TIN TỨC » Doanh nghiệp

Cách trả lời câu hỏi “Bạn sẽ đóng góp gì cho công ty?”

Thứ ba, 10/11/2020 14:53

Trong các cuộc phỏng vấn việc làm, nhà tuyển dụng thường sẽ hỏi ứng viên về việc liệu bạn có thể đóng góp hoặc tăng thêm giá trị gì cho công ty. Nếu biết cách trả lời câu hỏi này một cách khéo léo, bạn sẽ nổi bật so với các ứng viên khác.

Bài viết sau sẽ giúp bạn biết nên trả lời thế nào để “ghi điểm” đối với nhà tuyển dụng và tăng cơ hội nhận được việc làm.

Nói về những thành tích bạn đạt được trong quá khứ

Dù là đang phỏng vấn tìm việc IT, Marketing hay Nhân sự thì khi trả lời câu hỏi về những đóng góp tiềm năng của bạn cho công ty, hãy đưa ra các ví dụ về thành tích bạn đã đạt được trong quá khứ và liên hệ chúng với những gì bạn có thể đạt được trong tương lai.

Hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn đã từng đóng góp như thế nào, qua đó chứng tỏ rằng bạn có sáng kiến, năng lực và các yếu tố khác như mối quan hệ, uy tín cá nhân… để đem lại giá trị cho công ty. Đừng quên ưu tiên nêu những đóng góp liên quan đến lĩnh vực công việc đang ứng tuyển, thay vì kể lể lan man.

Muốn trả lời tốt câu hỏi này, trước khi tham gia phỏng vấn bạn nên nghiên cứu cẩn thận về công ty để hiểu rõ về sứ mệnh, mục tiêu, văn hóa… nơi bạn sẽ làm việc. Từ đó bạn mới có cơ sở để đưa ra các ví dụ phù hợp, và phân tích tại sao trình độ học vấn, kỹ năng, thành tích, kinh nghiệm của bạn sẽ trở thành tài sản cho nhà tuyển dụng.

Chẳng hạn, nếu bạn đang muốn xin làm phóng viên chuyên mục giải trí cho một tòa soạn báo, bạn có thể nói như sau: Trước đây, tôi đã từng có các bài phỏng vấn ấn tượng với những ngôi sao hạng A... Tôi có kỹ năng và kinh nghiệm làm việc với những người nổi tiếng và từng thuyết phục được cả những nhân vật cực kỳ khó tính. Tôi nghĩ nếu được nhận vào tòa soạn, thì năng lực và các mối quan hệ cũng như tâm huyết của tôi trong lĩnh vực này sẽ được phát huy, và sẽ đóng góp cho chuyên mục của chúng ta những bài phỏng vấn độc quyền, đặc sắc.

Thể hiện rằng bạn yêu thích nghề nghiệp của mình

Nói đến cách trả lời câu hỏi “Bạn có thể mang đến giá trị nào cho công ty”, bạn nên thể hiện sự nhiệt tình của mình. Các nhà tuyển dụng coi ứng viên như một khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận trong tương lai cho công ty. Cho nên, bên cạnh kỹ năng và kinh nghiệm, ứng viên phải làm việc nhiệt tình, năng nổ và đóng góp tích cực cho công ty. Điều đó có nghĩa là ứng viên phải thực sự yêu thích công việc của họ.

Do vậy, hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn quan tâm đến lĩnh vực công việc của mình, không chỉ bây giờ là mà từ trước đó. Đưa ra những dẫn chứng thuyết phục để chứng tỏ niềm đam mê, yêu thích của bạn dành cho nghề nghiệp. Chắc chắn rằng, bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng hài lòng với một ứng viên có lòng yêu nghề, đầy nhiệt huyết với công việc.

Nhấn mạnh việc đóng góp vào lợi nhuận của công ty

Hầu hết các công ty đều hướng đến mục tiêu phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo ra lợi nhuận. Do đó, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao một ứng viên tự tin thể hiện rằng mình có thể trực tiếp đóng góp vào sự tăng trưởng lợi nhuận của công ty.

Chẳng hạn, bạn có thể nói như sau: “Tôi có kinh nghiệm trong việc bán hàng trên thị trường quốc tế. Trước đây, tôi đã giúp cải thiện doanh số bán hàng quốc tế tại công ty X tăng hơn 25% trong vòng 6 tháng. Với kinh nghiệm này, tôi nghĩ rằng mình hoàn toàn có khả năng hỗ trợ thúc đẩy mảng kinh doanh quốc tế ở công ty chúng ta, nếu được nhận vào làm việc”.

Chỉ ra kỹ năng tốt nhất của bạn

Một điều quan trọng trong cách trả lời câu hỏi “Bạn đóng góp gì cho công ty?” là bạn nên đưa ra các kỹ năng tốt nhất của mình. Giả sử, bạn có kỹ năng giao tiếp và thương lượng tốt, thì bạn có thể nói rằng nếu được đứng vào hàng ngũ nhân viên của công ty, bạn sẽ đóng góp tích cực cho đội nhóm bằng cách quản lý và xử lý các tình huống liên quan đến khách hàng.

Nếu bạn có kỹ năng công nghệ nổi bật, thì dù lĩnh vực bạn đang ứng tuyển không chuyên về IT, bạn vẫn nên trình bày kỹ năng đó để ghi thêm một điểm cộng cho mình. Chẳng hạn nếu bạn là một biên tập viên truyền hình trực tuyến, việc sở hữu các kỹ năng về photoshop, cắt dựng phim… chắc chắn sẽ hỗ trợ tốt hơn cho công việc của bạn.

Thể hiện thái độ làm việc chuyên nghiệp

Chắc hẳn bạn đã nghe câu “Thái độ quan trọng hơn trình độ”. Trong thời hiện đại, chìa khóa cơ bản cho sự phát triển của doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào thái độ làm việc của nhân viên. Một nhân viên có thái độ chuyên nghiệp là người trung thực, chăm chỉ, cầu tiến và thích nghi tốt với môi trường công việc.

Hãy chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn có tinh thần làm việc tích cực, hợp tác tốt với đồng đội, bằng các ví dụ từ các công việc trong quá khứ. Ngoài ra, ngay trong buổi phỏng vấn, bạn cũng cần thể hiện thái độ cởi mở, sẵn sàng tiếp thu và học hỏi; chú ý ngôn ngữ cơ thể và trang phục chuyên nghiệp, thể hiện sự tự tin một cách chừng mực…

Hãy nhớ rằng, nhà tuyển dụng nào cũng thích những nhân viên biết cầu tiến và tự tin, nhưng nếu bạn tỏ ra kiêu ngạo, quá đề cao bản thân hay coi thường người khác trong cách trả lời câu hỏi đóng góp điều gì thì dù bạn có giỏi đến đâu, nhiều khả năng bạn cũng sẽ bị từ chối.

HX (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới