TIN TỨC » Đời sống số

Đặt gạo muối lên bàn thờ khi nào?

Thứ ba, 01/10/2024 05:56

Bạn thường thấy người chủ gia đình thường đặt gạo muối lên bàn thờ trong dịp đặc biệt. Vậy nên đặt gạo và muối lên bàn thờ khi nào?

Thờ cúng tổ tiên là phong tục tốt đẹp của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác. Một trong những vật phẩm trên mâm lễ thường thấy là có gạo muối. Nhưng nên đặt hai thứ này lên bàn thờ khi nào?

Cúng gạo và muối khi nào?

Ngày xưa và cho đến nay gạo được coi là "hạt ngọc trời". Mâm lễ cúng không thể thiếu gạo và các món ăn được chế biến từ gạo. Hạt muối là tinh hoa chắt lọc từ biển cả, là tài nguyên vô hạn mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Theo quan niệm phong thủy thì gạo và muối dâng cúng nhằm cầu mong sức khỏe, may mắn, tài lộc, xua đi năng lượng xấu…

Theo Chuyên gia phong thủy Hà Thanh, người Việt có nền văn minh lúa nước, nên gạo và muối có vai trò thiết yếu cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể và trong cuộc sống.

Mỗi khi cúng lễ ngoài dâng cúng lễ vật, nước sạch, vàng mã, thì không thể thiếu gạo và muối để tỏ lòng thành kính với Tổ tiên. Vì thế, gạo và muối không thể thiếu trên ban thờ của người Việt, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Đạo lý này ăn sâu vào tiềm thức, cùng những giá trị sâu sắc về đạo đức và lối sống - thể hiện rõ ràng qua phong tục thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên tỏ lòng biết ơn và hiếu kính với người đi trước và trở thành phong tục tốt đẹp.

Việc dâng cúng gạo và muối trên ban thờ là cách thể hiện lòng biết ơn tới Phật thánh, gia tiên tiền tổ... là cách thể hiện lòng biết ơn của con cháu với thế giới tâm linh. Cúng gạo muối trong các đàn lễ thí thực, cúng chúng sinh có ý xua đi xui rủi, năng lượng xấu. Bởi theo quan niệm dân gian, gạo và muối có khả năng xua đi chướng khí, đen đủi, vận xui... qua các đàn lễ, giúp các vong linh ngạ quỷ ăn rồi thì trở về âm giới, không quấy phá gia đình, nhân gian.

Theo quan niệm phong thủy cho gạo và muối giống như một liệu pháp may mắn, đem đến sức khỏe và tài lộc (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, gạo và muối trong các lễ cúng còn có nhiều ý nghĩa khác như:

- Cúng gạo muối trong các mâm lễ giúp con cháu thể hiện tấm lòng biết ơn với Tổ tiên – những người đã tạo ra nền văn minh lúa nước, để đem đến cho chúng ta một cuộc sống no đủ...

- Cúng gạo muối cho chúng sinh với mong muốn cầu cho các "vong linh" được no đủ.

Thông thường với các gia đình thường sắp gạo muối trên mâm lễ vào rằm tháng 7 (âm lịch) hoặc mâm cúng năm mới hoặc lễ cúng về nhà mới.

Tỉ lệ gạo và muối?

Cúng gạo và muối cần chu đáo, tỉ mỉ. Có quan điểm cho rằng cần chia theo tỷ lệ 3:1 (3 phần gạo, 1 phần muối) vì gạo là lương thực chính cần ăn nhiều hơn ăn muối.

Nhưng theo nhiều chuyên gia, cúng gạo và muối không cần cân đong theo tỷ lệ, chủ yếu là lòng thành, ước lượng vừa đủ là được.

Chất lượng gạo và muối cần chọn loại mới, màu trắng tinh sạch, không bị ngả màu và cần nhất là chưa qua sử dụng.

Cúng gạo và muối trên ban thờ để làm gì?

Trong văn hóa tâm linh của người Việt, cha mẹ, ông bà, tổ tiên là những người đã khuất vẫn có một cuộc sống mới ở "thế giới bên kia" dưới một hình thức nào đó mà người thường không thể nhìn thấy. Và để tri ân, bày tỏ lòng thành kính với Tổ tiên, con cháu sẽ dâng lễ vật tinh sạch, trong đó có nước sạch, gạo và muối.

Hũ gạo muối có thể đặt quanh năm trên bàn thờ (Ảnh minh họa)

Mỗi dịp năm mới nhà nào cũng đổ đầy hũ gạo, hũ muối để cầu mong cả năm được ấm no, đủ đầy. Trên ban thờ gạo và muối được bày thành những hũ nhỏ để thờ cúng. Trong các dịp cúng giỗ gạo và muối được bày trực tiếp lên bàn lễ. Theo đó, hũ gạo và muối trên ban thờ cần lưu ý:

- Gạo và muối cúng quanh năm trên bàn thờ thì để trong 2 hũ khác nhau (các cửa hàng bán đồ lễ có bán loại hũ riêng để cúng).

- Nên dùng hũ sứ Bát Tràng, chất lượng tốt, có trang trí hoa văn mang ý nghĩa tốt lành như họa tiết Tùng, Trúc, Cúc, Mai… (tuyệt đối tránh hình ảnh phản cảm, hay hoa văn ý nghĩa không lành).

- Các loại hũ đựng muối, gạo cúng lễ tốt nhất chính là có kiểu dáng nhỏ ở phần miệng và phình to ở giữa. Hũ đựng gạo và muối chỉ dùng riêng để cúng, tuyệt đối không dùng chung.

- Gạo và muối cúng lễ theo dịp thì cho vào đĩa, hoặc bát rồi đặt vào mâm (tùy mâm cúng to hay nhỏ). Nhưng nên chọn bát/ đĩa vừa phải, không nên dùng loại quá to vừa mất cân đối, vừa không đẹp mắt.

Rải gạo và muối

Các dịp cúng giỗ gạo và muối được bày trực tiếp lên bàn lễ - vì là vật phẩm cúng lễ trong nhà nên gia chủ có thể dùng lại gạo và muối đã cúng, hoặc đem rải ra sân tùy theo quan niệm của mỗi nhà, hay phong tục địa phương. Có nơi rải gạo và muối riêng sau khi cúng. Có nơi trộn chung 2 loại rồi rắc ra xung quanh đàn lễ...

Theo chuyên gia phong thủy Hà Thanh, thứ tự rải muối và gạo sẽ tùy vào quan niệm mỗi nhà, mỗi vùng miền. Nhưng nhiều nơi chọn rải gạo riêng, rải muối riêng với quan niệm nếu trộn lẫn trước khi rải thì khi bố thí chúng sinh sẽ gặp khó khăn khi ăn gạo và muối trộn. Vì thế nên có nhiều nơi đã rải gạo trước. Một lúc sau mới rải muối. Vừa rải, vừa niệm "Nam Mô A Di Đà Phật".

Do đó, rải gạo trước rồi rải muối, hoặc ngược lại đều được. Trộn gạo và muối hay tách riêng gạo và muối cũng theo quan điểm tùy nhà, tùy tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau của các dân tộc, vùng miền. Quan trọng là ở tấm lòng và sự chân thành để có lễ cúng hoàn hảo và các chúng sinh nhờ đó được thụ hưởng.

Nên rải gạo và muối ở ngoài khu vực nhà, sân vườn của gia đình. Nên rải vào ven tường, gốc cây - nơi ít người xe qua lại, tránh làm hư nát thực phẩm để các chúng sinh từ từ hưởng thụ (Ảnh minh họa).

Vừa rải gạo, rải muối vừa niệm Nam mô A di đà Phật để các chúng sinh nhận được gạo và muối, ăn xong là rời đi, không gây phiền nhiễu chốn nhân gian. Gia chủ bố thí gạo và muối cũng đạt được nhiều sức khỏe, vận may, lộc tài...

* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới