Từ câu chuyện này, một bức tranh khác về tình trạng DN kinh doanh, xuất khẩu Việt Nam bất cứ lúc nào cũng có thể rơi vào bẫy lừa đảo vì không ít những chiêu trò của nhà thương mại, nhập khẩu cũng lộ ra.
Vì sự cả tin, hay thậm chí thiếu hiểu biết mà không ít DN xuất khẩu gỗ tại Việt Nam đang như ngồi trên đống lửa khi hàng chục tỷ đồng có nguy cơ bị mất trắng mà không có khả năng đòi lại được.
Trao đổi với chúng tôi trong sáng nay, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – cho biết vừa đọc thông tin này nên chưa thể có bình luận gì về vụ việc liên quan đến chồng ca sĩ Thu Minh và khẳng định thêm là hiện cũng chưa có phản ánh chính thức nào của các DN gỗ tại Đồng Nai và TPHCM về vụ việc.
Rủi ro đến chủ yếu là DN nhỏ và vừa
Tuy nhiên, từ câu chuyện của các doanh xuất khẩu gỗ đang bị thiệt hại và kêu cứu vì bán gỗ cho ông Otto, ông Quyền lên tiếng cảnh báo với các DN xuất khẩu nhỏ và vừa hoặc những đơn vị kinh doanh, xuất khẩu gỗ trái phép, không có nguồn gốc rõ ràng.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ, những rủi ro trong xuất khẩu rất ít diễn ra với ngành gỗ vì đa phần các DN đều là những công ty có quy mô lớn, có hiểu biết đầy đủ về luật pháp và có kinh nghiệm làm ăn với đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, với những DN nhỏ và vừa thì nguy cơ rơi vào những rủi ro khi làm ăn với đối tác nước ngoài luôn thường trực xảy ra.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty VIETGO – là một đơn vị tư vấn xuất khẩu – cũng chỉ ra thực tế, có rất nhiều DN xuất khẩu nhỏ và vừa của Việt Nam bị rơi vào “bẫy” do những điều khoản không có lợi trong hợp đồng mua bán, nên gặp không ít rủi ro khi làm việc với đối tác nước ngoài.
Đơn cử như trường hợp công ty Global Home do ông Otto de Jager làm Tổng giám đốc, họ chỉ là một nhà buôn thứ cấp, nên đây đã là một nguy cơ rủi ro tiềm ẩn với DN xuất khẩu.
Phần lớn các điều khoản trong hợp đồng là tự do thỏa thuận và phần bất lợi thường rơi vào DN Việt Nam, trong đó đáng chú ý là điều khoản áp dụng khi giải quyết có tranh chấp sẽ diễn ra ở nước ngoài.
Vì thế, nhiều DN đã bán hàng cho Công ty của ông Otto không có khả năng đeo đuổi vụ kiện, có thể phải chấp nhận thua cuộc.
Để rồi, chỉ vì sự cả tin vào uy tín của một người nổi tiếng, vì sự thiếu hiểu biết hoặc chủ quan trong điều khoản hợp đồng, họ phải chịu chấp nhận mất trắng số tiền vốn không ít ỏi với DN.
Quả đắng từ làm ăn thiếu bài bản, chỉ dựa vào lòng tin
Trường hợp mà các DN xuất khẩu đang vướng phải với chồng ca sỹ Thu Minh chỉ là câu chuyện điển hình. Theo ông Việt, còn rất nhiều rủi ro khác đến từ nhà kinh doanh, nhập khẩu và hợp đồng thương mại mà DN kinh doanh, xuất khẩu hiện nay cũng đang mắc phải.
Đặc điểm của DN nhỏ và vừa Việt Nam là vốn ít, thiếu kinh nghiệm trong làm ăn nên việc tìm kiếm được hợp đồng xuất khẩu là rất khó khăn.
Do đó, nhiều DN chỉ vì dựa vào quen biết và quan hệ, hoặc vì sự uy tín viển vông với một ai đó nên thiếu sự cẩn trọng trong thỏa thuận hợp đồng. Điều này đi kèm với những điều khoản bất lợi mà DN không lường trước và phải chấp nhận chịu thua thiệt.
Như các DN trên là thua thiệt trong điều khoản giải quyết tranh chấp, song trên thực tế theo ông Việt là có nhiều trường hợp lại gặp rủi ro trong điều khoản thanh toán, như yêu cầu gửi hàng trước và thanh toán sau.
Hoặc cũng có trường hợp DN được nhận thanh toán theo hình thức trả trước (TT), nhưng sau đó bị nhà nhập khẩu “bắt lỗi” đơn hàng và phải đền bù thiệt hại theo quy định hợp đồng.
Trở lại vụ việc chồng ca sỹ Thu Minh bị tố lừa đảo, quỵt nợ, ông Việt cho rằng chưa thể kết luận ai đúng, ai sai trong vụ việc này và không hẳn các DN bán gỗ chịu thiệt từ khi ký hợp đồng.
Tuy nhiên, với không ít DN xuất khẩu Việt Nam làm ăn thiếu bài bản, thiếu kinh nghiệm và thậm chí là cẩu thả trong rà soát hợp đồng, thì những trái đắng được đánh đổi bằng tiền lên tới triệu USD là hoàn toàn có thể xảy ra.