụ việc này, tại sao GlobalHome không có thông báo cho Gia Hân ngừng sản xuất.
Bởi trên thực tế theo thông tin Công ty Gia Hân đưa ra, từ tháng 4 - 10/2015, Công ty Gia Hân sản xuất và giao theo đúng đơn hàng các tháng 4, 5, 6 và 7 nhưng phía Global Home lại không thanh toán, nợ lại hơn 490.000 USD (tương đương số tiền hơn 11 tỷ đồng). Thêm vào đó, một lượng hàng lớn giá trị hơn 280.000 USD đã được nhân viên quản lý chất lượng và đồng ý cho xuất khẩu của Công ty Global Home S.R.O kiểm tra, đóng dấu, song GlobalHome vẫn không nhận hàng.
Ông Việt cho rằng về mặt pháp lý thì GlobalHome có lợi thế và Gia Hân đang bất lợi khi chọn hình thức giao hàng mới thanh toán. Nhưng rõ ràng công ty này đang thiếu sự thiện chí, khi có tranh chấp xảy ra nhưng vẫn để cho DN Việt Nam sản xuất hàng hóa, sau đó "chây ì" và không thể hiện trách nhiệm đối với lô hàng mới đã được hai bên giao kèo.
Lô hàng gỗ của nhà cung cấp chưa được Công ty Global Home thừa nhận
Với nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn xuất khẩu cho các DN ngành gỗ, ông Việt cho rằng đối với trường hợp giao dịch mua bán này, do "tiếng" người mua lớn, có sức ảnh hưởng về mặt hợp đồng, nên đôi khi DN Việt Nam “chủ quan” hoặc quá tin tưởng nên chịu thiệt hại khi không xem xét kỹ hợp đồng trong từng lần giao dịch.
“Trong mọi trường hợp giao dịch thương mại thì DN Việt Nam đều phải chủ động kiểm soát chặt chẽ bằng thanh toán thì mới bảo vệ được mình. Để có thể ngăn chặn rủi ro thì chỉ bằng kiểm soát bằng thanh toán trong mỗi lần giao dịch” – ông Việt khuyến cáo.