Vụ việc tranh chấp về thanh toán hợp đồng giữa Công ty Gia Hân ở Đồng Nai và Công ty Global Home S.R.O (do ông Otto de Jager – chồng ca sĩ Thu Minh làm giám đốc điều hành) tưởng đã được hòa giải trong ngày 5/9 khi hai bên đã chịu ngồi lại với nhau để thương lượng giải quyết, nhưng bất ngờ ngày 7/9 đại diện Công ty Gia Hân đã đến gặp Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) chính thức nhờ lên tiếng can thiệp bảo vệ quyền lợi hội viên theo quy chế của Hiệp hội trong vụ việc này.
Vợ chồng ca sĩ Thu Minh (ảnh minh họa)
Trao đổi với PV chiều 7/9, đại diện Cty Gia Hân – ông Nguyễn Hữu Ngọc cho biết: Lý do buổi làm việc ngày 5/9 bất thành là do phía Global Home thay đổi các thỏa thuận vào phút chót mà không có thông báo trước.
“Trong các thay đổi đó có những yêu cầu thể hiện sự thiếu bình đẳng - cách mà Global lâu nay vẫn sử dụng khi đang nắm giữ tiền" – ông Ngọc nhấn mạnh.
Trước đó, sau những động thái đổ lỗi, tố cáo lẫn nhau khiến cả hai bên hết sức mệt mỏi, Global Home đã thông qua một vị chủ tịch hiệp hội gỗ có uy tín ở miền Trung để thương lượng với Công ty Gia Hân và kết quả là có buổi làm việc chính thức vào ngày 5/9.
Cụ thể, trước đó hai bên đã thỏa thuận: trước mắt phía Global đồng ý thanh toán khoảng 60% trên tổng số tiền, tương đương với các sản phẩm công ty Gia Hân đã giao cho Cty Global Home trong thời gian từ tháng 4 - 10/2015 nhưng đến nay phía Công ty Global Home vẫn chưa thanh toán.
Khoản nợ thứ hai tương ứng với số hàng hóa đang nằm trong kho của Công ty TNHH Gia Hân mà Cty Global Home không nhận hàng (Global cho rằng không đúng quy cách kỹ thuật còn Gia Hân khẳng định đã được đại diện Global kiểm định chất lượng đạt yêu cầu) thì thỏa thuận là Gia Hân tự xử lý.
Theo ông Ngọc, lý do để phía Gia Hân chấp nhận phương án giải quyết này xuất phát từ quyền lợi hợp pháp của gần 200 công nhân của Gia Hân cần được chi trả những khoản tiền thù lao chính đáng mà họ chưa được nhận vì đã và đang phải gánh chịu rủi ro cùng với Gia Hân do việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của Global Home không được thực hiện đúng theo cam kết.
Ngoài ra, Gia Hân đồng ý có buổi làm việc này còn vì mong muốn tránh rủi ro cho Global Home và các doanh nghiệp gỗ đối tác khi có sự can thiệp của pháp luật và dư luận cũng như truyền thông.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc ngày 5/9, Global Home đã đưa ra những yêu cầu sai khác hoàn toàn với thỏa thuận ban đầu nên Gia Hân không chấp nhận.
Cụ thể là, Global Home không đồng ý thanh toán theo thoả thuận mà đề nghị chia làm 4 đợt với số tiền khác và đợt cuối cùng là thanh toán bằng tiền mặt.
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, đại diện pháp lý cho Công ty Gia Hân), đề nghị thanh toán bằng tiền mặt này là không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, một chi tiết khá bất ngờ nữa là phía Global Home còn soạn thảo trước bức thư “xin lỗi” với nội dung bằng tiếng Anh, đề nghị đại diện công ty Gia Hân (và ông Nguyễn Hữu Ngọc cùng anh Nguyễn Tuấn Anh Hào – người tung clip tố cáo Global trên FB) ký vào.
“Ngay tại thời điểm đó và cho đến thời điểm hiện tại, Gia Hân khẳng định không đồng ý ký bức thư nêu trên và/hoặc bất cứ văn bản nào với nội dung tương tự do Global Home soạn thảo. Chúng tôi khẳng định ngay sau khi vụ việc được giải quyết chúng tôi sẵn sàng có thông cáo báo chí thậm chí tham gia họp báo để thông tin đến truyền thông về việc hai công ty Global Home và Gia Hân đã giải quyết xong vụ việc, chứ tôi có làm gì sai mà bắt tôi xin ” – ông Ngọc bức xúc nói
Ông Ngọc khẳng định: Gia Hân luôn sẵn sàng có những buổi làm việc tiếp theo trên tinh thần thiện chí, thương lượng giữa các bên theo tập quán thương mại quốc tế cũng như bình đẳng theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định với kinh nghiệm cũng như quan hệ phía hiệp hội đồ gỗ mà họ là thành viên Ông hoàn toàn tin tưởng vào khả năng hỗ trợ giúp các bên giải quyết tranh chấp này một cách nhanh chóng và hợp lệ nhất có thể. Tiếng nói của họ có tác động đến các hội viên tại Việt nam cũng như trên trường quốc tế, nhất là tại khu vực Đông Nam Á là thị trường xuất khẩu đồ gỗ nội thất chính cho thị trường thế giới đều có quan hệ mật thiết.
“Một nhà nhập khẩu, bán buôn muốn có được uy tín làm ăn buộc phải tuân thủ các yêu cầu bình đẳng với các thành viên khác trong các hiệp hội mà anh ta là thành viên. Khi hòa giải bất thành do một bên thiếu thiện chí thì các hiệp hội này chắc chắn sẽ có các biện pháp khác để giải quyết. Khi đó, sự thiệt hại về uy tin, thương hiệu trên thương trường là cái mà bất cứ ai cũng phải cân nhắc” – ông Ngọc nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin....