TIN TỨC » Doanh nghiệp

7 câu hỏi phỏng vấn việc làm từ xa thường gặp

Thứ hai, 23/11/2020 16:44

Vì có sự khác biệt với hình thức làm việc trực tiếp tại văn phòng nên khi phỏng vấn việc làm từ xa, bạn sẽ gặp các câu hỏi được đặt ra theo mục đích và đặc thù riêng của hình thức làm việc này. Dưới đây là 7 câu hỏi mà bạn có thể tham khảo.

Chuyên môn của bạn là gì?

Cũng như làm việc trực tiếp tại công ty, ứng viên làm việc từ xa cũng cần có năng lực chuyên môn và kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên do đặc thù làm việc tại nhà nên nhân viên từ xa khó để học tập trực tiếp từ cấp trên hay đồng nghiệp trong quá trình làm việc. Do đó, nhà tuyển dụng muốn biết chắc chắn về năng lực chuyên môn của ứng viên liệu có đảm bảo hoàn thành tốt công việc hay không. Dù bạn tìm việc làm kiểm toán, marketing hay IT thì bạn cần chứng tỏ trình độ chuyên môn và kỹ năng của mình đáp ứng được yêu cầu của công việc. Khi đó nhà tuyển dụng mới tin tưởng chọn bạn bởi họ không có nhiều thời gian để đào tạo thêm cho bạn.

Bạn có thể sử dụng tốt các phương tiện công nghệ hay không?

Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình làm việc từ xa, nếu ứng viên không làm chủ được công nghệ thì công việc khó khăn, thậm chí không thể làm được. Làm chủ công nghệ bao gồm việc tận dụng công nghệ phục vụ cho công việc như các phần mềm, ứng dụng, phương tiện liên lạc, kết nối… Câu hỏi phỏng vấn việc làm từ xa này giúp nhà tuyển dụng biết thêm khả năng cập nhật xu hướng công nghệ của ứng viên. Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng biết bạn đã nắm bắt công nghệ và sử dụng nó trong công việc thuần thục như thế nào và cùng với đó là sự bắt kịp xu hướng phát triển ngành mà bạn đang làm.

Bạn đã từng làm công việc từ xa nào?

Đây là câu hỏi kiểm tra kinh nghiệm của bạn với hình thức làm việc này. Nhà tuyển dụng muốn biết ứng viên có lường trước được những khó khăn khi làm việc một mình, không có người hướng dẫn trực tiếp; không có đồng nghiệp để tạo nên một đội nhóm vui vẻ, không được hưởng một số phúc lợi như nhân viên làm việc trực tiếp tại công ty… Ngoài ra, ứng viên có biết cách tự tạo động lực cho mình, tuân thủ kỉ luật hay một số nguyên tắc do công ty đặt ra để quá trình làm việc được thuận lợi và hiệu quả cho cả hai bên hay không.

Nếu ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc từ xa thì nhà tuyển dụng sẽ yên tâm hơn vì họ không mất thời gian hướng dẫn chi tiết và ứng viên cũng không dễ nản chí nếu công việc có gặp một số khó khăn về sau.

Bạn mong muốn (yêu thích) được làm việc trong môi trường như thế nào?

Mục đích câu hỏi phỏng vấn việc làm từ xa này nhằm “thăm dò” lí do ứng viên chọn làm việc từ xa: do vị trí địa lí, điều kiện đi lại, hoàn cảnh vướng bận hay là do sở thích, môi trường có tổ chức cơ cấu hay làm việc tự do thoải mái…

Với câu hỏi này ứng viên cần khéo léo trình bày suy nghĩ của mình. Nếu làm việc từ xa là sở thích, là đam mê của bạn thì hãy thành thật nêu suy nghĩ. Còn nếu vì hoàn cảnh hiện tại bắt buộc bạn làm việc theo hình thức này thì bạn cũng cần khéo léo bày tỏ quyết định gắn bó lâu dài.

Bạn dành bao nhiêu thời gian tập trung cho công việc trong một ngày?

Nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu chính xác về quỹ thời gian mà ứng viên dành cho công việc của họ. Dựa vào đó họ sẽ giao lượng công việc hoặc ước lượng công việc ứng có thể nhận hoàn thành tốt. Do đó ứng viên không nên nói dối mà trả lời thành thật bởi vì lượng thời gian cũng sẽ tương ứng với công việc bạn có thể nhận hoặc được giao để không bị quá tải.

Trước đây bạn đã từng làm toàn thời gian gian/ trực tiếp ở đâu? Vị trí nào?

Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết rằng bạn đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ứng tuyển bao gồm cả hình thức làm việc trực tiếp tại công ty hay chưa. Nếu đã từng làm, chắc chắn bạn sẽ có sự so sánh và chấp nhận điều khác biệt đó để có sự điều chỉnh cho hợp lí với công việc làm từ xa.

Bạn có đang làm việc ở đâu khác không?

Cũng tương tự như mục đích của câu hỏi trên, nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu ứng viên xem đây là công việc làm thêm hay làm chính thức, nguồn thu nhập chính của bạn là gì.

Với một số công việc từ xa đòi hỏi toàn thời gian thì bạn nên tuân thủ và sắp xếp sao cho đảm bảo công việc được hoàn thành. Còn với một số công việc từ xa “part time” thì bạn có thể sắp xếp một lúc làm hai, ba việc khác nhau chỉ cần đảm bảo đúng hiệu suất và không ảnh hưởng đến nhau.

Phỏng vấn việc làm từ xa sẽ khác biệt với phỏng vấn việc làm ở văn phòng. Bạn cần tập trung vào khả năng chủ động và hoàn thành công việc đúng hạn. Điều này sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

HX (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới