Nguyên tắc "Đông bình tây quả": Vị trí đặt đĩa trái cây trên bàn thờ
Theo quan niệm của người xưa, vị trí đặt đồ lễ trên bàn thờ đều tuân theo một nguyên tắc nhất định, đó là "đông bình tây quả". Nguyên tắc này bắt nguồn từ quy luật tự nhiên: mặt trời mọc ở hướng đông và lặn ở hướng tây, cây cối phải đơm hoa kết trái. Vì vậy, khi bài trí bàn thờ, lọ hoa (bình hoa) sẽ được đặt ở phía đông, còn mâm ngũ quả (đĩa trái cây) sẽ được đặt ở phía tây.
Đĩa trái cây nên đặt bên phải hay bên trái bàn thờ?
Để xác định được đâu là hướng đông, đâu là hướng tây của bàn thờ, gia chủ cần đứng từ trong bàn thờ nhìn ra. Theo đó, bên trái của bàn thờ (bên tả), tức là bên phải của người đứng cúng, được coi là phía đông. Bên đối xứng, tức bên phải của bàn thờ (bên hữu), là phía tây.
Thông thường, bàn thờ gia tiên thường được đặt ở chính giữa căn nhà theo hướng nam. Do đó, bình hoa sẽ được đặt ở bên trái bàn thờ (hướng đông) và đĩa trái cây sẽ được đặt ở bên phải (hướng tây). Việc sắp xếp này không chỉ tuân theo nguyên tắc phong thủy mà còn tạo sự thuận tiện khi bày biện và cúng lễ.
Những loại trái cây nên dâng cúng trên bàn thờ ngày Tết
Bên cạnh việc đặt đúng vị trí, việc lựa chọn trái cây để dâng cúng cũng rất quan trọng, thể hiện sự thành tâm và mong muốn những điều tốt đẹp cho gia đình. Dưới đây là một số loại quả được ưa chuộng trong mâm ngũ quả ngày Tết:
- Bưởi: Là loại trái cây không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết của các gia đình miền Bắc. Quả bưởi tròn đầy, căng bóng tượng trưng cho sự viên mãn, thịnh vượng, cầu mong gia đình sum vầy, mạnh khỏe và bình an.
- Chuối: Nải chuối xanh, cong, đầy đặn mang hàm ý cầu chúc cho sự no đủ, sung túc và viên mãn tràn trề, được nhiều gia đình lựa chọn để dâng cúng.
- Lựu: Quả lựu với màu đỏ hồng rực rỡ biểu trưng cho sự sinh sôi, phát triển, mang đến vận may về con cái. Người xưa quan niệm rằng, quả lựu cũng mang ý nghĩa những đứa trẻ trong gia đình khi sinh ra sẽ bụ bẫm và khỏe mạnh.
- Thanh long: Với vẻ ngoài vỏ đỏ, tai xanh mập mạp hướng lên trên, quả thanh long biểu tượng cho sự hanh thông, phát triển. Nhiều người chọn bày cúng thanh long để cầu mong gặp được thời vận tốt.
- Phật thủ: Quả phật thủ có hình dáng như bàn tay Phật, hương thơm nhẹ nhàng, mang ý nghĩa cầu mong sự che chở, bình an, thường được bày biện trong các mâm lễ cúng ngày lễ Tết, ngày rằm, mùng 1.
- Sung: Chữ "sung" mang ý nghĩa đầy đủ, sung túc, hình dáng quả sung gợi liên tưởng đến sự tròn đầy. Những chùm sung tươi xanh tượng trưng cho sự dồi dào, may mắn.
Việc đặt đĩa trái cây bên phải bàn thờ (hướng tây), tuân theo nguyên tắc "đông bình tây quả" không chỉ thể hiện sự hiểu biết về phong tục tập quán mà còn giúp gia chủ bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên, đồng thời cầu mong những điều tốt đẹp đến với gia đình. Hy vọng với những thông tin trong bài viết này, bạn sẽ có thêm kiến thức để sắp xếp bàn thờ một cách chính xác và phù hợp, tránh những sai sót không đáng có, mang lại may mắn, tài lộc và bình an cho gia đình.
* Thông tin mang tính chất chiêm nghiệm