Tuyển dụng hiệu quả không chỉ dừng lại ở việc tìm được người giỏi mà còn ở việc giữ họ ở công ty càng lâu càng tốt. Một nhân sự toàn năng xin nghỉ việc đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của bạn đã thiệt hại một nhân tài. Vậy, làm thế nào để nhân sự không rời bỏ công ty sau khi được đào tạo bài bản?
Phòng bệnh hơn chữa bệnh - hạn chế nhận nhân sự chưa có kinh nghiệm:
Theo một ý nghĩa nào đó, việc nhận người không có kinh nghiệm vào làm việc tương đương với việc bồi dưỡng có trả lương cho một người từ bắt đầu từ con số 0.
Để một người hoàn toàn chưa có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó có thể trở thành một người thạo việc, có năng lực hoàn thành các công việc được giao mà không cần người khác kèm cặp thì mỗi công ty chắc chắn phải bỏ ra một khoản thời gian, thậm chí là tiền bạc để bồi dưỡng họ. Quá trình đào tạo có thể không quá cầu kỳ, không quá chuyên tâm nhưng cơ hội mà bạn trao cho họ đã là hình thức rèn luyện đắt giá nhất, giúp họ tích lũy đủ vốn liếng kinh nghiệm trong một khoảng thời gian ngắn.
Không thể phủ nhận rằng nguồn nhân lực chưa có kinh nghiệm thường có sự nhiệt huyết, sự nỗ lực, thái độ làm việc hết mình và mức lương thấp hơn so với nhân sự đã có kinh nghiệm. Tuy nhiên, có một thực tế là không ít người trẻ, đặc biệt là sinh viên mới ra trường chỉ coi công ty của bạn là cơ hội để họ trau dồi kỹ năng và làm đẹp CV cho chính mình. Sau khi đã “lãi” một khoản kinh nghiệm nhất định, họ sẵn sàng rời bỏ công ty để tìm kiếm cho mình những cơ hội khác, nhất là khi công ty của bạn không thể cho họ một mức lương như ý.
Biết tạo động lực để kích hoạt năng lực cho nhân sự:
Hai yếu tố quan trọng nhất tác động trực tiếp đến tỷ lệ giữ chân nhân viên chính là động lực và năng lực. Trong đó, động lực sẽ kích hoạt năng lực, các yếu tố khác chỉ là phụ trợ. Nếu có thể hiểu và làm tốt điều này, công ty của bạn hoàn toàn có khả năng giữ chân nhân sự.
Có ba yếu tố chính ảnh hưởng đến động lực của người lao động:
• Cơ hội được học hỏi cái mới, những kiến thức mới.
• Chế độ đãi ngộ.
• Sự ghi nhận và khả năng thăng tiến trong sự nghiệp.
Sự ghi nhận không chỉ nằm ở việc khen thưởng bằng hiện vật hay hiện kim mà còn thể hiện qua những lời khen tặng, những lời khích lệ trước tập thể. Bên cạnh đó, công ty cần phải xây dựng lộ trình thăng tiến tương ứng với những mức độ đóng góp cụ thể trong công việc nhằm mục đích tạo động lực cho nhân viên phấn đấu, cống hiến nhiều hơn để vươn lên hàng ngũ lãnh đạo thay vì chỉ mãi là một nhân viên quèn.
Nhân sự không rời bỏ công ty - họ rời bỏ lãnh đạo của mình
Một lãnh đạo giỏi là một người có khả năng truyền cảm hứng cho nhân viên của mình. Ngược lại, một lãnh đạo không có đủ tâm và tầm sẽ khiến nhân viên dần mất đi lòng tin và nhanh chóng rời bỏ công ty.
Mỗi quyết sách về việc xây dựng môi trường làm việc, văn hóa công ty, chế độ đãi ngộ hay lộ trình thăng tiến… đều được ký bởi người đứng đầu doanh nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc đời sống của mỗi nhân viên “lên voi” hay ‘xuống chó” đều phụ thuộc hoàn toàn vào người lãnh đạo. Nhiều người lựa chọn một công việc nào đó không phải vì họ tin tưởng vào công ty mà vì tin tưởng vào người đứng đầu công ty đó. Nhưng một ngày, họ bỗng cảm thấy thất vọng bởi thiếu đi sự đồng hành hay không nhận được sự hỗ trợ không kịp thời từ lãnh đạo hoặc cảm thấy tầm nhìn, định hướng của người lãnh đạo đã không còn phù hợp với con đường mà bản thân họ từng muốn đi.
Nhưng, có một sự thật là không nhiều nhân viên lựa chọn nói ra lý do thật sự khiến họ rời bỏ công ty. Vì thế, khi nhận được đơn xin nghỉ việc của nhân viên, đừng vội cười nhạo họ vì “Thật ngu ngốc khi rời khỏi nơi này” mà hãy dùng ít phút để ngẫm nghĩ về lý do thực sự khiến họ quyết định ra đi và nếu có thể, hãy cố gắng tiếp thu những điều phù hợp để thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn nếu bạn là một nhà lãnh đạo biết quý trọng nhân tài.
Nhân sự là gốc rễ của mọi công ty. Không một công ty nào có thể vận hành và phát triển tốt khi mất đi nguồn nhân lực nồng cốt của nó. Ngay cả khi công ty của bạn có thể làm tốt cả ba điều kể trên thì chắc chắn bạn cũng không thể loại bỏ 100% nguy cơ “chảy máu nhân tài” bởi vì không có một công ty nào là hoàn hảo và lý do xin nghỉ việc của tất cả mọi người không phải đều giống nhau. Tuy nhiên, nếu bạn nỗ lực làm mọi cách để giữ chân những nhân sự đã qua đào tạo bài bản thì công ty của bạn sẽ luôn vận hành hiệu quả dù cho có một vài nhân sự lựa chọn rời bỏ vì không còn tìm được tiếng nói chung.