TIN TỨC » Đời sống số

'Mẹ ơi, con có máu trên quần'! Người mẹ thông minh thường nói với con gái 3 điều này

Thứ bảy, 28/12/2019 09:35

Khi lần đầu tiên con gái xuất hiện kỳ kinh nguyệt, một người mẹ tâm lý sẽ không thể bỏ qua và nói với con những điều cần thiết, giúp con trấn an tâm lý và biết cách tự chăm sóc cho mình.

Tuổi dậy thì là thời điểm thích hợp để các bậc cha mẹ bằng hiểu biết, tình yêu thương, sự gần gũi để trò chuyện với con về giới tính. Cởi mở nói chuyện với chúng bằng những câu chuyện từ chính cuộc đời của mình cùng với những gì bản thân đã trải qua trong thời kỳ đó. Đây chính là bước đầu để thu hẹp khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, mỗi khi con bạn đã muốn trò chuyện với bạn về chuyện “thầm kín” nhất, thì những vấn đề khác chúng cũng sẽ không ngần ngại nói ra.

Đừng ngần ngại, hãy trao đổi với con bằng ngôn ngữ khoa học để lý giải những tò mò cho bé về những vấn đề liên quan đến giới tính.

Hãy dành thời gian giúp con gái chuẩn bị cho lần đầu có kinh nguyệt. Tránh để con gái thấy sợ hãi khi lần đầu thấy kinh, hoặc để bé rơi vào tình trạng không biết điều gì đang xảy ra hoặc tại sao nó lại xảy ra.

Dưới đây là 3 điều mẹ nên nói với con gái khi lần đầu tiên có kinh nguyệt:

1. Tuyệt quá, con gái tôi đã lớn

Mọi phụ nữ đều rất ấn tượng với trải nghiệm kinh nguyệt đầu tiên của mình. Một số cảm thấy vui vẻ đón nhận, nhưng số khác lại thấy lo lắng và sợ sệt... Do đó, người mẹ cần biết cách xoa dịu con gái mình rằng, đó là điều rất đáng mừng. Một dấu hiệu của sự trưởng thành và con hoàn toàn là một cô gái khỏe mạnh về thể chất. Bên cạnh đó, mẹ hãy chia sẻ với con, khi có kinh nguyệt con có thể bị đau bụng hoặc cảm thấy mệt mỏi trong những ngày đang hành kinh. Nhưng đây hoàn toàn là những hiện tượng bình thường. Và nếu như có gì bất thường con hãy chia sẻ với mẹ nhé!

2. Đừng sợ, đây là điều mà mọi cô gái sẽ trải qua

Một bé gái khi thấy mình bị chảy máu sẽ dễ cảm thấy mình như đang bị một căn bệnh gì đó đáng sợ, nếu mẹ không hướng dẫn con đúng cách, con có thể sẽ gặp rắc rối về vấn đề tâm lý như: hoang mang, lo lắng và thậm chí là stress. Vì vậy, khi lần đầu tiên con gái bị kinh nguyệt mẹ phải hết sức để ý, quan tâm và hướng dẫn con cách để vệ sinh. Hãy nói với con, đây là dấu hiệu và quá trình mà mọi cô gái đều trải qua, ở mỗi người có thể sớm hơn hay muộn hơn.

Cùng với việc phân tích để con hiểu và trấn an tâm lý con, mẹ cũng cần phổ biến kiến thức về kinh nguyệt cho con như: Chu kì kinh nguyệt sẽ kéo dài từ khoảng 5 đến 7 ngày, và mỗi tháng diễn ra 1 lần... Nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc có dấu hiệu bất thường, hãy nói với mẹ để kịp thời hướng dẫn hoặc đưa con đến bác sĩ để kiểm tra.

3. Học cách tự bảo vệ mình

Khi một cô gái đã đến kỳ kinh nguyệt, điều đó có nghĩa là cô gái ấy đã trưởng thành về thể chất. Cũng trong giai đoạn phát triển và trưởng thành con có thể sẽ gặp phải những chàng trai xấu trong cuộc sống. Một bà mẹ thông minh hãy nói với con cách để tự bảo vệ và không để người khác giới chạm vào những khu vực nhạy cảm của mình.

Mẹ có thể trả lời một số vấn đề mà các bé gái thường quân tâm như:

Nếu con gái hỏi bạn:

Con gái thường có kinh ở độ tuổi nào?

Phần lớn các bạn gái bắt đầu có kinh vào lúc 11-14 tuổi, nhưng nói chung kinh nguyệt xuất hiện trong khoảng từ 9-16 tuổi đều được coi là bình thường.

Làm sao con biết được mình sắp bắt đầu có kinh?

Thường thì kinh nguyệt bắt đầu vào khoảng 2 năm sau khi ngực con bắt đầu phát triển và 1 năm sau khi từ âm đạo tiết ra chất màu trắng. Đa số bé gái khi 9-10 tuổi bắt đầu nở ngực. Ngoài ra, sự xuất hiện của lông nách và lông mu cũng là những tín hiệu báo rằng con sắp có kinh, chúng thường xuất hiện 6 tháng trước kỳ kinh đầu tiên.

Con chưa có kinh nhưng quần hay bị dây bẩn bởi dịch màu trắng, điều này có đáng lo không?

Dịch tiết ra từ âm đạo là cách để cơ thể giữ cho bộ phận này được sạch sẽ, đó là điều hoàn toàn bình thường, không có gì đáng lo.

Con cần chuẩn bị những gì cho kỳ kinh đầu tiên?

Nên mang theo người băng vệ sinh để khi chuyện đó xẩy ra con không phải cuống quýt đi tìm. Nếu xẩy ra khi con đang ở trường và không có băng vệ sinh bên mình thì con hãy nói chuyện với cô giáo hay cô y tá của trường để được giúp đỡ. Trường hợp bí quá con có thể dùng giấy vệ sinh đặt tạm vào trong quần lót.

Nhiều bé gái bị hành kinh ở trường hay lúc đi chơi xa, bạn hãy giúp con chuẩn bị một túi nhỏ đựng vài miếng băng vệ sinh, một chiếc quần lót sạch. Nhắc con mang đi học hay khi đi chơi.

Túi vệ sinh là cách giúp con vượt qua nỗi sợ bị dính máu ra quần hay váy. Nói với con rằng, nếu quần lót bị bẩn thì con có thể thay quần mới, bọc quần cũ trong giấy vệ sinh để mang về giặt.

Khi gia đình đi chơi xa, bạn cũng có thể mang một túi như thế này bên mình để ứng cứu nếu con gái quên túi vệ sinh của mình.

Kỳ kinh đầu tiên của con kéo dài bao lâu?

Kinh nguyệt có thể kéo dài 3-7 ngày. Kỳ kinh đầu tiên có thể tương đối ngắn vì cơ thể cần thời gian để làm quen và dần dần đi vào chu kỳ đều đặn.

Bao lâu con sẽ bị hành kinh một lần?

Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu ra máu trong tháng này cho tới ngày đầu ra máu của tháng tiếp theo. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài 28 ngày, nhưng chu kỳ 21-45 ngày cũng là bình thường. Trong những năm đầu, kinh nguyệt của con thường chưa đều ngay, có thể 5-6 năm hoặc lâu hơn nữa mới đều đặn.

Con bị mất máu nhiều không?

Khi hành kinh, con cảm giác mình mất rất nhiều máu, trên thực tế lượng máu đó chỉ có 45-75ml . Trong những chu kỳ đầu tiên máu thường ra ít và không đều. Máu có thể màu đỏ, nâu, thậm chí là đen.

Nhỡ máu chảy ra ngoài quần thì sao?

Trở thành phụ nữ là chặng đường dài đối mặt với nhiều rủi ro khó xử. Con có thể che những vết bẩn khi chưa thể thay đồ bằng cách buộc một chiếc áo khoác vòng quanh eo chẳng hạn. Con cũng có thể để một chiếc quần dự trữ trong tủ ở trường hay trong cặp sách, tránh mặc quần hoặc váy sáng màu khi có kinh.

Hành kinh có gây đau bụng, khó chịu không?

Một số bạn gái có thể bị đau bụng dưới, đau lưng và thấy ngực căng trước và trong khi hành kinh. Một số bạn có thể bị chóng mặt, đau đầu hoặc buồn nôn, tiêu chảy. Khi đau bụng, đau lưng con có thể dùng thuốc giảm đau, tập thể dục, chườm nóng ở bụng dưới và lưng dưới. Nếu sau khi dùng thuốc giảm đau vẫn đau bụng dữ dội thì cần đi khám bác sĩ.

Con nên dùng băng vệ sinh thế nào?

Băng vệ sinh được đặt bên trong quần lót, một số loại băng có cánh bướm dán ở hai bên giúp cố định chặt hơn. Khi băng bị ướt hết hoặc khi con cảm thấy không ổn thì thay. Nhưng thường thì 4-8 giờ nên thay băng một lần.

Con có cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình không?

Việc lập lịch theo dõi hàng tháng có thể giúp con nắm được chu kỳ kinh nguyệt của mình và dự báo kỳ tiếp theo. Đánh dấu x vào ngày đầu hành kinh, và những ngày ra máu tiếp theo. Coi dấu x đầu tiên là ngày một, đếm tiếp đến ngày đầu tiên của kỳ sau để biết chu kỳ của mình dài bao nhiêu.

Vào một ngày đẹp trời, nếu nghe con gái thông báo đã bắt đầu ra máu, bạn nên tuyệt đối giữ bình tĩnh. Tuy bạn cảm thấy ái ngại vì con học lớp 3 đã bắt đầu hành kinh, nhưng bề ngoài bạn vẫn nên giữ vẻ bình thản. Kể cả nếu bé là người có kinh nguyệt đầu tiên trong số các bạn gái cùng lớp, bạn hãy nói với con gái rằng sự phát triển cơ thể của mỗi người một khác.

Một khi gặp những trường hợp sau đây thì bạn nên đưa con đi khám bác sĩ:

-Vô kinh : Bé gái dưới 16 tuổi chưa có kinh là điều bình thường. Tuy nhiên cần đưa đi khám nếu con bắt đầu có kinh rồi ngừng lại trong hơn 3 tháng.

-Ra quá nhiều máu: Máu ra quá nhiều, 1-2 tiếng phải thay băng vệ sinh một lần, hoặc kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày hay cảm thấy đau đầu, chóng mặt, mạch nhanh.

-Đau bụng dữ dội trong kỳ kinh, không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau.

-Kinh nguyệt không đều: Chu kỳ dưới 21 ngày hoặc hơn 45 ngày.

Autran (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới